Các bị cáo trong đường dây bán "logo xe vua". |
Chiều 19/4, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử đường dây mua bán “logo xe vua” do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982) cầm đầu tiếp tục với phần xét hỏi.
Hai bị cáo Thới và Vân đã cùng với 8 đồng phạm của mình là các bị cáo Trần Quốc Thái (SN 1971), Mai Vân Thái Em (SN 1979), Huỳnh Tấn Thắng (SN 1983), Nguyễn Văn Phúc (SN 1967), Trần Trọng Nhân (SN 1988), Nguyễn Minh Thiên (SN 1988) và Nguyễn Mai Hữu Nhân (SN 1990, cùng ngụ TP HCM) bị đưa ra xét xử về các tội “Đưa hối lộ” và “Môi giới hối lộ”.
Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973, cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”.
Trong phần xét hỏi chiều nay, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa hỏi bị cáo Thới về mục đích in logo “Garage Thành Đô”. Bị cáo Thới lý giải là để quảng cáo. Ngoài ra, logo này có tác dụng để các tài xế xe ôm biết xe nào của Thới, để nếu có lực lượng liên ngành xử lý vi phạm giao thông thì sẽ chỉ cho các tài xế “né trạm”.
Tuy nhiên, Thới lại không thể trả lời trước câu hỏi của VKS rằng: “Vậy logo ký hiệu 68 thì mục đích để làm gì?”.
Tại tòa, Thới cũng thừa nhận việc cáo trạng quy kết mình là đúng. Thới có thu lợi 1,3 tỷ đồng từ việc bán “logo xe vua”, nhưng đã nộp lại toàn bộ cho cơ quan điều tra rồi.
Trước đó, trong phiên tòa buổi sáng, bị cáo Thới thừa nhận một phần cáo trạng quy kết mình, rằng bản thân chỉ bán “logo xe vua” cho khoảng 500 – 600 lượt xe chứ không đếncòn số 15.000 lượt xe như cáo trạng quy kết.
Về số tiền thu được từ việc bán “logo xe vua”, Thới cho rằng không đến 23 tỷ đồng. Nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì Thới nói do lâu rồi không nhớ. Số tiền có được từ việc bán “logo xe vua”, Thới nói chia làm nhiều phần, trong đó chuyển cho Nguyễn Cảnh Chân, 1 phần để đóng phạt, 1 phần mướn xe ôm canh đường.
Trong quá trình chạy xa do bị bắt nhiều bị cáo mới nghĩ ra cách in “logo xe vua” để bán chứ không có bàn bạc với ai. Khi vụ án bị phanh phui, Thới bị bắt để phục vụ công tác điều tra.
Bị cáo Thới bức xúc cho biết, trong quá trình lấy lời khai, bản thân Thới bị chích điện, ép cung nhục hình tới ngất xỉu, tâm trí hoảng loạn nên khai bừa chứ không nhớ cụ thể.
Bị cáo Thới thừa nhận mình in logo Gara Thành Đô và 68 để bán cho các lái xe nhằm thu lợi. Một số lần có nhờ Chân đi nộp phạt giúp chứ không biết Chân là CSGT tỉnh Đồng Nai.
Cũng tại phiên làm việc chiều nay, đại diện VKSND cũng xét hỏi bị cáo Vân về mục đích in lo gô hình mặt trời. Vân lý giải rằng, bị cáo có 1 số anh em quen và bị cáo cũng có xe thường xuyên bị xử phạt về việc xe quá tải. Thông qua các tài xế bị xử phạt, Vân xin số liên lạc của các CSGT, TTGT rồi xin số điện thoại của cấp trên những cán bộ này để nhờ “giúp đỡ”.
Sau phần xét hỏi của đại diện VKS, HĐXX nhận thấy còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Như đã đưa tin trước đó, 2 bị cáo Thới, Vân đã cùng với 8 đồng phạm liên kết với 80 CSGT, TTGT để in các “logo xe vua” bán cho các chủ xe nhằm tránh bị xử phạt các lỡi vi phạm khi lưu thông qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Hồ sơ cáo buộc, Thới, Vân đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính 23 tỷ đồng. Số tiền thu lợi này, 2 bị cáo đã cùng với đồng phạm chung chi với 80 CSGT, TTGT để được bỏ qua các lỗi vi phạm.
Khi vụ án được khám phá, có 62 CSGT và 18 TTGT được mời lên làm việc, nhưng chỉ có duy nhất cán bộ CSGT Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận có nhận tiền để bảo kê “xe vua”. Bị cáo Chân khi ra tòa đã bất ngờ khai đã đưa cho sếp của mình 300 triệu đồng nhờ “giúp đỡ” cho các xe vi phạm.
Đường dây logo 'xe vua': Nguyên CSGT khai đưa 'sếp' 300 triệu 'giúp đỡ' xe vi phạm
Là người duy nhất trong số 80 CSGT, TTGT bị tố có nhận tiền bảo kê “xe vua”, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân ra tòa ... |