Gần 1.500 tỷ đồng làm cao tốc TP HCM - Chơn Thành qua Bình Phước, thu hồi hơn 82 ha đất, dự kiến khởi công vào quý II/2025

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn đi qua tỉnh Bình Phước có tổng chiều dài khoảng 6,6 km, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được dự kiến khởi công vào quý II/2025.

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành thuộc Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Vành đai 3 TP HCM và điểm cuối tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Đoạn tuyến cũng được xác định trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc đầu tư cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo quy hoạch sẽ tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các đô thị vệ tinh của Thành phố với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với đó là giúp giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP HCM, trong tương lai kết nối thuận lợi giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các tỉnh, thành phố và vùng phụ cận.

 Bản đồ hướng tuyến  cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước. (Ảnh chụp từ văn bản).

Dài khoảng 6,6 km, đi qua thị xã Chơn Thành

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ dự án), cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 6,6 km. Điểm đầu dự án nằm tại tại ranh giới tỉnh tỉnh Bình Phước; điểm cuối giao QL 14 (Km58+720 theo lý trình Dự án). 

Địa điểm thực hiện dự án đi qua địa giới hành chính các xã Nha Bích và phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành.

Tổng diện tích đất GPMB của dự án khoảng 82 ha, trong đó đất ở khoảng 2,4 ha; đất trồng cây lâu năm khoảng 74 ha; đất trồng lúa khác khoảng 1,26 ha; đất rừng tự nhiên khoảng 4,1 ha; đất trồng cây hàng năm khoảng 0,36 ha; đất nuôi trồng thủy sản khoảng 0,06 ha.

Về hiện trạng sử dụng đất, đoạn từ Km52+159,93 - Km54+320 có địa hình tương đối bằng phẳng, đây là khu vực quy hoạch khu công nghiệp Becamex, hiện trạng khu vực là vườn cao su.

Đoạn từ Km54+000 - Km54+320 có dân cư sống tập trung đông tại đường giao thông hiện hữu. Đoạn từ Km54+320 - Km54+880 đi qua khu vực đất rừng do UBND phường Minh Thành quản lý. Đoạn từ Km54+880 - Km58+720 đi qua khu vực trũng, giao cắt với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành khoảng Km56+680.

Tuyến giao cắt với QL 14 ở lý trình Km58+720. Đoạn này dân cư thưa thớt chỉ tập trung tại vị trí giao với QL 14, đất trong khu vực chủ yếu là trồng cây công nghiệp.

 Hiện trạng điểm đầu và điểm cuối của dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý II/2025

Về hướng tuyến, tuyến có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bình Dương, tuyến đi trùng vào tim đường D9 dự án khu công nghiệp và Dân cư Becamex - Bình Phước khoảng 2 km, tuyến đi tiếp khoảng 1,5 km theo quy hoạch chung đô thị thị xã Chơn Thành, sau đó tuyến kéo dài và kết nối vào QL 14 tại khoảng Km993+500.

Về quy mô xây dựng dự án, xây dựng tuyến đường cao tốc với chiều dài khoảng 6,6 km, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (bề rộng 80 m) và đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25,5 m (có làn dừng khẩn cấp liên tục).

Cùng với đó, xây dựng đường song hành hai bên cao tốc với bề rộng mặt đường 11 m, vỉa hè 6 m. Riêng đoạn Km52+159,93 - Km54+280 qua đất quy hoạch Khu Công nghiệp và Dân cư Becamex Bình Phước do CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước đầu tư xây dựng tại dự án riêng.

Tuyến chính cao tốc công trình giao thông cấp I (vận tốc thiết kế 120 km/h); đường song hành công trình giao thông đô thị 50 km/h.

Đối với đường song hành, với tính chất là đường đô thị, thiết kế theo nguyên tắc đảm bảo quy mô mặt đường như chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh Bình Phước thông qua; đối với đoạn tuyến ngoài KCN Becamex, do quy hoạch đô thị chưa hoàn thiện, dọc theo hai bên tuyến đường song hành chưa có san lấp mặt bằng và dân cư sinh sống hai bên nên để không chiếm dụng thêm diện tích đất ngoài phạm vi GPMB.

Đồng thời dự kiến không gian để bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật (như hệ thống cấp điện, thoát nước thải nhà dân…), thiết kế bề rộng vỉa hè rộng 4 m, bề rộng vỉa hè còn lại (2 m) dự kiến bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật bên dưới và hoàn thiện khi hình thành dân cư hai bên đường.

