TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết cơ quan này dự kiến mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi) vào tháng 6/2019. Người phụ nữ là tài xế gây tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) tháng 10/2018 khiến một người chết, 5 người bị thương.
Trong vụ án này, bà Nga bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" qui định tại Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 với khung hình phạt 3-10 năm tù.
Quá trình điều tra, VKSND quận Bình Thạnh phê chuẩn quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Nga từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Bởi bà này được cho là có đủ điều kiện như: có nơi cư trú rõ ràng, được gia đình bảo lãnh, tích cực bồi thường cho người bị hại...
Ngoài số tiền bà Nga đã khắc phục, gia đình nạn nhân tử vong yêu cầu bồi thường thêm 2 tỉ đồng chi phí học tập và sinh hoạt cho người con đến khi học xong đại học.
Bà Nga lúc vừa gây tai nạn. (Ảnh: CTV).
Liên quan vấn đề này, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HC) cho biết việc bồi thường, cấp dưỡng do tính mạng bị xâm hại được qui định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự (BLDS). Đồng thời nghị quyết số 03/2006/ NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 TANDTC cũng hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bên cạnh đó, Điều 601 BLDS còn qui định về bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. "Nếu chủ xe không phải là bà Nga thì người này cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường theo điều luật", luật sư Tuyền nêu.
Theo đó, luật sư cho rằng việc đòi bồi thường là quyền của người đại diện bị hại, còn hợp lí hay không phải căn cứ qui định pháp luật và việc thỏa thuận của bên có nghĩa vụ bồi thường.
"Trong trường hợp bị cáo đồng ý, tòa không xem xét mà chỉ ghi nhận sự thỏa thuận. Còn nếu bị cáo không đồng ý thì các chi phí hợp lí như ma chay, tang lễ, viện phí... phải chứng minh được bằng chứng từ, không có chứng từ thì tính bằng mức chi phí bình quân của một đám tang để định mức", luật sư nêu.
Về chi phí bồi thường về tổn thất tinh thần, luật sư Tuyền cho biết không vượt quá 100 tháng lương cơ bản (khoảng 145 triệu đồng).
Bên cạnh đó, tiền cấp dưỡng chỉ tính với người con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ nạn nhân nếu nạn nhân là người nuôi dưỡng duy nhất.
"Mức cấp dưỡng cho cháu bé cần tính tất cả chi phí ăn uống, sinh hoạt và học tập trong một tháng. Có thể tòa chỉ quyết định một nửa số đó bởi cấp dưỡng là nghĩa vụ của cha và mẹ đối với con cái. Trong trường hợp cháu bé không có cha và nạn nhân là người duy nhất nuôi dưỡng thì có thể cấp dưỡng toàn bộ", luật sư phân tích thêm.
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Soha).
Về phía luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), ông cho biết khi xác định khoản tiền bồi thường tính mạng bị xâm phạm, cần căn cứ vào chi phí hợp lí và thu nhập của người bị thiệt hại cũng như người gây ra thiệt hại.
"Theo tôi, trường hợp này gia đình đòi bồi thường 2 tỉ đồng trong đó bao gồm cả khoản tiền cho con của nạn nhân học tập và sinh hoạt đến học hết đại học thì không cần phải có bằng chứng cụ thể. Bởi, mức bồi thường là do hai bên tự thỏa thuận với nhau", luật sư Hùng cho biết.
Tuy nhiên, luật sư đánh giá rằng việc gia đình nạn nhân yêu cầu cấp dưỡng cho cháu bé đến khi học hết đại học là không hợp lí. Vì theo qui định pháp luật nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cháu đến 18 tuổi. Do đó, khoản thời gian cháu học đại học không thể đưa vào lí do yêu cầu bồi thường.
"Nhưng trên thực tế các bậc cha mẹ hiện nay đều cấp kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để con cái học đại học. Nên gia đình nạn nhân vẫn có thể thỏa thuận thêm về khoản tiền này", luật sư Hùng nêu quan điểm.
Nữ tài xế mang giày cao gót khi lái xe. (Ảnh: 2Sao).
Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 21/10/2018, sau khi uống rượu bia, bà Nga lái ôtô hiệu BMW từ nhà hàng do mình làm chủ tại quận 3 về nhà ở quận 12.
Đến vòng xoay ngã tư Hàng Xanh, ôtô của bà này đâm vào 5 xe máy dừng đèn đỏ phía trước, kéo lê người phụ nữ một đoạn dài. Ôtô tiếp tục húc vào một taxi rồi dừng lại.
Tai nạn khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ, 5 người khác bị thương, 5 xe máy và 2 ôtô bị hư hỏng nặng.
Cơ quan điều tra xác định nồng độ cồn của bà Nga thời điểm gây tai nạn lên đến 0,94 mg/l lít khí thở. Bà này thừa nhận đã uống nhiều bia rượu "nhưng còn rất tỉnh táo".
Theo lời người phụ nữ, khi thấy tín hiệu đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh, bà đạp phanh nhưng khi di chuyển chân từ cần ga sang cần phanh, quai hậu giày cao gót bị vướng lại. Trong lúc quýnh quáng, bà rút chân lên rồi lại đạp xuống, trúng nhầm vào cần ga khiến ôtô lao về trước húc hàng loạt xe.