Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum có chiều dài 23 km, tổng kinh phí đầu tư 700 tỉ đồng. Công trình khởi công từ tháng 12-2013, bàn giao vào tháng 4-2016. Trong quá trình thi công dự án, nhiều nhà dân hai bên đường bị nứt toác, hư hỏng nặng nề.
Chỉ vào cả chục vết nứt dọc ngang trên các bức tường, bà Võ Thị Xuân (phường Ngô Mây, TP Kon Tum) nói: Khi chưa làm đường thì nhà không vấn đề gì. Tuy nhiên, khi đường Hồ Chí Minh thi công, xe lu lèn dồn dập từ sáng đến chiều khiến căn nhà rung chuyển, từng mảng xi măng trên tường bong tróc từ từ.
“Nhiều lúc nhà rung dữ quá, chúng tôi không dám ở trong lúc họ lu đường mà phải chạy ra ngoài đợi thi công xong mới vô lại. Các bức tường do bị chấn động mạnh đã xuất hiện nhiều vết nứt. Sợ sập nhà, chồng tôi cầu cứu khắp nơi, thậm chí liều mình ra đường chặn xe thi công.
Sau đó một số cơ quan chức năng có xuống hiện trường lập biên bản, chụp ảnh, hứa hẹn rồi đi mất. Gia đình rất lo lắng khi sống trong căn nhà bị nứt nhưng cũng phải ở chứ chẳng biết đi đâu” - bà Xuân nói.
Có tới 744 căn nhà bị nứt do thi công đường. Ảnh: Q.LOAN |
Căn nhà ông Trần Văn Lâu, hàng xóm của bà Xuân, cũng đầy rẫy những vết nứt ở cột và tường. Có những vết nứt dài nhiều mét, làm bong tróc cả lớp hồ tô tường, lòi cả gạch.
“Những vết nứt này xuất hiện khi con đường thi công vào năm 2014. Hồi ấy có ba xe lu đường hoạt động liên tục khiến căn nhà tôi rung bần bật. Đơn vị chức năng cũng đã xuống kiểm tra nhưng rồi không nghe nói gì. Tôi chỉ mong được bồi thường sớm để gia đình sửa nhà ở cho an toàn” - ông Lâu nói.
Hơn 30 tháng kể từ ngày công trình được bàn giao, đến nay các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn đang ngày đêm ngóng chờ tiền bồi thường. Nhiều hộ biết nhà không an toàn nhưng không dám sửa mà giữ nguyên hiện trạng để có cơ sở bồi thường.
Bà Huỳnh Châu Bích Lệ (phường Ngô Mây) nói: “Nhà trước của tôi bị nứt nhiều lắm, gia đình cũng muốn sửa nhưng lại sợ làm mất hiện trạng, không có cơ sở bồi thường sau này. Chính vì thế gia đình không dám ở nhà trước, mọi sinh hoạt đều diễn ra ở nhà sau” - bà Lệ nói.
744 căn nhà bị rạn nứt khi thi công dự án. Cụ thể, huyện Đắk Tô có 275 hộ, huyện Đắk Hà có 267 hộ, TP Kon Tum có 202 hộ. |
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật thẩm định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Kon Tum (thuộc UBND tỉnh Kon Tum), thừa nhận việc thi công dự án có gây ảnh hưởng nhà dân. Cũng chính lý do này nên đã có lần người dân ra đường ngăn cản thi công.
Theo ông Thanh, khi nhận được phản ánh, chủ đầu tư cùng các bên liên quan đã xuống kiểm tra và đối thoại với dân. Nhà thầu cũng triển khai các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng nhà dân như giảm khoảng cách lu, lu tần suất nhẹ và làm hào để giảm độ rung chấn. Nhờ những biện pháp này mà tình trạng nứt nhà do thi công giảm hẳn.
Cũng theo ông Thanh, ngày 7-2-2017, Sở GTVT tỉnh Kon Tum đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về việc bồi thường, hỗ trợ các hộ dân có nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh. Văn bản còn đề nghị cụ thể số tiền hỗ trợ hơn 1,3 tỉ đồng, song đến nay vẫn chưa thấy Bộ phản hồi.
Dự án do Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là liên doanh Công ty Cổ phần Trường Long và Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng, liên doanh Công ty Cổ phần Trường Long và Công ty TNHH Tiến Phát, liên doanh Công ty Cổ phần Trường Long và Công ty Cổ phần Quản lý xây dựng các công trình giao thông Kon Tum. |
Mố cầu Đuống và nhiều nhà ven sông nứt toác: Sau 3 tháng mới bắt đầu được xử lý
Theo ghi nhận, sau 3 tháng, sự cố nứt mố cầu Đuống khiến người dân phải di dời mới được cơ quan chức năng xử ... |
Mố cầu Đuống và nhà ven sông nứt toác: Bố trí lực lượng túc trực 24/24 để đối phó với tình huống rủi ro
Liên quan đến sự cố nứt mố cầu Đuống, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đang phối hợp với đơn vị tư ... |