Được Quảng Bình quy hoạch thành đô thị du lịch biển, những ông lớn BĐS nào đang hiện diện trên bán đảo Bảo Ninh?

Theo quy hoạch điều chỉnh TP Đồng Hới, bán đảo Bảo Ninh với đường bờ biển trải dài sẽ được tập trung phát triển theo hướng du lịch biển, đô thị ven biển. Những năm qua, khu vực này ngày càng quy tụ nhiều ông lớn bất động sản như Đất Xanh, Trường Thịnh, Nam Mê Kông...

Được quy hoạch thành đô thị du lịch biển

Nằm ở phía đông nam của TP Đồng Hới, xã Bảo Ninh có tổng diện tích 16,3 km2, trong đó đường ven biển kéo dài khoảng 9,5 km. Phía đông của Bảo Ninh giáp biển Đông, trong khi phía tây được ngăn cách với trung tâm TP Đồng Hới bởi sông Nhật Lệ. 

Vào tháng 12/2022, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Bình, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2045.

Theo quy hoạch điều chỉnh, khu vực phía đông TP Đồng Hới, trong đó có Bảo Ninh sẽ tập trung phát triển du lịch biển, đô thị ven biển.

Trong bản đồ quy hoạch được công bố, phần lớn dải đất ven biển của bán đảo Bảo Ninh sẽ được quy hoạch là đất dịch vụ, du lịch; ở phía trong sẽ tập trung đất hỗn hợp, đất ở mới xen kẽ cây xanh mặt nước; còn mặt tiếp giáp sông Nhật Lệ ở phía tây chủ yếu sẽ là các khu dân cư.

Bán đảo Bảo Ninh nhìn từ bản đồ quy hoạch. Phần lớn dải đất ven biển của Bảo Ninh được định hướng phát triển du lịch, dịch vụ (màu tím). (Ảnh chụp màn hình).

Hồi tháng 1 vừa qua, Quảng Bình đã khởi công dự án cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Đây là dự án thành phần của tuyến đường ven biển Quảng Bình.

Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu nằm trên tuyến đường chính kết nối trục Đông - Tây với trung tâm TP Đồng Hới. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các tuyến đường trong khu vực và dự án thành phần 1 - đường ven biển. 

Trước khi khởi công cầu Nhật Lệ 3, bán đảo Bảo Ninh cũng đã có hai cây cầu kết nối với khu vực trung tâm Đồng Hới là cầu Nhật Lệ 1 và Nhật Lệ 2.

Hạ tầng của Bảo Ninh sẽ không dừng lại ở cầu Nhật Lệ 3. Theo kế hoạch sử dụng đất TP Đồng Hới năm 2023, năm nay Bảo Ninh sẽ thực hiện nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định và xây dựng tuyến kết nối nối đường Võ Nguyên Giáp ra biển.

Loạt ông lớn đã và đang hiện diện tại Bảo Ninh

Một góc bán đảo Bảo Ninh. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Đặc thù địa lý nói trên của Bảo Ninh có những điểm tương đồng với bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, do đó bán đảo này được ví như Sơn Trà thứ hai của khu vực Bắc Trung Bộ. Cũng bởi vậy mà nhiều năm qua, bán đảo Bảo Ninh ngày càng quy tụ nhiều ông lớn bất động sản đầu tư dự án tại đây.

Tập đoàn Trường Thịnh là một trong những doanh nghiệp đặt chân đến Bảo Ninh sớm nhất. Từ năm 2002, tập đoàn này đã triển khai dự án Khu du lịch Mỹ Cảnh, nay là Sun Spa Resort tại bán đảo Bảo Ninh với quy mô 29 ha.

Năm 2015, Trường Thịnh tiếp tục đầu tư khu nhà ở thương mại Mỹ Cảnh trên diện tích 5,5 ha, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Bảo Ninh gần 165 ha, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng. 

Trường Thịnh vẫn có ý định mở rộng thêm quỹ đất tại Bảo Ninh. Tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp này đã liên danh cùng Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hoàng Minh để đăng ký thực hiện khu đô thị Bảo Ninh 4 với diện tích 41,5 ha, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng. 

Tại Khu đô thị Bảo Ninh 1, dự án này có sự hiện diện của liên danh CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) - CTCP Đất Xanh miền Trung với tổng diện tích 21 ha, tổng mức đầu tư 1.160 tỷ đồng.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng từng liên danh với Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Đô thị Vĩnh Phúc để đầu tư Khu đô thị Bảo Ninh 3. Dự án này có tổng mức đầu tư 920 tỷ đồng, diện tích 16,5 ha. Tuy nhiên vào tháng 3/2022, Vinaconex đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Đô thị Vĩnh Phúc và rút khỏi dự án Bảo Ninh 3.

Vào năm 2020, Tập đoàn Nam Mê Kông đã được phê duyệt là nhà đầu tư khu đô thị Bảo Ninh 2 với diện tích 18,3 ha, tổng mức đầu tư 1.020 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp từng là công ty con của Vinaconex.

Sau đó, liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã chứng khoán: CC1) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hadaland đã trúng thầu Khu đô thị Hadaland Bảo Ninh Green City với diện tích gần 26 ha, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. 

Một thương hiệu mới nổi trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng là Onsen Fuji cũng đầu tư tại Bảo Ninh, với dự án Dolce Penisola Quảng Bình rộng 8.236 m2, gồm 2 toà tháp cao 27 tầng, với sản phẩm chính là căn hộ khách sạn.

Ở diễn biến mới nhất, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Cần Thơ - công ty liên kết của Văn Phú Invest đã là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Bảo Ninh 8. Dự án này có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 20,4 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Bảo Ninh sẽ đấu giá thêm 4 khu đất để làm du lịch

Theo Kế hoạch sử dụng đất TP Đồng Hới, năm nay Bảo Ninh sẽ đấu giá một số khu đất để thực hiện các dự án du lịch.

Các khu đất này bao gồm: Khu đất thu hồi của CTCP Du lịch Hà Nội - Quảng Bình (0,65 ha); khu đất thực hiện dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại thôn Trung Bính (0,26 ha); khu đất thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn, văn phòng và căn hộ Green Diamond (1,36 ha) và khu thực hiện dự án Khu nhà hàng Bảo Ninh Beach Restaurant (0,91 ha).