Thời gian qua, liên tiếp các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ xảy ra tại Hà Nội và TP HCM, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ cháy mới đây tại phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai đã làm 4 người trong gia đình tử nạn. Căn nhà này cao 6 tầng, thiết kế kiểu ống, vừa kinh doanh vật liệu xây dựng, làm kho hàng (tầng 1-3), vừa để ở.
Chưa đầy một tháng trước đó, vụ cháy trong ngõ sâu phố Trung Kính, quận Cầu Giấy cũng xảy ra tại khu nhà vừa kinh doanh cho thuê trọ, sửa chữa xe điện vừa để gia chủ ở. Hậu quả là 14 người tử vong và 9 người bị thương. Tại TP HCM, một vụ cháy nhà trong hẻm đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10 đã làm 4 người tử vong hồi tháng 2. Căn nhà này đồng thời làm kho bán hàng online, chứa nhiều vật dụng dễ cháy.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, địa bàn có khoảng 31.200 nhà trọ và hơn 39.200 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Còn tại TP HCM, có gần 60.500 cơ sở nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy nổ cao. 92% trong số đó thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, theo báo cáo rà soát của công an thành phố.
Sự cố cháy nổ tại nhà ở kết hợp kinh doanh thường gây thiệt hại lớn về người bởi hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn hoặc để gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt. Nhiều nhà ở không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng giải pháp cấp bách lúc này, là cơ quan quản lý cần nghiêm túc tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn. Trường hợp vi phạm tiêu chuẩn phòng cháy, không có khả năng cải tạo để trở nên an toàn, cần mạnh tay xử phạt và cấm hẳn việc cho thuê, kinh doanh. Trường hợp vi phạm nhưng có thể cải tạo, cơ quan quản lý sẽ đưa ra thời hạn để khắc phục, nếu không khắc phục được thì "kiên quyết cấm kinh doanh như nhóm đầu tiên".
Ông Châu cho biết thực tế không ít chủ nhà "lách luật" cho thuê trọ, không đăng ký kinh doanh vì thủ tục phức tạp và việc quản lý cũng buông lỏng ở nhiều địa phương. Do đó, cần rà soát lại việc chấp hành đăng ký kinh doanh cho thuê trọ tại các nhà xây riêng lẻ đồng thời đơn giản hóa thủ tục để người dân làm nhà ở cho thuê đúng quy chuẩn an toàn.
Trong khi đó, có ý kiến nên có biện pháp mạnh tay hơn là "cấm". Tại Quốc hội cuối tháng 5, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề xuất giải pháp để "dập tắt rủi ro gây chết người" là cấm nhà ở cho thuê trọ đông người kết hợp kinh doanh, không có hệ thống chữa cháy. Ông nhìn nhận đặc thù ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ nên khi cháy nổ có thể dẫn đến tử vong với số lượng lớn. Ông cũng đề nghị rà soát lại tiêu chuẩn cho phép kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như sửa chữa xe điện, mút xốp, hóa chất... ở khu đông dân cư để siết chặt quản lý phòng cháy chữa cháy.
Nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, không nên cấm một cách cực đoan vì chủ nhà kinh doanh hay cho thuê phòng là quyền lợi hợp pháp giúp họ gia tăng thu nhập, đảm bảo sinh kế. Chưa kể, nhà trọ góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở cho phần đông công nhân, lao động, người nhập cư khi nguồn cung nhà ở xã hội tại các thành phố lớn còn hạn chế.
Cùng quan điểm, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, cho rẳng việc cấm nhà ở kết hợp kinh doanh rất khó thực hiện vì mô hình này quá phổ biến tại Việt Nam. Tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, mặt bằng nhà phố kết hợp kinh doanh còn được xem là văn hóa đặc trưng. Chưa kể giải pháp cấm đoán có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung mặt bằng bán lẻ và giá nhà ở.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn cho biết các quy định về phòng cháy chữa cháy đến thời điểm này đã tương đối đầy đủ, rõ ràng. Nhiều vụ cháy xảy ra thời gian qua một phần do công tác quản lý, kiểm tra buông lỏng cũng như tâm lý chủ quan của nhiều người dân. Ông Tuấn đề nghị các địa phương sớm ban hành tài liệu hướng dẫn nâng cao an toàn cháy theo yêu cầu của Thông tư 09 để người dân có thể áp dụng và bổ sung giải pháp kỹ thuật.
Với người thuê mặt bằng kinh doanh trong nhà riêng lẻ, bà Minh khuyến nghị kiểm tra kỹ giấy phép phê duyệt phòng cháy chữa cháy cho phần diện tích kinh doanh. Trường hợp khách thuê có sửa đổi, cải tạo lại vẫn cần xin phê duyệt phòng cháy chữa cháy với thiết kế sửa đổi trước khi đi vào hoạt động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua yêu cầu Bộ Công an sớm chỉ đạo phòng ngừa tình trạng cháy nổ với các cơ sở có nguy cơ cao, nhất là nhà ở có nhiều tầng, căn hộ, cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Từ góc độ cơ quan quản lý về xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội và TP HCM hoàn thành biên soạn tài liệu tham khảo hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu. Trong đó có một số giải pháp kỹ thuật được bổ sung liên quan đến đường thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, báo cháy...
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khuyến nghị chủ các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ hiện hữu, nhà ở kết hợp kinh doanh có thể sử dụng tài liệu này để cải tạo, bổ sung các giải pháp kỹ thuật về an toàn cháy. Bởi "tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy chữa cháy của nhà cho thuê trọ trên 15-20 người phải khắt khe hơn với nhà xây riêng lẻ cho hộ gia đình 5-7 người ở".
Trong tháng 7, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam - Nhà ở riêng lẻ. Tiêu chuẩn này đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định lần 2 để ban hành. Ông Ngọc Anh cho biết chung cư mini dưới 7 tầng xây mới hay cải tạo, chuyển đổi công năng, thay đổi mục đích sử dụng, kinh doanh hỗn hợp phải áp dụng quy chuẩn mới này. Còn chung cư mini từ 7 tầng trở lên vẫn áp dụng theo Thông tư 06 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình được Bộ Xây dựng ban hành trước đó.