Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày khai thác. (Ảnh: Di Linh).
Bộ GTVT vừa cung cấp thông tin về tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, Bộ cho biết hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng bao gồm 13,05km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh.
Dự án này cũng đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống và đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.
Hiện tại, dự án đang hoàn thiện các qui trình vận hành, bảo trì, hệ thống qui trình quản lí an toàn vận hành; đánh giá an toàn hệ thống cơ bản hoàn thành cho phần xây dựng, đang tiếp tục đánh giá các hạng mục còn lại.
Về nhân lực, dự án đã hoàn thành đào tạo lí thuyết và phần thực hành các chuyên ngành vận hành, đang hướng dẫn duy tu bảo dưỡng cho từng loại thiết bị cụ thể tại hiện trường.
"TP Hà Nội đã thành lập công ty tiếp nhận, vận hành sau bàn giao và đã có kế hoạch điều chỉnh các tuyến xe buýt khi tiến hành khai thác thương mại để thuận tiện kết nối.
Bộ GTVT và TP Hà Nội đã thống nhất nguyên tắc bàn giao, vận hành ngay khi đủ điều kiện", Bộ GTVT cho biết.
Về vấn đề chậm tiến độ, Bộ GTVT cho biết khi thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có nhiều yếu tố tác động như giải phóng mặt bằng.
Đơn cử, dự án động thổ vào tháng 4/2010 nhưng đến cuối tháng 4/2015 mới có mặt bằng sạch.
Ngoài ra, công địa khảo sát để thiết kế, qui trình thủ tục có sự khác biệt (giữa Việt Nam và Trung Quốc) nên thời gian thực hiện dự án đã bị kéo dài.
"Trên cơ sở cam kết của Tổng thầu, Bộ GTVT đã báo cáo và được sự đồng ý của Chính phủ, dự án điều chỉnh hoàn thành trong Quí IV/2018 và vận hành chạy thử từ 3 - 6 tháng đến hết 31/3/2019.
Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại chính chưa được hoàn thiện", Bộ GTVT cho hay.
Theo Bộ GTVT, một số tồn tại có thể kể đến như chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mĩ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu.
Các thiết bị đã lắp đặt Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ.... để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.
Chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé...) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lí chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo qui định.
"Từ tháng 4/2019 đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía bạn trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đôn đốc Tổng thầu khẩn trương hoàn thiện các vấn đề tồn đọng", Bộ GTVT cho biết.
Đường Trần Phú - nơi dự án đường sắt chậm tiến độ đi qua thường xuyên ùn tắc. (Ảnh: Di Linh).
Theo Bộ này, các nguyên nhân tồn tại, khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa vận hành, khai thác thương mại dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ động xử lí dứt điểm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên quá trình làm việc của Bộ GTVT, Ban Quản lí dự án đường sắt với Tổng thầu chưa đạt được kết quả, đặc biệt là công tác tập hợp hồ sơ của Tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
"Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi", Bộ GTVT thông tin.
Hiện, Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất.
"Bộ đã có báo cáo, giải trình với Kiểm toán Nhà nước và sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu ra, đồng thời sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền.
Bộ đã và đang rà soát, xác định trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến các nội dung theo kiến nghị kiểm toán và tiếp tục thực hiện công tác kiểm điểm, xử lí trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan", Bộ GTVT cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Quá trình thực hiện, Dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD).
Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị là 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Từ năm 2008 đến tháng 8/2014, Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (Cục ĐSVN) làm Chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Cục ĐSVN là đại diện chủ đầu tư.
Thực hiện tái cơ cấu các Ban quản lí dự án, tháng 8/2014, Bộ GTVT đã chuyển chủ đầu tư dự án từ Cục ĐSVN về Bộ GTVT và giao cho Ban QLDA Đường sắt thuộc Bộ làm đại diện Chủ đầu tư.
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.