Giải pháp nào phòng cháy chữa cháy cho nhà trong ngõ nhỏ?

Các khu dân cư trong ngõ phố ở Hà Nội cần có điểm chữa cháy công cộng, về lâu dài cần quy hoạch và mở rộng ngõ, theo chuyên gia quy hoạch đô thị.

TP Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến phố, ngõ, hẻm sâu từ 200 m trở lên, bề rộng chưa tới 4 m, phổ biến là 2-3 m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Các đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đang sử dụng nhiều loại xe chữa cháy, dung tích từ 3,5 tới hơn 6 m3 nước. Khi cháy, tùy vào chế độ phun và áp lực nước đẩy ra mà nước hết nhanh hay chậm, thường sau 10-20 phút.

Trong khi đó theo Công an TP Hà Nội, chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất trong 10 phút trở lại kể từ khi lửa bùng phát. Sau 10 phút, lửa lan rộng, để dập cần nguồn nước liên tục. Tuy nhiên, ở các ngõ nhỏ xe chữa cháy không thể tiếp cận, nguồn nước để chữa cháy tại chỗ càng hạn chế.

Vì thế hậu quả của vụ hỏa hoạn trong ngõ thường nghiêm trọng hơn với đám cháy ở mặt đường lớn. Minh chứng rõ nhất là vụ cháy chung cư mini trên ngõ phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân làm 56 người chết, hay vụ cháy nhà trong ngõ phố Trung Kính, quận Cầu Giấy cướp đi 12 sinh mạng.

Ngõ 29/70 phố Khương Hạ quận Thanh Xuân, nơi xảy ra vụ cháy tháng 9/2023 làm 56 người chết, có rất nhiều chung cư mini, tập trung dân cư đông đúc. (Ảnh: Ngọc Thành).

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, đề xuất khi chưa thể đền bù, giải tỏa để mở rộng ngõ ngách, trước mắt những khu dân cư nằm trong ngõ nhỏ phải bố trí bể nước tập trung để cấp nước cho lực lượng cứu hỏa. Cách 100-200 m trong ngõ cần trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Ông Bùi Xuân Thái, đại diện Hiệp hội Phòng cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam, cũng cho rằng phải đầu tư hạ tầng cho các ngõ phố nhỏ, thiết lập phương án chữa cháy ngoài nhà, như có ống dẫn nước vào, có xe bơm đẩy nước, hoặc máy bơm kết hợp với trụ nước cứu hỏa. Ở trong nhà, gia chủ phải thiết kế ít nhất hai lối thoát nạn, lắp thiết bị báo cháy, cửa ngăn cháy giữa khu vực để xe với các tầng, loại bỏ vật dụng sinh hoạt gây cản trở đường thoát nạn...

Với những khu nhà trọ đông người, TP Hà Nội cần phân loại dựa trên số người ở, kết cấu nhà để yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy riêng. Số thiết bị phòng cháy là bắt buộc và phải bảo dưỡng định kỳ, quy định rõ trách nhiệm vận hành cho chủ nhà và chính quyền phải tăng cường giám sát. Chính quyền cần tổ chức tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa tại chỗ cho người dân, đảm bảo chủ nhà trọ luôn tuân thủ.

Lối vào ngôi nhà bị cháy hôm 24/5 ở phố Trung Kính, quận Cầu Giấy chỉ rộng hơn một mét. (Ảnh: Phạm Chiểu).

Về lâu dài, để đảm bảo phòng cháy chữa cháy, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, KTS Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng thành phố cần quy hoạch chi tiết ngõ phố, tạo các ô phố bàn cờ, sau đó đền bù, giải tỏa để mở rộng ngõ, đảm bảo chiều rộng tối thiểu 3-4 m.

TP Hà Nội có thể học tập TP HCM trong việc kêu gọi người dân hiến đất mở rộng ngõ. Con ngõ rộng 1-2 m được mở lên 3-4 m sẽ làm tăng giá trị đất, tạo ra các con phố khang trang, văn minh đô thị, đảm bảo phòng chống cháy nổ.

Cơ quan cấp giấy phép phải có trách nhiệm cấp phép xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết với khu dân cư trong ngõ, đảm bảo mật độ xây dựng, mật độ cư trú. Đặc biệt, khi công trình xây dựng xong cần kiểm tra có xây sai phép không, có chuyển đổi mục đích sử dụng không.

Tại hẻm 15/22 ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, các ngôi nhà đều đua ra phần ngõ chung khiến ánh sáng khó lọt tới. (Ảnh: Phạm Chiểu). 

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thì cho rằng Hà Nội cần tìm nguồn lực để giải tỏa nhiều khu dân cư đông đúc, ngõ ngách chật hẹp, giảm mật độ xây dựng. Cùng với đó là di dời cơ sở kinh doanh, trường đại học để giãn dân ra đô thị vệ tinh.

Tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản..., các khu dân cư cũ được giữ nguyên hạ tầng, đường ngõ như xưa song giảm mật độ dân. Chính quyền đồng thời phát triển các khu vệ tinh, thành phố mới để thu hút dân cư sinh sống, thậm chí người dân phải tái định cư bắt buộc.

Các chuyên gia quy hoạch đô thị đều cho rằng với các xã lên phường, huyện lên quận, thành phố phải ban hành quy định, tiêu chí chặt chẽ về chiều rộng ngõ đủ cho xe cứu hỏa đi vào, dần khắc phục tình trạng cư dân đô thị song hạ tầng vẫn là ngõ xóm nông thôn.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.