Mới đây, báo Nhân dân thông tin về phương án thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều sự thay đổi. Đáng chú ý, tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi; các phòng chấm thi sẽ phải đặt camera giám sát 24/24 giờ; cán bộ giám sát chấm trắc nghiệm phải am hiểu về công nghệ thông tin.
Th.sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
Trao đổi về điều này, Th.sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, để có kết quả bài thi chính xác đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, phân loại được học sinh và lựa chọn được nhân tài cho đất nước thì việc tổ chức kì thi, coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia phải được thực hiện nghiêm túc, khoa học và đúng thủ tục luật định.
Trước đây chúng ta chỉ nhắc nhiều tới gian lận của người thi, của học sinh nhưng nay gian lận của người chấm, người quản lý, người tổ chức thi mới là vấn đề khiến dư luận nhức nhối.
Qua đợt thi THPT 2018 vừa qua, một loạt cán bộ quản lý, chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị bắt giam, bị khởi tố hình sự bởi gian lận trong việc chấm thi, nâng điểm thi. Vậy nguyên nhân từ đâu, có phải vì thiếu camera giám sát?
Có 2 khâu có thể gian lận là sử dụng tài liệu, phương tiện truyền tin để chép bài thi, nhìn bài thi (đối với thí sinh); gian lận trong khâu chấm bài, lên bài (với cán bộ chấm thi, cán bộ phòng khảo thí...).
Bởi vậy, cần nghiên cứu những nguyên nhân tác động tới gian lận, tiêu cực của cả 2 đối tượng này, phải làm rõ được căn nguyên thực sự, nhìn thẳng vào thực trạng thì mới có thể có những giải pháp phòng ngừa gian lận, tiêu cực trong thi cử một cách hiệu quả.
Đã thi cử là có gian lận, có gian lận mới sinh ra người coi thi, người chấm thi, người quản lý, giám sát kỳ thi. Gian lận trong thi cử thời nào cũng có, nước nào cũng có, chỉ khác nhau về mức độ và tính chất mà thôi.
Đối với thí sinh thì chỉ có thể gian lận trong quá trình làm bài thi, mục đích của thi sinh là muốn có được thành tích cho bản thân, muốn có cơ hội vượt quá khả năng cho phép của mình.
Còn đối với người chấm thi, người lên điểm, vào điểm, giám sát, quản lý kì thi thì vì sao những người này lại gian lận? Gian lận vì quyền lợi chung của tập thể hay vì lợi ích cá nhân? Những gian lận này có liên quan tới tham nhũng, đến nạn chạy điểm, chạy trường, chạy việc... mà dư luận đang phản ánh thường xuyên hay không?
Có lẽ vụ án hình sự tại Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang sẽ phần nào làm sáng tỏ những câu hỏi này. Có làm rõ được nguyên nhân, động cơ thúc đẩy, tạo điều kiện để những cán bộ này vi phạm pháp luật thì mới có giải pháp để phòng ngừa.
Luật sư Cường cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc sử dụng camera giám sát sẽ ngày càng phổ biến. Việc ứng dụng công nghệ này phần nào hỗ trợ cho việc quản lý công việc, quản lý con người, đảm bảo khách quan, công bằng.
Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ có tính chất hỗ trợ chứ không quyết định được tới việc chặn đứng hành vi vi phạm.
Các em học sinh khối 12 ở Hà Nội đang trong giờ học môn Toán. (Ảnh: Nhật Cường). |
Cần làm rõ nguyên nhân tiêu cực trong thi cử năm học vừa qua có phải do việc chạy chọt trường lớp, chạy điểm hay không để xử lý nghiêm minh, chặn đứng những tiêu cực ở góc độ này thì mới giảm đáng kể động lực thúc đẩy hành vi phạm tội.
Trong những yếu tố tác động tới nguyên nhân gian lận trong khâu chấm bài, nâng điểm thì tiền bạc, quyền lực luôn là động cơ, là nguyên nhân, điều kiện nguy hiểm, khó phát hiện, khó xử lý. Tuy nhiên đây lại là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu để xảy ra những tiêu cực, gian lận.
Nguyên nhân thứ hai là đạo đức và nhận thức pháp luật. Nếu biết việc gian lận trong khâu chấm bài, lên điểm, công bố điểm, quản lý thi cử có thể bị khởi tố, bị tù tội, mất hết tất cả danh dự, sự nghiệp... thì có cán bộ nào, giáo viên nào dám thực hiện sai phạm đó không?
Nếu biết hậu quả pháp lý như vậy mà họ vẫn cố tình sai phạm thì nguyên nhân động cơ nào thúc đẩy hành động phạm pháp này? Có phải vì "thương học sinh", vì nể phụ huynh, vì thành tích của trường hay vì lợi ích vật chất quá lớn trong các thương vụ mua bán điểm, mua bán kết quả? Cái này không được làm rõ thì không bao giờ xử lý được vấn nạn này.
"Nhưng dù gì thì giải pháp nâng cao trình độ, đạo đức cán bộ và nâng cao hiểu biết pháp luật của những người chấm thi, những cán bộ quản lý có liên quan tới kì thi là điều hết sức quan trọng, quyết định đến yếu tố công bằng trong thi cử.
Phải kiểm tra, rà soát, chọn lọc những cán bộ đủ phẩm chất, có đạo đức tốt để tham gia chấm bài, lên điểm, giám sát, quản lý kỳ thi thì mới hi vọng có một kết quả công bằng. Còn việc gắn camera rất tốn kém, lãng phí mà không phải là giải pháp hữu hiệu khi mà đạo đức cán bộ chưa được cải thiện.
Những vụ án vừa xảy ra chủ yếu ở vùng núi, các tỉnh vùng cao, điều kiện học tập, trường lớp còn nhiều khó khăn... tiền chi phí gắn camera nên để xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị.
Còn giải pháp hữu hiệu nhất là xem xét lại công tác cán bộ, bồi dưỡng đạo đức cán bộ, kịp thời loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất thì mới là cái gốc của vấn đề. Còn với học sinh thì 3 giám thị coi một phòng thi mà nghiêm túc thì thí sinh khó có thể gian lận, tiêu cực khi làm bài", LS Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.
Tư vấn cách học để đạt điểm cao môn Sinh học thi vào lớp 10 năm 2019
Thạc sĩ Dương Thu Hà vừa đưa ra một số lời khuyên dành cho các em học sinh khối 9 ở Hà Nội về cách ... |
Cách học hiệu quả và làm tốt bài thi môn Hóa học vào lớp 10 Hà Nội năm 2019
Đề thi tham khảo môn Hóa học vào lớp 10 năm 2019 tại Hà Nội có cả câu hỏi thực tiễn và sơ đồ thí ... |
Bí quyết để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử vào lớp 10 Hà Nội năm 2019
TS Lê Thị Thu Hương đã có những chia sẻ giúp các em học sinh lớp 9 tại Hà Nội có cách học để làm ... |
Đề thi tham khảo môn Vật lí vào lớp 10 Hà Nội 'nhiều chữ', có câu 'đánh lừa' học sinh
Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên áp dụng thi trắc nghiệm môn thi thứ 4 để vào lớp 10 THPT tại Hà Nội, nhiều ... |
Đề thi tham khảo môn Tiếng Anh vào lớp 10 Hà Nội năm 2019: Ít câu hỏi thách đố, không gây sốc với học sinh
Có ý kiến giáo viên cho rằng, đề thi tham khảo môn tiếng Anh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2019 có 'nhiều món' ... |