'Gạn đục, khơi trong' các dự án bất động sản trăm ha tại Đồng Nai

Đồng Nai đang trở thành "vùng đất hứa" của các dự án bất động sản trải dài quy mô hàng trăm ha. Tuy nhiên, những dự án "treo" nhiều năm không triển khai do nhà đầu tư chỉ mua “chờ thời” để nhượng lại, không đủ năng lực tài chính, tỉnh sẽ tiến hành thu hồi để mời gọi những doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện.

Từ năm 2018 đến nay, Đồng Nai thành miền đất "vàng" với loạt ông lớn BĐS trong và ngoài nước như  Novaland, Đất Xanh, Kim Oanh, Hưng Thịnh, Nam Long, Sun Group, Thăng Long,... nhờ những thuận lợi về giao thông, quỹ đất rộng, dân số đông và công nghiệp phát triển. 

Nhiều doanh nghiệp bỏ ra từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng sở hữu những khu đất đắc địa, triển khai các dự án về nhà ở. 

Theo báo Đồng Nai, tỉnh này quy hoạch gần 230 dự án khu đô thị, khu dân cư nhưng trong giai đoạn 2021 - 2025, dự tính huy động gần 121.000 tỷ đồng từ người dân và doanh nghiệp để xây dựng, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. 

Dự kiến các doanh nghiệp sẽ đầu tư gần 16.000 căn gồm: 2.500 căn nhà ở xã hội, hơn 13.400 căn nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng 84.900 căn hộ, ước tính số tiền gần 62.000 tỷ đồng. 

Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm gần 108.400 căn nhà ở với diện tích sàn hơn 13,3 triệu m2.

Loạt dự án sắp thành hình

Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 7 dự án khu đô thị có diện tích đất “khủng”, từ 100 ha đến hơn 800 ha/dự án.

Cụ thể gồm khu đô thị mới Biên Hòa thuộc địa bàn các phường Tam Phước, Phước Tân (TP Biên Hòa) và xã Tam An (huyện Long Thành) 843 ha, chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành.

Dự án xây dựng khu dân cư theo quy hoạch ở xã Phú Thạnh, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) rộng 843 ha do CTCP Đầu tư Nhơn Trạch liên doanh với Tập đoàn Las Vegas Global Investment (Hoa Kỳ) đầu tư; dự án khu dân cư Long Thọ ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) có diện tích 223 ha, chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị.

Khu dân cư Phú Hữu thuộc địa bàn xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) gần 200 ha và chủ đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ hợp tác với Công ty TNHH Phú Thịnh Land,...

Các dự án trên đều được chuyển tiếp từ giai đoạn trước qua và đã có chủ đầu tư, hiện đa số đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.  

Riêng tại TP Biên Hòa, hiện địa phương đang triển khai khoảng 50 dự án bất động sản, trong đó có 6 dự án có diện tích đất trên 100 ha.

 TP Biên Hòa. (Ảnh: Gia Huy/Nhà đầu tư).

Dẫn đầu trong những dự án có diện tích đất lớn trên là Khu đô thị KN Biên Hòa do Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh KN Long Thành đầu tư, diện tích khoảng 843 ha thuộc địa bàn phường Phước Tân, Tam Phước.

Tiếp đến là Khu đô thị thương mại dịch vụ thành phố Waterfront có diện tích gần 370 ha ở xã Long Hưng do Công ty TNHH thành phố Waterfront làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích lớn thứ ba là Khu đô thị Aqua City hơn 300 ha thuộc địa bàn xã Long Hưng đang được Tập đoàn Novaland đầu tư; Khu đô thị thương mại dịch vụ cao cấp cù lao Phước Hưng thuộc phường Tam Phước xếp thứ 4 với diện tích khoảng 286 ha và thứ 5 là dự án Khu dân cư Long Hưng ở xã Long Hưng rộng 230 ha do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Long Hưng làm chủ đầu tư.

Cuối cùng là dự án Khu nhà ở biệt thự vườn và khu tái định cư núi Dòng Dài rộng gần 160 ha ở phường Phước Tân. Chủ đầu tư là CTCP thương mại và xây dựng Phước Tân.

