Giải ngân vốn đầu tư công - Bài 3: Kinh nghiệm từ Thái Bình

Theo tỉnh Thái Bình, riêng 9 tháng năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn đã đạt 83,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đứng thứ 4 toàn quốc) và đạt 41% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ.

Trong khi nhiều bộ, ngành và địa phương khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thì thời gian gần đây, Thái Bình lại là điểm sáng khi liên tục nằm trong tốp đầu thực hiện nhiệm vụ này. Riêng 9 tháng năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn đã đạt 83,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đứng thứ 4 toàn quốc) và đạt 41% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ. Đây là kết quả quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình với nhiều biện pháp điều hành sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, xây dựng các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn

Từ nhiều năm nay, giải phóng mặt bằng luôn là điểm nghẽn trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, bởi theo quy định dự án phải được phê duyệt mới được bố trí vốn và khi có vốn mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Từ đó dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai vì đã có vốn nhưng chưa có mặt bằng sạch.

Để tháo gỡ nút thắt này, năm 2021 là năm đầu tiên Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chỉ thị riêng về công tác giải phóng mặt bằng, sau đó UBND tỉnh phát động phong trào thi đua "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh". Theo đó, tỉnh Thái Bình xác định giải phóng mặt bằng là "điều kiện đảm bảo cơ bản tiên quyết, là thước đo của sự sẵn sàng, là quyết tâm của tỉnh". Do vậy, đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền nơi có dự án, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thực hiện nhanh gọn nhất, trong thời gian ngắn nhất triển khai thành công dự án, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm, góp phần tạo đột phá, thu hút đầu tư.

Sau 1 năm thực hiện phong trào này, huyện Quỳnh Phụ là địa phương đi đầu với cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tháng 7/2021 Huyện ủy Quỳnh Phụ đã ban hành Thông báo 220/TB-HU về vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã; trong đó, huy động các tổ chức chính trị, xã hội, địa phương tuyên truyền, vận động người dân hiến đất thực hiện các dự án giao thông và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội khác trên địa bàn.

Địa phương nào có 100% hộ dân đồng thuận, tự nguyện góp đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã sẽ được ưu tiên xây dựng. Huyện sẽ hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên đất góp và thực hiện tái định cư cho người dân có nhu cầu nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện góp đất không đảm bảo điều kiện xây dựng nhà ở (dưới 30 m2 ở đô thị và dưới 40 m2 ở nông thôn).

Ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Quỳnh Phụ cho biết, đến nay toàn huyện đã có 16 tuyến đường ở 30 xã, thị trấn với gần 3.300 hộ tự nguyện hiến 27,7 ha đất; trong đó, đất ở 4,3 ha; đất nông nghiệp 23,4 ha, tổng giá trị đất hiến trên 405 tỷ đồng. Trong đó tuyến đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452 đoạn qua xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh nhất chỉ trong 4 ngày, trong khi trung bình công việc này sẽ phải mất gần 1 năm. Việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng với sự đồng thuận của người dân giúp dự án sớm được triển khai và tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Hiện tuyến đường ĐH.78 đã hoàn thành, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn nhiều.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, năm 2022 kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Thái Bình là 3.907 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn giao đầu năm gần 3.681 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 226 tỷ đồng; kế hoạch vốn của tỉnh đã phân bổ bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022 và vốn kéo dài từ năm 2021 sang hơn 7.102 tỷ đồng.

Với sự quyết liệt trong điều hành, đến tháng 9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thái Bình đạt 83,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước (46,7%) và đạt 41% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ. Một số dự án đã giải ngân hết vốn ngân sách Trung ương như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình (130 tỷ đồng), dự án đường từ TP Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên (40 tỷ đồng). Một số dự án đã giải ngân hết vốn ngân sách địa phương như: dự án xây dựng cống Muối xã Đông Minh (huyện Tiền Hải); dự án ổn định dân cư cấp bách vùng thiên tai xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) và xã Đông Trà (huyện Tiền Hải)...

Kiên quyết điều chuyển vốn dự án giải ngân chậm

Ông Nguyễn Thế Hồng, Trưởng phòng Tổng hợp - Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình) cho biết, việc giao kế hoạch vốn đầu tư công được tỉnh thực hiện theo các mục tiêu phát triển; trong đó, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế trong vùng; các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công, ngay từ quý I/2022 tỉnh Thái Bình đã thực hiện phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đồng thời tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; quyết liệt giải phóng mặt bằng…Đây cũng là kinh nghiệm giúp Thái Bình là địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt trong thời gian gần đây.

Để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 100%, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiếp tục các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, sớm khởi công công trình; hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỉnh thực hiện theo dõi sát tiến độ, rà soát tình hình giải ngân; kiên quyết cắt giảm quy mô các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, đặc biệt là chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng; kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm, không đảm bảo tiến độ để bố trí cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Bình cho biết, để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới Kho bạc Nhà nước Thái Bình tiếp tục rà soát, nắm bắt tiến độ triển khai, tiến độ giải ngân để đôn đốc kịp thời; định kỳ báo cáo tình hình giải ngân, trên cơ sở đó tham mưu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.