![]() |
Hàng loạt cây cao su bị đốn hạ để bán cho thương lái với giá cao. |
Trước đây, khi diện tích nương rẫy của 380 hộ thuộc hai xã Ia O và Ia Khai bị ngập nước không thể sản xuất được do xây dựng thủy điện Sê San 4. Đến năm 2008, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của nhà nước và chính quyền địa phương, người dân đã được nhượng lại gần 400ha cao su đang trong kì khai thác của Công ty 715 (Binh đoàn 15).
Nhờ được tập huấn về kĩ thuật canh tác, chăm sóc và thu hoạch mủ cao su nên nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định và khá giả hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay hàng loạt hộ dân nơi đây bỗng nhiên đốn hàng trăm ha cây cao su để bán cho thương lái với giá cao.
Ông Bóc (làng Mít Jép, xã Ia O) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2 ha cao su, mới được thương lái trả giá 400 triệu đồng, nhưng chưa bán. Chắc tôi cũng bán sớm thôi, chứ cao su của nhà giờ ít mủ, thu hoạch không được nhiều tiền như giá thương lái mua đâu. Người dân trong làng thấy giá cao nên cũng bán gần hết rồi”.
Tương tự ông Bóc, gia đình ông Luen có vườn cao su, nhưng trước đây cho người Kinh thuê để trồng trọt. Thời gian gần đây nhà ông lấy lại để chăm sóc và thu hoạch mủ cao su. Thấy người dân quanh nhà “bán thốc bán tháo” nên ông cũng liều bán theo.
Khi được hỏi chặt vườn cao su bán rồi lấy gì sinh sống, ông Luen trả lời: “Gia đình cũng chưa biết, nhưng hiện tại có một khoảng tiền lớn trước mắt cái đã”.
Theo quan sát của chúng tôi, hàng loạt cây cao su bị thương lái chặt, vứt ngổn ngang trên đất. Nhiều gốc cao su cũng bị bật gốc, nằm chất đống đợi xe đến gom về nơi tập kết.
![]() |
Nhiều gốc, rễ cao su nằm ngổn ngang. |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu UBND huyện Ia Grai chỉ đạo các phòng, ban của huyện và 2 xã Ia O, Ia Khai thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá cây cao su nữa.
Trao đổi với PV, ông Rơ Mah Jem, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết, theo thống kê của xã hiện có 215ha cây cao su bị người dân chặt bán cho thương lái.
“Chúng tôi không biết thương lái mua cây cao su với giá 500.000 đồng/gốc để làm gì. Với giá thu mua này, người dân thấy cái lợi trước mắt nên ồ ạt bán đi. Việc ngăn cản người dân là không thể vì đây là tài sản riêng của từng hộ gia đình”, ông Rơ Mah Jem băn khoăn.
Còn theo ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: “Khi đề nghị Binh đoàn 15 nhượng lại số diện tích cao su trên, chúng tôi đã xác định đây là nguồn thu nhập lâu dài cho người dân. Khi cấp đất cho dân, huyện đã ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không được sang nhượng để tránh tình trạng người dân bán đất.
Thời gian gần đây, nhiều người dân chặt cao su để bán, chính quyền đã có những biện pháp tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu được cái hại sau này để người dân dừng việc mua bán lại. Nhưng đây là tài sản của họ nên không thể cấm được”.
Đô thị 11:40 | 11/02/2020
Kinh doanh 11:16 | 11/02/2020
Đô thị 14:33 | 09/09/2019
Thời sự 12:16 | 24/05/2019
Lối sống 06:29 | 06/05/2019
Pháp luật 21:11 | 31/03/2019
Pháp luật 07:35 | 14/02/2019
Pháp luật 04:59 | 29/01/2019