Thoả thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã được Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc đặt bút kí tại Nhà Trắng vào ngày 15/1. Theo đó, Trung Quốc sẽ thân thiện hơn với nông sản Mỹ, hứa nhập tới 40 tỉ USD nhóm hàng này mỗi năm.
Về phần mình, ông Trump chỉ hoãn khoản thuế vào ngày 15/12 với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, và đợi đến thoả thuận tiếp theo mới quyết định có gỡ hết thuế quan hay không.
Nội dung thoả thuận "có cũng như không" được tiết lộ khiến thị trường ghi nhận những phản ứng không như mong đợi.
Chứng khoán toàn thế giới và nhất là ba chỉ số chính trên Phố Wall lập tức có phản hồi tích cực. Các chỉ số lập kỉ lục cao trong ngày. Điểm chuẩn của MSCI, cùng với chỉ số Dow và S & P 500, cũng lần đầu tiên đạt mức cao kỉ lục. Đáng chú ý, chỉ số Dow lần đầu tiên đóng cửa trên mức 29.000 điểm. Chỉ số MSCI trên toàn cầu tăng 0,07%. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 tăng 0,1%.
Tuy nhiên, chứng khoán châu Á chẳng mặn mà chuyện này khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua, các chỉ số buông mình đi xuống. Đến sáng nay, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mới chịu tăng 0,12%, trong khi Topix giảm nhẹ.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giao dịch không thay đổi. Điểm chuẩn ASX 200 của Úc tăng 0,49%.
Ở chiều ngược lại, dầu thô Brent giảm 49 cent về mức 64 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô trung cấp West Texas giảm 42 cent, chỉ còn 57,81 USD/thùng. Nhưng các chuyên gia nhận định giá dầu bị ảnh hưởng còn là do chịu áp lực từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ. OPEC dự kiến hạ thấp nguồn cung ra thị trường vào năm 2020 ngay cả khi nhu cầu toàn cầu tăng lên.
Riêng giá vàng hôm nay lại tăng khá đậm. Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.557,02 USD/ounce. Vàng giao tương lai của Mỹ đã tăng 0,6%, hiện ở mức 1,554 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 43,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,35 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối ngày hôm qua, giá vàng tại đây đã tăng 80.000 đồng ở cả 2 chiều.
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn vào cuối buổi sáng niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, mức giá này đã nhích lên 80.000-100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
CNBC dẫn lời Edward Moya, một nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA cho biết: "Những kì vọng về thương mại sẽ tiếp tục kéo dài, vì chúng ta sẽ không thấy thuế quan sẽ phục hồi như xưa. Rủi ro sẽ giữ giá vàng ở mức cao trong thời gian ngắn và chúng ta có thể thấy mốc 1,580 USD/ounce trong vài tuần tới".
Đôi bên Mỹ - Trung thay phiên nhau ngợi ca hai chữ kí phải mất gần nửa năm đàm phán mới chịu đứng chung trên một tờ giấy.
"Cùng nhau, chúng tôi đang sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và mang đến một tương lai công bằng và an ninh kinh tế cho công nhân, nông dân và gia đình Mỹ", ông Trump phát biểu ngay tại Nhà Trắng.
Còn Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc thì đọc một lá thư từ Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi thỏa thuận này là "một dấu hiệu hai nước có thể giải quyết sự khác biệt bằng đối thoại".
Dù là một bước tiến dài, nhưng Reuters dẫn lời các nhà phân tích và lãnh đạo ngành thương mại, nhận định, thỏa thuận này không giải quyết được các vấn đề kinh tế cốt lõi dẫn đến xung đột thương mại, không loại bỏ hoàn toàn thuế quan đã làm chậm nền kinh tế toàn cầu và đặt ra các mục tiêu mua hàng khó đạt được.
"Thỏa thuận này không chấm dứt thuế trả đũa đối với các trang trại xuất khẩu của Mỹ, khiến nông dân ngày càng phụ thuộc vào việc mua hàng, do nhà nước Trung Quốc kiểm soát và không giải quyết các thay đổi lớn về mặt cấu trúc sự vụ", ông Michelle Michelle Erickson-Jones, một nông dân trồng lúa mì, chia sẻ với Reuters.
Mặc dù thỏa thuận này có thể là một nguồn động viên cho nông dân, nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất thiết bị công nghiệp nặng của Mỹ, nhưng một số nhà phân tích đặt nghi vấn về khả năng của Trung Quốc trong việc chuyển hướng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác sang Mỹ.
"Trước hết, có lẽ cam kết của Trung Quốc có thể quá tham vọng để đạt được. Đây vẫn là một thỏa thuận rất mong manh", Giáo sư Amemiya, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Nomura cho biết.
Ông lấy ví dụ, Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD, hàng hóa và dịch vụ trong hai năm tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc có thể phải giảm nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác rất đáng kể hoặc thực hiện các thay đổi khác trong nước.
Cùng ý kiến, Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư chính của Tập đoàn Leutkeep, cho biết: "Tôi thấy một sự thay đổi căn bản trong chi tiêu Trung Quốc là không thể. Tôi có những kì vọng thấp cho việc đạt được các mục tiêu đã nêu. Nhưng tôi nghĩ rằng toàn bộ cuộc đàm phán đã thúc đẩy mối quan hệ tích cực cho cả Mỹ và Trung Quốc".
Kinh doanh 07:06 | 30/08/2024
Kinh doanh 07:26 | 29/08/2024
Kinh doanh 07:17 | 28/08/2024
Kinh doanh 07:25 | 27/08/2024
Kinh doanh 07:11 | 26/08/2024
Kinh doanh 09:07 | 25/08/2024
Kinh doanh 08:28 | 24/08/2024
Kinh doanh 07:46 | 23/08/2024