Gần một thập kỉ 'đắp chiếu', dự án ‘đất vàng’ Manhattan Tower vẫn chưa tìm ra lối thoát

Sau gần 10 năm bất động, Dự án Thành An Tower đã được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, cho đến nay, số phận của dự án này vẫn chưa hết 'long đong'.

Sau gần 10 năm bất động, Dự án Thành An Tower đã được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, cho đến nay, số phận của dự án này vẫn chưa hết "long đong".

Gần một thập kỉ 'đắp chiếu', dự án ‘đất vàng’ Manhattan Tower vẫn chưa tìm ra lối thoát - Ảnh 1.

Dự án Thành An Tower (tên gọi mới là Manhattan Tower) tọa lạc tại "đất vàng" số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh chụp vào tháng 3/2019: Thu Hà).

Nằm trong danh sách 11 dự án bị đề nghị thu hồi

Theo tìm hiểu, Dự án Manhattan Tower có tên gọi cũ là Thành An Tower, tọa lạc tại "đất vàng" số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Dự án do Tổng công ty Thành An và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư. Dự án được cấp đất từ năm 2009 với tổng diện tích đất là 4.182 m2, dự án ban đầu là tổ hợp thương mại và căn hộ 30 tầng, diện tích sàn 2.104 m2.

Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Tổng công ty Thành An không tự triển khai, mà bán lại cho Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình theo hình thức hợp tác kinh doanh.

Mặc dù được giao đất từ năm 2009 và đã tổ chức lễ khoan nhồi cọc, nhưng mãi đến tháng 3/2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng.

Dự án cũng từng vướng phải lùm xùm khi chủ đầu tư đã huy động vốn của nhiều khách hàng từ trước thời điểm được cấp phép.

Đầu năm 2018, trong khi quyền lợi hợp pháp của khách hàng đã nộp tiền đặt cọc mua nhà tại Dự án Thành An Tower chưa được giải quyết thì dự án lại có tên mới Manhattan Tower do Công ty cổ phần Landmark Holding phát triển.

Vào tháng 5/2018, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đã chủ trì buổi giám sát tại UBND quận Thanh Xuân về tình hình quản lí các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn quận.

Báo cáo của quận Thanh Xuân cho biết, tính đến hết năm 2017, toàn địa bàn quận có tất cả 19 dự án triển khai chậm và vi phạm luật Đất đai. Trong đó, 2 dự án chậm tiến độ vì còn vướng phải khâu giải phóng mặt bằng; 11 dự án chủ đầu tư không thực hiện triển khai dù đã bàn giao đất trong thời gian dài….

Quận Thanh Xuân đã đề nghị thu hồi đối với 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư chây ì, không chịu thực hiện.

Đáng chú ý, Thành An Tower cũng là một trong những cái tên nằm trong danh sách 11 dự án bị quận Thanh Xuân đề nghị thu hồi.

Thời điểm đó, trao đổi với báo chí, ông Lương Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Landmark Holdings cho biết, vì sơ suất và một phần vì nóng lòng muốn dự án nhanh chóng được triển khai nên bộ phận văn phòng đã không cập nhật kịp thời với UBND quận Thanh Xuân trước thời điểm có Đoàn giám sát đến làm việc.

Vì vậy, dự án Thành An Tower vẫn nằm trong đề xuất diện thu hồi, trong khi thực tế dự án với tên gọi mới Manhattan Tower thì lại vẫn đang cấp tập triển khai.

Bất ngờ dừng thi công

Gần một thập kỉ 'đắp chiếu', dự án ‘đất vàng’ Manhattan Tower vẫn chưa tìm ra lối thoát - Ảnh 2.

Đầu năm 2018, dự án được đổi tên thành Manhattan Tower. (Ảnh chụp vào tháng 3/2019: Thu Hà).

Theo tìm hiểu, vào thời điểm bắt đầu tiến hành dự án Manhattan Tower, chủ đầu tư đã rầm rộ huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư và khách hàng.

Đến tháng 12/2017, Landmark Holding tham gia vào dự án sau khi kí Hợp đồng thi công xây dựng với Công ty Ba Đình và chính thức trở thành đơn vị trực tiếp phân phối lại các sản phẩm đến khách hàng. Sau khi hợp đồng được kí kết, Landmark Holding phải chuyển cho Công ty Ba Đình số tiền đặt cọc là 250 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc xuất hiện của Landmark Holding cũng không giúp Manhattan Tower thoát khỏi bế tắc. Đến tháng 12/2018, dự án đã dừng triển khai sau khi đang xây dựng đến tầng 21.

Theo phản ánh của Dân trí, dù đã dừng thi công nhưng ngày 5/1/2019, chủ đầu tư vẫn gửi công văn yêu cầu các khách hàng mua căn hộ thanh toán tiền đợt 4 theo tiến độ trong hợp đồng mua bán.

Sau khi biết dự án đã dừng thi công và không nhận được bất kì văn bản nào của chủ đầu tư về việc này, nhóm khách hàng mua căn hộ của Dự án Thành An Tower đã cử đại diện đến gặp và làm việc với chủ đầu tư từ tháng 3/2019 đến tháng 6/2019.

Tuy nhiên, theo một số khách hàng, kết quả họ chỉ được gặp và trao đổi với nhân viên bên chủ đầu tư, mà không phải lãnh đạo.

