Trung thu là tết dành cho thiếu nhi, trong khi nhiều em nhỏ đang nô nức, phấn khởi được đi chơi cùng bố mẹ, phá cỗ linh đình thì đâu đó trong các bệnh viện, vẫn còn nhiều bạn nhỏ kém may mắn đang phải đau đớn chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo.
Một trong số đó là trường hợp của em Trương Hoàng Phúc, 7 tuổi, trú tại xã Vũ Hòa, Huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Phúc bị bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) và đang nằm điều trị tại khoa Thalassemia của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Chăm con trong viện, chị Hoa cho biết Phúc là cậu bé can đảm, sống tình cảm và biết suy nghĩ hơn so với tuổi. Mặc dù mới chỉ 7 tuổi, nhưng biến chứng của bệnh tan máu khiến chân phải của Phúc bị teo, đi lại khó khăn, ngoài ra em bị suy tim khiến sức khỏe càng thêm suy kiệt.
“Hiện tại cứ 3 tuần truyền máu một lần, 1 ngày truyền 2 lần nước vậy mà con không kêu đau hay khóc bao giờ. Nhiều người nhìn con mũm mĩm, má phúng phính nhưng ít ai biết được rằng con bị phù mặt, phù người do phải truyền dịch, truyền nước hàng ngày”, chị Hoa cho biết.
Chị nghẹn ngào chia sẻ, “Tôi thật sự không cam tâm khi nhìn thấy con phải chịu đau đớn vì kim đâm vào cơ thể mỗi ngày như thế, lòng người mẹ như tôi quá xót xa. Nhiều hôm nhìn con đau đớn trên giường bệnh mà tôi chỉ biết khóc. Nhưng lần nào cũng vậy, hễ tôi khóc là cháu khóc theo vì con không muốn tôi buồn. Vậy nên tôi vẫn luôn phải kìm nén, không dám khóc trước mặt con”.
|
Kể về cuộc sống những ngày chạy đôn, chạy đáo chữa bệnh cho con, chị Hoa chỉ biết thở dài buồn bã. Là người mẹ đơn thân, chị Hoa vất vả với gánh nặng trách nhiệm vừa phải làm cha vừa làm mẹ. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, ngày biết con bị bệnh hiểm nghèo đe dọa tính mạng, người mẹ trẻ như ngã quỵ vì thương con.
“Đã có lúc tôi tuyệt vọng và chán chường đến mức không thiết sống, nhất là khi nhìn con đau đớn vì bệnh tật mà người làm mẹ không lo nổi viện phí để điều trị dứt điểm cho con. Những lúc ấy tôi cảm giác mình thật vô dụng, thương con nhưng “lực bất tòng tâm”, chị Hoa nghẹn giọng.
Thương con bệnh tật từ khi mới sinh ra, lại không nhận được sự quan tâm, tình thương của bố cùng gia đình nhà nội khiến chị Hoa càng thêm tủi thân.
“Chuyện gia đình tôi không được êm ấm, bố Phúc cũng đã có gia đình riêng, từ ngày con sinh ra chắc chỉ gặp bố được một vài lần khi nhỏ, không đủ để con kịp nhớ mặt cha. Nhiều lúc con nhỏ ngây thơ nhắc đến bố, mà tôi cũng không biết nên trả lời với con như thế nào”, người mẹ trẻ ngậm ngùi chia sẻ.
Những ngày ở viện chị Hoa vẫn mang sách ra dạy con học: “Cháu ham học lắm. Ở trường lực học của cháu rất khá, cháu thông minh và nhẩm toán rất tài. Đi viện mà ngày nào con cũng hỏi khi nào con khỏi bệnh để về đi học với các bạn”. Cũng vì thế, chị Hoa càng thương và quyết tâm cứu con bằng mọi giá.
Hiện tại chị Hoa vẫn chạy qua lại giữa bệnh viện Bạch Mai và viện Huyết Học Truyền máu Trung ương, vừa chữa bệnh cho con vừa chữa bệnh cho chị. “Tôi bị đau đại tràng, dạo này bệnh đau nhiều nên phải nhờ chị gái từ trong Bình Thuận ra chăm đỡ cháu để đi khám và chữa bệnh”.
Chị Hoa lo lắng khi nhìn vào tệp bệnh án của con. |
Khi phố xá đã lên đèn, ngày lễ trung thu các ngả đường càng thêm tấp nập, đâu đó tiếng trống múa lân vang lên rộn rã, càng khiến chị Hoa buồn lòng vì thương con nhiều hơn. “Giá con không đau ốm nằm viện, thì ngày hôm nay là ngày lễ vui vẻ của con…”, người mẹ trẻ nghẹn giọng.
“Như hiểu hoàn cảnh của mình, mặc dù rất thích quà, đồ chơi ngày trung thu nhưng con không dám vòi mẹ bất cứ điều gì. May rằng trung thu ở viện có phát lồng đèn nên cháu cũng vui lắm. Nhưng có lẽ sẽ vui hơn khi con không phải đón trung thu ở bệnh viện, mà là đón trung thu ở bên gia đình, được rước đèn múa lân cùng các bạn ở quê”, chị Hoa cho biết.
Khi nhắc đến ước mơ của con, khuôn mặt chị Hoa như rạng rỡ hơn, bởi lẽ chị vẫn tin và mong muốn rồi đây con chị sẽ khỏi bệnh và thực hiện được ước mơ của mình. “Ước mơ của con là lớn lên sẽ làm Công an, cháu nó nhắc mỗi ngày. Dạo trước, mỗi tháng tôi chở cháu lên viện truyền máu một lần, đi đường cứ gặp các chú công an giao thông đang làm nhiệm vụ ngoài đường là cháu thích lắm”, chị Hoa nói.
Cũng theo lời chị Hoa, mỗi lần nghe con thủ thỉ: “Sau này con lớn, con sẽ làm công an, con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi mẹ và bà ngoại”, chị lại thấy rưng rưng và xúc động. Chỉ cần câu nói đó thôi đã trở thành một phần động lực giúp chị mạnh mẽ cùng con “chiến đấu” với bệnh tật suốt nhiều năm qua.