Gia Lâm trước thềm lên quận: Đất Ninh Hiệp đắt hơn phố cổ, mỗi mét vuông lên đến cả tỷ đồng

Hiện nay, giá nhà đất quanh chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm) dao động 800 - 900 triệu đồng/m2, những nơi xa chợ hơn loanh quanh 300 - 500 triệu đồng/m2, nhiều kiot trong chợ được các tiểu thương phát giá ở mức 1 - 1,2 tỷ đồng/m2... Theo người dân địa phương, mức giá này ở Ninh Hiệp là điều rất bình thường.

Gia Lâm là huyện ngoại thành phía đông của TP Hà Nội. Hiện nay, những khu vực phát triển của Gia Lâm chủ yếu xoay quanh một số khu vực thị trấn Trâu Quỳ, Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trong tương lai, ngoài việc có thêm nhiều diện tích mặt nước, quy hoạch Gia Lâm không có nhiều thay đổi đáng chú ý khi hạ tầng hiện nay của huyện cơ bản đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, Gia Lâm vẫn có nhiều nội lực để phát triển: Hệ sinh thái Vinhomes Ocean Park với tổ hợp khu đô thị, tòa nhà văn phòng, cơ sở giáo dục,... đang hình thành nên một trung tâm kinh tế, dịch vụ cho Gia Lâm và khu Đông Nam Hà Nội. Ngoài ra, trong tương lai, Gia Lâm ít nhiều cũng sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng phát triển của loạt dự án như Khu đô thị Đại An hay Vinhomes Dream City.

Đất sốt nóng từ năm 2018

Một thửa đất nền tại Gia Lâm. (Ảnh: Di Anh).

Giai đoạn 2018 - 2019, giá đất Gia Lâm đã bắt đầu có xu hướng nóng lên bởi những thông tin về việc lên quận.

Đến đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có lộ trình đưa Gia Lâm trở thành quận của Hà Nội vào năm 2023. Thời điểm này, đất Gia Lâm đã không còn rẻ.

Vào đầu năm 2021, theo khảo sát của người viết, giá đất ở thị trấn Trâu Quỳ dao động khoảng 150 - 170 triệu đồng. Còn đất ở các trục đường chính và đất thổ cư trong làng tăng khoảng 15 - 25 triệu đồng/m2 so với năm 2020, tùy từng lô.

Anh Sơn, nhân viên một sàn môi giới ở Gia Lâm thời điểm đó đã chia sẻ: "Ở Gia Lâm đường xá quy hoạch cũng nhiều, ngoài dự án của Vingroup còn nhiều dự án khác. Thêm thông tin lên quận cũng khiến giá đất tăng cao. Tài chính 2 tỷ có thể mua đất thổ cư diện tích khoảng 40 - 60 m2 tại xác xã như Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư".

Môi giới này đã ví bất động sản Gia Lâm giống như thị trường Long Biên cách đây khoảng 7 - 10 năm trước, khi mà Long Biên thời điểm đó cũng bắt đầu phát triển để lên quận, đường xá rục rịch bắt đầu làm.

"Đến nay, giá đất thổ cư trong ngõ mặt tiền khoảng 3 - 5 m tại Long Biên cũng dao động trong khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2. Riêng đất mặt đường kinh doanh thì mức giá đã lên hơn 100 triệu đồng/m2", theo anh Sơn.

Đất Ninh Hiệp trung bình 800 - 900 triệu/m2

Cuối tháng 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64 km2 và quy mô dân số hơn 300.000 người của địa phương. Quận Gia Lâm trong tương lai sẽ bao gồm 16 phường.

Theo lộ trình, sau khi được HĐND TP Hà Nội tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương trong tháng 12 tới đây.  

Khảo sát trên Batdongsan.com.vn cho thấy, mặt bằng giá bán đất ở Gia Lâm đang có mức chênh lệch lớn giữa các khu vực.

Cụ thể, giá đất ở các làng nghề truyền thống tại Gia Lâm đang có dải giá khá rộng: Đất ở xã Kiêu Kỵ hiện được rao bán khoảng 14 - 67 triệu đồng/m2; ở xã Bát Tràng 39 - 43 triệu đồng/m2; đất xã Đông Dư khoảng 22 - 74 triệu đồng/m2.

Mặt bằng giá đất ở thị trấn Trâu Quỳ cao hơn đáng kể, dao động khoảng 73 - 138 triệu đồng/m2. Trâu Quỳ là nơi có nhiều tuyến đường mới được đưa vào quy hoạch như đường Đoàn Quang Dung kéo dài, đường Nguyễn Mậu Tài, đường Cửu Việt kéo dài đến đường gom Quốc lộ 5,...

Riêng ở Ninh Hiệp, giá nhà đất quanh chợ đầu mối Ninh Hiệp dao động 800 - 900 triệu đồng/m2, những nơi xa chợ hơn loanh quanh 300 - 500 triệu đồng/m2. Nhiều kiot trong chợ được các tiểu thương phát giá ở mức 1 - 1,2 tỷ đồng/m2...

Trao đổi với người viết, bà L., một tiểu thương khu vực chợ Ninh Hiệp chia sẻ, Gia Lâm tuy là huyện ngoại thành song có chợ Ninh Hiệp là chợ đầu mối quần áo lớn nhất cả nước, vì vậy mà đất ở đây thậm chí có nhiều chỗ còn đắt hơn cả phố cổ.

Tôi cũng chẳng rõ từ bao giờ mà giá đất cao tới vậy. Chỉ thấy người dân địa phương ăn nên làm ra nhờ nghề buôn bán vải vóc, quần áo nên nhiều người tứ xứ cũng đổ xô về hỏi mua đất để lấy chỗ làm ăn, cứ như thế mua đi bán lại, giá bị đẩy dần lên tới mức như bây giờ.

Những mảnh đất to, rộng khoảng 100 m2 thường được rao với giá 50 - 70 tỷ (tức 500 - 700 triệu đồng/m2). Nhìn chung, một mét vuông đất ở Ninh Hiệp được rao bán cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường, thậm chí có nhiều nơi lên đến cả tỷ đồng.

Những nhà có sẵn mặt bằng kinh doanh, nếu cho thuê có thể thu về 3 - 4 tỷ đồng/năm. Nhiều kiot trong chợ được tiểu thương ngăn nhỏ ra, bề ngang chỉ rộng chừng 1 - 1,5 m nhưng giá thuê một năm cũng dao động 700 triệu - 1 tỷ đồng”, theo bà L.

Một góc chợ Ninh Hiệp. (Ảnh: Di Anh).

Nhìn chung, giá đất Gia Lâm vốn đã neo cao từ cách đây 1 - 2 năm, đến nay không có nhiều sự chênh lệch. Thông tin thông qua việc lên quận cuối tháng 9 đến nay cũng không tác động nhiều vào giá cả.

Anh H., một môi giới địa phương cho biết: "Sau khi có thông tin Gia Lâm chính thức được thông qua lên quận, trong khoảng 3 tuần qua, số cuộc gọi mà tôi nhận được đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đa chỉ hỏi giá và thăm dò thị trường. Khi tôi đề nghị hẹn lịch đi xem đất hoặc mời họ đến văn phòng sàn giao dịch để được tư vấn kỹ hơn thì hầu như họ đều từ chối khéo".

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.