Đủ chiêu 'thổi giá' đất gây sốt ảo | |
Bị 'thổi giá', đất nền ven đô TP HCM cao nhất 1 thập kỉ qua |
Nhiều quận, huyện ngoại thành TP HCM đã bắt đầu giảm giá nhà đất. (Ảnh: Đại Việt) |
Giá nhà đất tại các quận, huyện vùng ven TP HCM đã bắt đầu giảm xuống sau một thời gian tăng giá “chóng mặt”. Đây cũng chính là dịp để những người dân có nhu cầu mua nhà đất thực sự đi tìm chốn an cư cho mình.
Sau khi lãnh đạo UBND TP HCM chính thức thông báo việc huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn chưa đủ các yếu tố để lên quận và sẽ xử lý nghiêm các cò đất “thổi giá” thì giá đất tại các quận, huyện vùng ven Thành phố đã “hạ nhiệt”.
Tại quận 9, giá đất đã giảm tại nhiều khu vực. Giá đất nền ở phường Phú Hữu vào đầu tháng 5 là khoảng 24 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn khoảng 22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhân viên môi giới nhà đất của nhiều công ty tại quận 9 cho biết, mặc dù giá đã giảm nhưng lượng khách tìm mua nhà đất không nhiều.
“Đa phần khách hàng đến công ty tôi giao dịch ở thời điểm hiện tại là những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự chứ không phải là giới kinh doanh mua nhà đất để đầu tư như hồi đầu tháng”, nhân viên môi giới tên Phương nói.
Đại diện một sàn giao dịch bất động sản tại quận 9 cũng cho biết, dù lượng khách không nhiều như trước nhưng hiện nay cứ năm người khách đến với công ty thì có một người đồng ý mua nhà đất, chiếm tỉ lệ khoảng 20%. Đây là con số đáng mừng, bởi trước đó, người hỏi thì rất nhiều nhưng người mua thực sự thì rất ít.
Một khách hàng nữ đi mua đất nền tại quận 9. (Ảnh: Đại Việt) |
Giá nhà đất tại quận 12 cũng bắt đầu giảm mạnh so với trước. Một căn nhà cấp 4 trong hẻm 5m tại phường Tân Chánh Hiệp hay Hiệp Thành hồi đầu tháng 5 có giá lên tới 32 triệu đồng/m2 thì hiện nay có giá khoảng hơn 30 triệu đồng/m2. Các phường khác như Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, Thới An…cũng có giá nhà đất giảm trên dưới 2 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, giá nhà đất tại quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh cũng bắt đầu giảm bình quân từ 1-2 triệu đồng/m2 so với hồi đầu tháng 5.
Anh Nguyễn Văn Hoài (quê Bình Định) cho biết, vợ chồng anh đang thuê nhà trọ tại quận 10. Giá nhà đất đang “chững” lại nên anh qua quận 8 và quận 12 để tìm mua nhà. Hai vợ chồng anh Hoài đã chọn được một căn nhà gần 60m2 ở quận 12 với giá 1,8 tỷ đồng.
“Lúc đầu chủ nhà muốn bán 1,9 tỷ đồng nhưng thương lượng hơn 1 tuần nay thì họ mới bán cho tôi giá 1,8 tỷ đồng. Tôi nghĩ đây cũng là giá hợp lý vì căn nhà của tôi gần chợ, trường học và xung quanh có rất nhiều tiện ích”, anh Hoài nói.
Cũng như anh Hoài, chị Phan Thị Ngọc Linh (quê Bình Thuận) chia sẻ, chị vừa mua một ngôi nhà ở huyện Bình Chánh. Hồi tháng 4, chị Linh muốn mua ngôi nhà này với giá 1,5 tỷ đồng nhưng chủ nhà không bán và đòi 1,65 tỷ đồng. Thế nhưng, cách đây 1 tuần, chủ nhà đã gọi điện cho chị Linh và đồng ý bán ngôi nhà trên.
Người có nhu cầu thực sự bắt đầu đi "săn" nhà đất khi các giá trị của bất động sản về đúng với thực tế. (Ảnh: Đại Việt) |
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân có nhu cầu mua nhà ở thực sự đang tranh thủ lúc giá bất động sản “hạ nhiệt” để tìm chốn an cư cho mình và gia đình. Đội ngũ môi giới tại các khu vực “sốt đất” như quận 9, quận 12, quận 8, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè hay huyện Bình Chánh cũng “hoạt động” không náo nhiệt như trước, thay vào đó là những người dân có nhu cầu thật đi tìm mua nhà.
Nhiều chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhận định, người dân đã hiểu được việc “sốt đất” là do các đầu nậu, cò đất “thổi phồng” lên. Giá trị thực tế của nhà đất đã bị đẩy lên cao quá mức. Chính vì vậy, khi cơn “sốt” qua đi thì việc người dân đi “săn” nhà trở lại cũng là điều phù hợp với thực tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, muốn hạn chế việc “sốt đất” như thời gian vừa qua thì biện pháp đầu tiên là phải công khai kế hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch của tất cả các quận, huyện, phường, xã.
Ông Khoa yêu cầu từ nay đến cuối năm 2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ đạo quận Thủ Đức, quận 12 tạo ra một phần mềm sử dụng được trên điện thoại để bất cứ người dân nào cũng có thể biết rằng thửa đất đó, khu vực đó, quy hoạch thế nào mà không cần phải lên phường, quận để kiểm tra. Sản phẩm phần mềm này phải vừa chính xác, vừa phải nhanh để người dân nắm bắt thông tin dễ dàng.