EVN Finance hoạt động ra sao sau khi EVN thoái vốn?

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của EVN Finance đạt 191 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì năm trước và vượt 6% kế hoạch cả năm. Tính đến 30/9, tổng tài sản của EVN Finance đạt 28.124 tỉ đồng, tăng 27,1% so với thời điểm cuối năm trước.

Hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng 

Theo báo cáo tài chính quí III/2020, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance - Mã: EVF) ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 191 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì năm trước và vượt 6% kế hoạch cả năm.

Cụ thể, trong 9 tháng, thu nhập lãi thuần của công ty đạt 522 tỉ đồng, tăng 37,3% so với cùng kì 2019 và chiếm xấp xỉ 79% tổng thu nhập hoạt động. 

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 56,8 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 56% nhờ việc cắt giảm được đáng kể chi phí các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh không thường xuyên cũng ghi nhận sự khởi sắc khi đem về hơn 82 tỉ đồng, tăng gần 92%.

Ngược lại, mảng kinh doanh ngoại hối và góp vốn, mua cổ phần đều kém hơn cùng kì năm trước; thậm chí mảng chứng khoán đầu tư còn lỗ 1,7 tỉ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của EVN Finance đạt 663 tỉ đồng, tăng 41,1%. Sau khi trừ 212 tỉ đồng chi phí (tăng 7,3%), lợi nhuận thuần của công ty đạt 451 tỉ đồng, tăng 65,7%.

Đáng chú ý, công ty đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong kì lên 260 tỉ đồng, gấp gần 4 lần cùng kì 2019. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế giảm 7%, xuống còn 191 tỉ đồng.

EVN Finance hoạt động ra sao trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của EVN Finance. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC EVN Finance).

Tính đến 30/9, tổng tài sản của EVN Finance đạt 28.124 tỉ đồng, tăng 27,1% so với thời điểm cuối năm trước. Trong đó, khoản mục tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng mạnh từ 3.209 tỉ đồng lên 9.715 tỉ đồng.

Số dư cho vay khách hàng giảm 2,5% xuống còn 9.624 tỉ đồng. Trong khi, số dư tiền gửi khách hàng tăng hơn 44,2% lên 6.694 tỉ đồng, chủ yếu do tiền gửi của nhóm khách hàng công ty cổ phần tăng đột biến từ 619 tỉ đồng lên hơn 3.692 tỉ đồng.

Sau 9 tháng đầu năm, nợ xấu của công ty giảm 2,9% từ mức 349 tỉ đồng xuống 339 tỉ đồng. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 3,53% xuống 3,52%.

EVN Finance hoạt động ra sao trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài chính của EVN Finance. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC EVN Finance).

Cổ đông lớn liên tục thoái vốn

Tính đến 30/9, cơ cấu của đông của EVN Finance gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 1% vốn, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sở hữu 4,97% và các cổ đông khác (94,3%).

EVN Finance hoạt động như thế nào sau khi ABBank và EVN thoái vốn? - Ảnh 3.

Cơ cấu cổ đông EVN Finance tại thời điểm 30/9. (Nguồn: BCTC EVN Finance).

Trước đó, vào tháng 9, ABBank đã bán 9,1 triệu cổ phần EVF, đưa tỉ lệ sở hữu từ 8,4% xuống 4,97%.

Mới đây nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn tại EVN Finance khi đấu giá bán thành công 2,65 triệu cổ phần EVF vào cuối tháng 10. 

Số cổ phần được EVN bán cho hai nhà đầu tư cá nhân với giá 17.411 đồng/cp, gấp khoảng 2,3 lần thị giá cổ phiếu EVF đang được giao dịch trên UPCoM (giá tham chiếu của EVF thời điểm đó dao động quanh mức 8.000/cp). 

Đây cũng không phải lần đầu EVN thoái vốn tại EVN Finance. Vào tháng 10/2017, EVN đã đăng kí đấu giá 37,5 triệu cổ phần EVN Finance với mức giá khởi điểm 11.654 đồng/cp. Số cổ phần này được chia thành 3 lô, được tổ chức thành 3 phiên đấu giá, mỗi lô có 12,5 triệu cổ phần. EVN bán thành công 2 trên 3 lô và thu về hơn 290 tỉ đồng.

Đến tháng 8/2019, EVN tiếp tục bán thành công 16,25 triệu cổ phần trên 18,75 triệu cổ phần EVF đem đấu giá. Đáng nói, số cổ phiếu này cũng được hai nhà đầu tư cá nhân đã mua với giá 13.480 đồng/cp (cao hơn gần 70% thị giá cổ phiếu EVF thời điểm đó).

Như vậy, sau khi thoái toàn bộ vốn tại đây, EVN thu về khoảng 556 tỉ đồng.

EVN cho biết, việc thoái vốn khỏi EVN Finance nhằm thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

EVN Finance được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 2.500 tỉ đồng, hoạt động chính là quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phảm dịch vụ tài chính cho các đơn vị.

Công ty đưa cổ phiếu EVF lên sàn chứng khoán vào ngày 7/8/2018 với giá tham chiếu 12.200 đồng/cp. Hiện cổ phiếu EVF hiện được giao dịch tại mức giá 8.100 đồng/cp, tăng hơn 60% so với hồi đầu năm.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.