Theo tạp chí Forbes, ngày 14/9, tỉ phú người Mỹ Charles Chuck Feeney (89 tuổi) chính thức không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới vì ông đã hiến tặng toàn bộ tài sản trị giá 8 tỉ USD của mình cho mục đích từ thiện.
Charles "Chuck" Feeney là đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers cùng với Robert Miller vào năm 1960. Dù kiếm được hàng tỉ USD, Feeney lại sống một cuộc sống thanh đạm, giản dị như tu sĩ.
Là một nhà từ thiện, ông là người tiên phong trong ý tưởng "cho đi khi còn sống" với quan niệm vì bạn không thể mang theo của cải khi qua đời, vậy tại sao lại không đóng góp cho cộng đồng khi bạn còn có thể kiểm soát và chứng kiến những thành quả mà nó mang lại.
"Chúng tôi đã học được rất nhiều. Chúng tôi sẽ làm một số việc khác nhau, nhưng tôi rất hài lòng. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi hoàn thành được ước nguyện của mình khi còn sống" Feeney nói với Forbes.
Vị cựu tỉ phú nói: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc hành trình ý nghĩa này. Tôi hi vọng những người còn đang băn khoăn về triết lí "Cho đi khi Sống" hãy thử làm điều đó và bạn sẽ thích nó giống như tôi."
Trong suốt bốn thập kỉ qua, thông qua quĩ từ thiện của mình mang tên Atlantic Philanthropies, Feeney đã quyên góp hơn 8 tỉ USD cho các tổ chức, trường đại học và các quĩ nhân đạo trên toàn thế giới.
Năm 2012, Feeney tiết lộ ông để dành 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho hai vợ chồng, chiếm một phần rất nhỏ so với khối tài sản khổng lồ của ông.
Đặc biệt, trong khi nhiều nhà tài phiệt khác có riêng đội ngũ tuyên truyền quảng bá cho mỗi lần làm từ thiện, Feeney luôn làm âm thầm và quyên góp dưới dạng ẩn danh. Tạp chí Forbes đã gọi Feeney là "James Bond từ thiện".
Cuối thập niên 1990, những hoạt động vì cộng đồng của ông mới được hé lộ sau thương vụ bán cổ phần Duty Free Shoppers cho tập đoàn LVMH của Pháp.
Chuyên kinh doanh các mặt hàng cao cấp, đắt tiền cho khách du lịch, Feeney đã tích lũy được số tiền khổng lồ và gia nhập hàng ngũ những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, Feeney lại sống cùng vợ trong một căn hộ giản dị ở San Francisco, trông như một phòng kí túc xá cho sinh viên. Trên tường, cựu tỉ phú treo vài tấm hình chụp cùng gia đình, bạn bè. Trên một chiếc bàn gỗ đơn sơ, có một kỉ niệm chương nhỏ ghi: "Chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp từ thiện 8 tỉ USD".
Feeney chính là nguồn cảm hứng thúc đẩy hai tỉ phú nổi tiếng hàng đầu là Bill Gates và Warren Buffett để thành lập Giving Pledge vào năm 2010, một chiến dịch nhằm thuyết phục những người giàu nhất thế giới cho đi ít nhất 50% khối tài sản trước khi qua đời.
Warren Buffett nói: "Chuck là nền tảng về nguồn cảm hứng cho Lời cam kết cho đi. "Anh ấy là hình mẫu cho tất cả chúng tôi.
Vào ngày 14/9, Feeney đã hoàn thành sứ mệnh kéo dài 4 thập kỉ của mình. Feeney chính thức làm lễ đóng quĩ Atlantic Philanthropies vì toàn bộ số tiền đã được phân phát hết.
Buổi lễ được tiến hành trực tuyến qua ứng dụng Zoom với sự tham gia của vợ và các thành viên ban điều hành quĩ. Tỉ phú Bill Gates và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi – đại diện cho Quốc hội Mỹ, đã gửi thông điệp cảm ơn ông Feeney vì những gì ông đã làm.
Vào thời kì đỉnh cao, Atlantic Philanthropies có hơn 300 nhân viên và 10 văn phòng trên toàn thế giới. Ngày đóng quĩ đã được Feeney đặt ra cách đây nhiều năm, như một phần trong kế hoạch dài hạn quyên tặng hết số tiền.
Mặc dù quĩ đã đóng, nhưng tầm ảnh hưởng của nó vẫn vang dội trên toàn thế giới nhờ những khoản hỗ trợ lớn vào y tế, khoa học, giáo dục và hoạt động xã hội.
Ước tính, vị tỉ phú đã dành 3,7 tỉ USD cho ngành giáo dục, bao gồm 1 tỉ USD cho trường cũ của ông - Đại học Cornell. Feeney dành 870 triệu USD tặng cho các hoạt động nhân quyền và thay đổi xã hội tại Mỹ.
Ông cũng ủng hộ hơn 700 triệu USD cho lĩnh vực y tế, trong đó có khoản tài trợ trị giá 270 triệu USD để giúp Việt Nam cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.