Ông chủ 2 khu công nghiệp ở Bắc Giang mở rộng địa bàn xuống Hà Nội, chuẩn bị làm dự án hơn 700 tỷ tại Gia Lâm

Dự kiến vào quý I/2024, CCN Phú Thị giai đoạn 2 tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) sẽ được khởi công. Chủ dự án này là một thành viên của hệ sinh thái Fuji - nhóm doanh nghiệp đang sở hữu KCN Việt Hàn và KCN Song Khê - Nội Hoàng tại Bắc Giang.

Vị trí CCN Phú Thị giai đoạn 2 nhìn từ bản đồ quy hoạch. 

CTCP Phát triển Fuji Hà Nội vừa đăng tải tham vấn một báo cáo liên quan đến dự án Cụm công nghiệp Phú Thị - giai đoạn 2 tại xã Dương Xá, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Dự án này được UBND TP Hà Nội phê duyệt thành lập vào tháng 11/2019, đến ngày 14/6 vừa qua đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

CCN Phú Thị giai đoạn 2 có tổng diện tích khoảng 31,6 ha. Phía Bắc dự án giáp đường quy hoạch cấp khu vực rộng 30 m; phía Tây Bắc giáp đất cây xanh cách ly (theo quy hoạch) với khu đô thị Đặng Xá; phía Tây Nam giáp tuyến mương quy hoạch dọc đường Nguyễn Đức Thuận, đường Nguyễn Bình; phía Đông Nam giáp đường Ỷ Lan.

Ảnh chụp từ báo cáo.

Vị trí này cách Khu đô thị Đặng Xá 50 m về phía Bắc qua tuyến đường giao thông nội bộ; cách khu dân cư chạy dọc tuyến đường Nguyễn Đức Thuận - Nguyễn Bình (QL5) khoảng 100 m về phía Tây Nam; cách các hộ dân thôn Dương Đình, xã Dương Xá khoảng 200 m về phía Đông Nam. 

Về hiện trạng, khu đất dự án chủ yếu là đất nông nghiệp bỏ trống, kênh mương, đất giao thông, đất nghĩa trang, đất hành lang đường giao thông. 

Trên khu đất có khoảng 1.013 m2 đất công cộng, gồm các nhà văn hoá của tổ dân phố và khu dân cư. Đất ở có diện tích khoảng 4.174 m2, thuộc quản lý của 19 hộ dân bám theo mặt đường Nguyễn Đức Thuận - Nguyễn Bình.

Đất nghĩa trang có diện tích khoảng 16.057 m2, bao gồm các khu nghĩa trang rải rác trong dự án. Đất cơ quan: Có diện tích khoảng 874 m2, gồm một phần thuộc quản lý của Công ty Đường bộ 230. Đất trống có diện tích khoảng 69.632 m2, chủ yếu là các ô đất xen kẹt, bỏ hoang rải rác trong dự án, thuộc quản lý của UBND xã Phú Thị và xã Dương Xá.

Đất trồng hoa màu có diện tích khoảng 19,2 ha, đa số là đất nông nghiệp thuộc quản lý của người dân xã Phú Thị và Dương Xá, một phần nhỏ trồng lúa, một phần trồng cây ăn quả. Bên trong khu đất có các tuyến đường giao thông dân sinh đã được trải nhựa rộng 1,5 - 2 m, lề đường khoảng 1 m phục vụ việc đi lại.

 

Hệ thống thoát nước và mặt nước trong khu đất dự án.

Một góc khu đất dự án hiện nay.

Một số công trình trong khu vực quanh dự án.

Trong khu vực dự án, nước mưa chủ yếu thoát theo cao độ tự nhiên vào rãnh, mương thoát nước và vào hệ thống cống thoát nước dọc các tuyến đường giao thông, ngoài ra có một số ao nuôi thủy sản.

Trong giai đoạn đầu tư, CCN Phú Thị - giai đoạn 2 sẽ tập trung thu hút các ngành nghề chính là kho bãi, logicstic, ưu tiên các nghành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp sạch và dịch vụ hỗ trợ CCN. 

Mặt bằng sử dụng đất dự án.

Về cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 15,1 ha để xây dựng công trình công nghiệp; 3,5 ha cho cây xanh; 2,4 ha làm khu hành chính; còn lại là đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Các công trình nhà máy tại dự án sẽ được xây cao 2 tầng. Công trình dịch vụ hành chính sẽ bố trí ở phía Đông Nam khu đất, gần ĐT.719. 

Về tiến độ, dự án dự kiến sẽ hoàn thành việc bàn giao đất, xin cấp phép và khởi công xây dựng vào quý I/2024, từ quý IV/2024 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào hoạt động. Tiến độ thực hiện có thể được điều chỉnh từ 3 – 6 tháng tùy theo tình hình thực tế. Tổng mức đầu tư của dự án là 742,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 111,4 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. 

Tương quan vị trí dự án trong khu vực.

Loạt dự án của nhóm Fuji

Về chủ đầu tư, Fuji Hà Nội được thành lập vào năm 2018, trụ sở đặt tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tính đến tháng 11/2022, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 268 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT hiện nay của Fuji Hà Nội là ông Nguyễn Trường Giang.

Bên cạnh Fuji Hà Nội, ông Nguyễn Trường Giang đang đồng thời đứng tên tại loạt doanh nghiệp "họ Fuji".

Có thể kể đến như Công ty TNHH Phát triển Nhà Fuji Vân Trung; Công ty TNHH Phát triển Fuji Đức Giang; CTCP Phát triển Fuji Bắc Giang; Công ty TNHH Dịch vụ và Kỹ thuật Hạ tầng Fuji; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nhà Fuji; Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long... Tất cả những doanh nghiệp này đều có trụ sở chính tại tỉnh Bắc Giang.

Một góc KCN Việt Hàn. (Ảnh: bacgiang.gov.vn).

Trên thực tế, hệ sinh thái Fuji là một thương hiệu có tiếng trong mảng bất động sản công nghiệp ở Bắc Giang.

Hạt nhân chính của hệ sinh thái này là Fuji Bắc Giang, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2013, là chủ đầu tư của KCN Song Khê - Nội Hoàng phía Nam (huyện Yên Dũng). Fuji Bắc Giang cũng là chủ đầu tư của khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng (5,8 ha với 2.462 căn hộ).  

Kế đến, một doanh nghiệp khác thuộc nhóm Fuji là Fuji Phúc Long được biết đến là chủ đầu tư KCN Việt Hàn, một dự án được phê duyệt vào năm 2021, có quy mô gần 198 ha tại huyện Việt Yên. 

Cũng tại huyện Việt Yên, Fuji Vân Trung đang đầu tư Khu nhà ở công nhân xã Vân Trung trên khu đất hơn 6 ha với 2.448 căn hộ, tổng vốn đầu tư 974 tỷ đồng. 

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang và Báo Bắc Giang, vào giữa năm 2022 và đầu năm 2023, cả hai doanh nghiệp nhà Fuji là Fuji Bắc Giang và Fuji Phúc Long từng bị xử phạt hành chính do vi phạm trong quá trình thi công KCN Song Khê - Nội Hoàng phía Nam và KCN Việt Hàn.