Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup – Công ty CP thí điểm thực hiện 5 tuyến xe buýt điện VinBus trên địa bàn TP trong thời gian 12 tháng, theo thông tin từ Vingroup.
Theo đó, 5 tuyến buýt điện đều có lộ trình xuất phát từ khu dân cư Vinhome Grand Park đến các đầu mối giao thông quan trọng như: Trung tâm thương mại Emart (cự li 27 km, tuyến VB01), sân bay Tân Sơn Nhất (cự li 30 km, tuyến VB02), bến xe buýt Sài Gòn (cự li 29 km, tuyến VB03), bến xe Miền Đông (cự li 8,5 km, tuyến VB04) và Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự li 10 km; tuyến VB05).
Chủ đầu tư Vingroup xin được cơ chế trợ giá theo đơn giá cho xe buýt CNG (không xét đến yếu tố chênh lệch giá nhiên liệu CNG), cụ thể đơn giá cho 1km vận doanh là 24.224 đồng/km. Tỉ lệ trợ giá/chi phí bằng 44,1% chi phí hoạt động.
Giá vé tuyến buýt điện VinBus dự kiến sau khi có trợ giá trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.
Mỗi chiếc xe VinBus do VinFast sản xuất có trị giá khoảng 6,5 tỉ đồng, chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải và hạn chế tiếng ồn. Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 – 70 chỗ.
Đối với điểm đầu và điểm cuối tuyến trong khu dân cư Vinhome Grand Park Quận 9, Tập đoàn Vingoup sẽ đầu tư xây dựng bến bãi và các công trình hạ tầng kĩ thuật khác phục vụ hoạt động của các tuyến xe buýt điện. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ đầu tư xây dựng khu lưu đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.
Trước đó, tại Hà Nội, Vingroup đã đăng kí 10 tuyến xe buýt điện VinBus chạy qua các khu đô thị Vinhomes kết nối đến các điểm trung chuyển trung tâm thành phố.
Tập đoàn Vingroup hiện cũng đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với qui chuẩn hiện hành.