FLC có gần 7.000 tỷ đồng từ người mua trả tiền trước, nợ tài chính giảm sau 6 tháng đầu năm

Theo BCTC của FLC, tại thời điểm cuối quý II, công ty đang có gần 7.000 tỷ đồng tiền người mua trả trước ngắn hạn. Bên cạnh đó, công ty cũng chi hơn 3.000 tỷ đồng trả nợ vay trong 6 tháng đầu năm.

Quý II/2022, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đạt doanh thu thuần 576 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 640 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 21 tỷ đồng. 

Theo giải trình của FLC, kết quả này là do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính đều giảm mạnh do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt. 

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng đang mùa cao điểm, cùng với khoản lỗ 312 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không. 

 KQKD 6 tháng đầu năm của FLC. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp). 

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 1.661 tỷ đồng, giảm 60%. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm giảm 71%, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 36% và doanh thu kinh doanh bất động sản giảm 51%. 

FLC cũng ghi nhận doanh thu tài chính giảm 70% còn 223 tỷ đồng và khoản lỗ 582 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết trong khi cùng kỳ lãi 12 tỷ đồng.

Các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Kết quả, công ty lỗ sau thuế 1.106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 63 tỷ đồng. 

Lưu chuyển tiền thuần trong nửa đầu năm của FLC dương 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.083 tỷ đồng, chủ yếu do dòng tiền kinh doanh dương 3.204 tỷ đồng nhờ tăng các khoản phải trả. 

Tính tới thời điểm cuối quý II, các khoản phải trả của công ty đạt 11.241 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm và chiếm 41% trong tổng nợ phải trả, trong đó có khoản nhận ký quỹ, ký cược 2.140 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, công ty cũng có 6.980 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng 39% so với đầu năm, đa phần là người mua cá nhân. 

Ở chiều ngược lại, dư nợ tài chính của FLC giảm 17% so với đầu năm còn 5.126 tỷ đồng, chủ yếu do công ty đã tất toán 5 khoản vay từ các ngân hàng thương mại. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, trong kỳ, FLC đã chi 3.814 tỷ đồng trả nợ gốc vay, cao gấp đôi cùng kỳ. 

Qua đó, tổng nguồn vốn của công ty tại thời điểm cuối quý II đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm. 

Về phần tài sản, chiếm 42% là các khoản phải thu 15.446 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.

Mặt khác, tồn kho của FLC đạt 2.137 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là tồn kho bất động sản. Công ty không cho biết chi tiết về các khoản này.  

Khoản đầu tư vào cổ phiếu của công ty cũng giảm 34% còn 174 tỷ đồng, gồm đầu tư vào các mã cổ phiếu của doanh nghiệp cùng "họ" như AMD, HAI, KLF. 

Tag:
chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Khu đô thị tại Quảng Bình có thể sáng sủa vào 2025, dự án Cồn Tiến còn vướng 1 hộ dân
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.