Tại huyện Long Thành, Tập đoàn Đất Xanh đã đầu tư 5.700 tỷ đồng cho dự án khu đô thị Gem Sky World; CTCP Taekwang Vina Industrial (Hàn Quốc) đang triển khai dự án khu dân cư Long Tân - Phú Hội, huyện Nhơn Trạch với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng…

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng hiện TP HCM đang thiếu nguồn cung căn hộ nên nhiều khách hàng sẽ chọn mua ở những vùng lân cận có giao thông kết nối thuận lợi như Đồng Nai. Do đó, tỉnh có nhiều cơ hội để thu hút, lựa chọn dòng vốn chất lượng vào những dự án khu đô thị, khu dân cư.

Bên cạnh các dự án đô thị, tỉnh cũng chú trọng phát triển vào các dự án KCN hàng nghìn ha. Đơn cử gần đây nhất, Đồng Nai kêu gọi đầu tư hạ tầng 4 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp tổng quy mô 2.039 ha trên địa bàn huyện Xuân Lộc.

Cụ thể gồm Khu công nghiệp Xuân Lộc (phần diện tích mở rộng 166 ha); hoàn thiện và mở rộng đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Xuân Hưng (mở rộng 63 ha); đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Xuân Hòa hơn 1.100 ha; hạ tầng Khu Liên hợp công nông nghiệp Dofco vị trí tại xã Xuân Thành 188 ha và vị trí tại xã Xuân Bắc 522 ha.

Hủy bỏ loạt dự án "treo" hơn nghìn ha

Ngoài việc tích cực mời gọi dòng vốn đầu tư vào các dự án BĐS, Đồng Nai cũng tiến hành hủy bỏ nhiều dự án quá hạn giúp giảm bớt tình trạng dự án “treo”, gây bức xúc cho người dân nhiều năm nay.

Năm 2022, HĐND tỉnh tiến hành hủy bỏ 62 dự án BĐS có tổng diện tích hơn 1.000 ha nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015 - 2019 nhưng không tiến hành xây dựng.

Địa phương có nhiều dự án bị hủy bỏ là các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và TP Biên Hòa. Huyện Nhơn Trạch có 36 dự án, đa số nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015 - 2018 như Khu đô thị Đại Phước 130 ha; Khu dân cư Đại Phước - Phú Hữu rộng 64 ha thuộc địa bàn hai xã Đại Phước, Phú Hữu; Khu dân cư 90 ha ở xã Phú Thạnh; Khu dân cư Phước An 70ha.

Huyện Trảng Bom có các dự án như Khu dân cư mật độ thấp 50 ha nằm trên địa bàn ba xã Quảng Tiến, Đồi 61, Giang Điền; Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (khu B) 105 ha; Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Long Điền) 97 ha.

Huyện Long Thành có Khu dân cư đô thị mới Bình Sơn 555 ha thuộc các xã Bình Sơn, Lộc An…

Tỉnh này cho biết, giai đoạn 2005 - 2015, việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép cho các dự án BĐS trên địa phương còn dễ, vì thế doanh nghiệp ồ ạt về Đồng Nai đề xuất và đầu tư hàng trăm dự án.

Tuy nhiên, sau nhiều năm hàng loạt dự án vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không đủ khả năng hoặc xin cấp phép dự án rồi để đó, đợi giá đất tăng sẽ tìm doanh nghiệp khác chuyển nhượng lại dự án bằng hình thức bán cổ phần, góp vốn.

Có những dự án đã được chuyển nhượng qua tay 3 - 4 chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục, thu hồi đất để khởi công xây dựng. Mỗi thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS tại Đồng Nai, chủ đầu tư thu về từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Đơn cử như 6 dự án BĐS lớn nhất TP Biên Hòa nêu trên đều được cấp phép đầu tư gần 10 năm, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục về đất đai, xây dựng.

Trong đó, có những dự án đã được doanh nghiệp chuyển nhượng 2 - 4 lần, thông qua hình thức bán lại cổ phần của công ty làm chủ dự án hoặc góp vốn đầu tư chung.  

Hiện tại, Đồng Nai đang cho rà soát lại tất cả dự án BĐS trên địa bàn, những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai do nhà đầu tư chỉ mua “chờ thời” để nhượng lại, không đủ khả năng về tài chính để thực hiện sẽ tiến hành thu hồi để mời gọi những doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.