Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 và quý I/2021.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 29.300 doanh nghiệp mới được thành lập, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận sự giảm sút về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I giai đoạn 2016 - 2021 (tỷ lệ tăng trung bình về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới quý I giai đoạn 2016 - 2020 là 9,6%).
Phân theo lĩnh vực hoạt động, có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý đầu năm nay với 1.733 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là lĩnh vực Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 397 doanh nghiệp (tăng 16,4%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 214 doanh nghiệp (tăng 12%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 472 doanh nghiệp (tăng 10,8%); Khai khoáng có 153 doanh nghiệp (tăng 7%); Vận tải kho bãi có 1.366 doanh nghiệp (tăng 6%),...
Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 13,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 4,1%).
Báo cáo cũng cho thấy, trong quý đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2021 là 40.323, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 23.837 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 59,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 11.283 doanh nghiệp (giảm 7,3%). Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại là 5.203 doanh nghiệp (tăng 26,4%).
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.