Trước đó, khách hàng mua căn hộ tại Manhattan Tower cũng phải gửi đơn kêu cứu Chủ tịch UBND TP Hà Nội liên quan đến một số bất cập tại dự án như chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ dự án, dừng thi công nhưng vẫn yêu cầu khách hàng thanh toán tiền đợt 4,…

Mới đây, theo thông tin báo chí đăng tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng công ty Thành An và Công ty CP Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình về việc kiểm tra xử lí thông tin báo chí nêu liên quan đến dự án này.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội yêu cầu hai chủ đầu tư dự án có trách nhiệm báo cáo làm rõ tình hình triển khai dự án, hiện trạng xây dựng theo Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000982 được UBND TP Hà Nội cấp ngày 29/04/2011 điều chỉnh ngày 11/6/2015 và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Đồng thời làm rõ một số phản ánh của khách hàng như dự án đã dừng thi công đã lâu chưa có dấu hiệu thi công trở lại, chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao nhà.

Ngoài ra Sở Kế hoạch và đầu tư cũng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc khách hàng không thể vay vốn ngân hàng mua căn hộ, do vậy họ hoài nghi chủ đầu tư đem dự án để thế chấp ngân hàng.

Landmark Holding có liên quan?

Mặc dù chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình nhưng đa phần khách hàng đều mua căn hộ tại dự án thông qua Công ty cổ phần Landmark Holding.

Trong thông báo gửi khách hàng mới đây, Công ty Cổ phần Landmark Holdings cho biết, sau nỗ lực đàm phán giữa lãnh đạo Landmark Holdings và Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình, ngày 11/6/2019, Landmark Holdings nhận được Văn bản về việc thu hồi quyền khai thác dự án, nhận bàn giao toàn bộ tài liệu liên quan đến khách hàng, công nợ phải thu của dự án Manhattan.

Đồng thời, từ ngày 15/8, Công ty Ba Đình sẽ tiếp quản lại toàn bộ khách hàng mua nhà dự án Manhattan Tower.

Trao đổi với Dân trí trước đó, ông Trương Hoàng Vũ – Tổng giám đốc Landmark Holding cho biết, trước đây, Landmark Holding tham gia vào dự án với vai trò nhà phát triển, ký hợp đồng với chủ đầu tư Ba Đình và thanh toán trực tiếp cho phía Vinaconex – nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, đã có thỏa thuận ba bên giữa nhà thầu, Landmark Holding và chủ đầu tư Ba Đình là Ba Đình sẽ thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thi công Vinaconex. Và do việc Ba Đình không thực hiện đúng thỏa thuận thanh toán cho bên thi công nên dừng án bị dừng.

"Tôi đã gửi công văn yêu cầu đối thoại làm việc với Ba Đình, thậm chí là cả 3 bên nhưng đến việc đó cũng rất khó khăn. Để chủ động trong việc trả lời cho khách hàng và chủ động trong việc phát triển dự án, tôi được biết là ban lãnh đạo cũng đã đề xuất mua lại toàn bộ dự án để triển khai nhưng việc thương lượng không thành công", ông Vũ cho hay.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Landmark Holding có địa chỉ tại phường Bến Thành, Quận 1, TP HCM.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Landmark Holding (Mã: LMH) đạt hơn 742 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá vốn bán hàng cao trong khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của LMH đạt 4,1 tỉ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kì năm 2018, doanh thu hoạt động tài chính của LMH đạt hơn 10,6 tỉ đồng, tăng gần 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp tăng mạnh, dẫn đến việc lợi nhuận trước thuế của LMH chỉ đạt vỏn vẹn 3,5 tỉ đồng, giảm 26,3% so với cùng kì năm trước. Do đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,7 tỉ đồng, giảm 74,5% so với cùng kì.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, LMH đạt tổng doanh thu 1.125,5 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 6,3 tỉ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 4,3 tỉ đồng, giảm 74,4% so với cùng kì và chỉ hoàn thành gần 21% kế hoạch cả năm 2019.

Giải trình về kết quả kinhdoanh thấp hơn so với cùng kì năm trước, LMH cho biết, do quí II/2018, Công ty chưa sở hữu công ty con, số liệu quí II/2018 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 chỉ là số liệu báo cáo riêng của LMH, nên số liệu năm trước chỉ có tính chất tham khảo, không có giá trị so sánh.

Bên cạnh đó, LMH cũng cho biết, số liệu quí II/2019 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 đã bao gồm công ty con là LME và công ty liên kết Vsmarttek, các công ty con và công ty liên kết hoạt động chưa hiệu quả, có lợi nhuận âm.

Đồng thời 6 tháng đầu năm 2019, ngành kinh doanh xăng dầu, dung môi, hóa chất và bất động sản gặp nhiều khó khăn, làm cho lợi nhuận của Tập đoàn giảm mạnh so với cùng kì năm 2018.

Được biết, lần tăng vốn thứ 2 của LMH vào tháng 9/2017 ( tăng vốn thêm 133 tỉ đồng) trùng khớp với thời điểm doanh nghiệp này tham gia vào dự án Thành An Towers.

Theo đó, ngày 26/9/2017, theo Nghị quyết số 09 của HĐQT, Landmark Holding đã chi tới 120 tỉ đồng thực hiện mua lại của các cá nhân 8 triệu cổ phần, tương đương 24,39% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình - doanh nghiệp sở hữu dự án Thành An Tower.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.