Về tiến độ và thời gian thực hiện dự án dự kiến, phê duyệt dự án đầu tư vào quý IV/2024; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù GPMB vào quý I - II/2025; khởi công dự án vào quý II/2025 - quý IV/2026; thanh thải, hoàn thành dự án hết quý IV/2026; thời gian thi công dự án dự kiến hai năm.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.474 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 442 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 851 tỷ đồng; chi phí QLDA hơn 10 tỷ đồng; chi phí tư vấn xây dựng gần 60 tỷ đồng; chi phí khác hơn 22 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 89 tỷ đồng.

Có hai nút giao và ba hầm chui dân sinh

Dự án giao cắt với tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, QL.14, qua rà soát các nút giao dự kiến bố trí trong bước chủ trương đầu tư, phân tích về dự báo nhu cầu vận tải, các quy hoạch liên quan (đô thị, dân cư, khu công nghiệp, cảng, tính liên kết vùng…).

 (Ảnh chụp từ văn bản).

Trên tuyến dự kiến bố trí ba hầm thì hầm số 1 có vị trí trong khu công nghiệp Becamex, bố trí để có khu công nghiệp hai bên cao tốc có thể kết nối thuận tiện nên tĩnh không hầm đề xuất là 4,75 m.

Hai hầm còn lại phục vụ đô thị, dân cư nên tính không đề xuất là 3,5 m để tránh giảm khối lượng công trình, hạn chế tăng cao độ đường đỏ của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong phạm vi nút giao (hai vị trí cầu vượt này được bố trí tại trước và sau nút giao hai cao tốc).

 Hệ thống nút giao trên tuyến. (Ảnh chụp từ văn bản).

Hệ thống giao thông đối ngoại của Bình Phước được quy hoạch ra sao?

Bên cạnh tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước còn có một tuyến cao tốc khác được quy hoạch đi qua địa bàn là  cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 của dự án này được chi hơn 1.233 tỷ đồng.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 129 km, trong đó đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km, qua tỉnh Bình Phước 99 km và 2 km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc đã quy hoạch.

Riêng đoạn qua TP Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m; đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (2 km) được đầu tư theo quy mô đường cấp III, nền đường rộng 12 m.

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức khoảng 25.540 tỷ đồng. Dự án này được dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Một tuyến đường khác là đường Đồng Phú - Bình Dương (đoạn ĐT 753 - ranh tỉnh Bình Dương), tuyến có điểm bắt đầu từ QL 14 thuộc xã Đồng Tâm (Đồng Phú) đi qua các xã Đồng Tâm, Tân Hưng, Tân Tiến, Tân Hòa (Đồng Phú) và điểm cuối tiếp giáp với tỉnh Bình Dương.

Tổng chiều dài tuyến đường gần 42 km với bề rộng nền đường 65 m. Dự án chia làm hai giai đoạn đầu tư phân kỳ bao gồm giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, tốc độ 70 km/h. Giai đoạn 2 hoàn thiện gồm 4 làn xe, tốc độ 80 km/h. Tổng mức đầu tư của tuyến đường này là 960 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh này còn nâng cấp các tuyến đường quốc lộ (QL) 13, QL 14 hiện hữu, và nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ thành các đường quốc lộ thứ yếu bao gồm QL 13B, QL 13C, QL 14C và QL 55B.

QL 14, đường Hồ Chí Minh dài 117 km, điểm đầu tại ranh tỉnh Đắk Nông (Km887+250), điểm cuối tại Ngã ba Mũi Tàu huyện Chơn Thành (Km994+200), quy mô 6 - 8 làn xe

QL 13 dài 79,6 km, điểm đầu tại cầu Tham Rớt (Km 62+600), điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (Km142+200) quy mô 6 - 8 làn xe.

QL 14C (ranh Đắk Nông - Phú Nghĩa), dài 43 km, quy mô 4 - 6 làn xe; QL 13B được nâng cấp từ ĐT 741, dài 88,2 km, quy mô 4 - 6 làn xe.

QL 13C nâng cấp từ ĐT 753, dài 30 km, quy mô 4 - 6 làn xe; QL 55B nâng cấp từ ĐT 755B và mở mới từ Ngã Ba Sao Bộng đến ĐT 741), dài 54,7 km, quy mô 4 - 6 làn xe.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Ngắm cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp thông xe đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương đến quốc lộ 1
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn từ nút giao cao tốc TP HCM - Trung Lương đến quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) dài khoảng 3 km sẽ được thông xe vào cuối năm nay.