|
Theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 18/3 liên quan đến hệ thống tài chính, các loại tiền ảo hay còn gọi là tài sản điện tử có thể tạo ra nguy cơ đối với sự ổn định tài chính toàn cầu nếu các hình thức này được sử dụng rộng rãi hoặc kết nối trực tiếp với trung tâm của hệ thống tài chính.
Đánh giá trên, được Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) nêu trong báo cáo về nguy cơ rủi ro đối với tài sản điện tử và được đưa ra trước thềm hội nghị các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo các ngân hàng nhà nước của các nước G20 khai mạc ngày 19/3 tại Buenos Aires, Argentina.
Tuy nhiên, theo báo cáo của FSB, các loại tiền ảo hay tài sản điện tử cho đến nay vẫn được ghi nhận chưa gây ra rủi ro mang tính hệ thống đối với nền tài chính. Năm 2017 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của hàng trăm loại tiền ảo, trong đó nổi bật là Bitcoin, khi mà ở thời điểm cuối năm đồng tiền này được bán với giá gần 20.000 USD/Bitcoin nhưng sau đó đã sụt giảm mạnh và hiện còn khoảng 8.000 USD/Bitcoin.
Mối quan ngại chủ yếu của các chuyên gia tài chính đối với loại hình tài sản này là chúng có thể sử dụng trong những "giao dịch đen" đối với các loại hàng hóa và dịch vụ trái phép như ma túy và vũ khí.
FSB cảnh báo nếu không có những cải tiến xác đáng theo các phương thức quản lý, tính chính trực của thị trường và khả năng hồi phục điện tử, những nguy cơ đối với ổn định tài chính sẽ tăng cao và có thể tác động đến niềm tin thị trường.
Mặc dù cho đến nay, hệ thống tài chính được xây dựng bởi nỗ lực của các nước G20 cùng với FSB trong suốt 10 năm qua có khả năng chống chịu tốt trước các nguy cơ khủng hoảng, báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm tra, rà soát nhằm sớm phát hiện những nguy cơ tiềm tàng bao gồm sự phát triển rộng rãi mất kiểm soát và không an toàn của các loại tài sản điện tử, qua đó yêu cầu cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với khu vực này.
FBS có cơ sở tại Basel, Thụy Sĩ, được thành lập nhằm củng cố hệ thống tài chính sau cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước của công ty dịch vụ tài chính Mỹ Lehman Brothers./.