Tại Hội thảo giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vấn đề an cư của lực lượng công nhân, người lao động, vai trò của các bộ ban ngành, chính quyền địa phương cũng như những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội là những vấn đề được quan tâm.
Theo qui hoạch đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) tập trung nguồn nhân lực hàng triệu công nhân, người lao động.
Toàn cảnh buổi hội thảo giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Ảnh: VGP/Gia Mỹ).
Do đó, nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp ở các khu vực này rất lớn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục, nguồn vốn và cơ chế để doanh nghiệp tích cực tham gia.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho hay: Nhà ở cho công nhân đã hoàn thành 100 dự án, qui mô 41.000 căn với tổng diện tích hơn 2 triệu m2, bố trí chỗ ở cho 330.000 người.
Các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88.000 căn hộ, bố trí chỗ ở cho hơn 700.000 người.
Tuy nhiên, theo vị đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản này, kết quả so với nhu cầu của người lao động chỉ là rất nhỏ.
Cũng theo ông Ninh, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nói riêng là do gói tín dựng 30.000 tỉ đồng đã kết thúc nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất.
Cụ thể, ông Ninh cho biết ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội và đa phần doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà.
Do đó, theo ông Ninh, bên cạnh các giải pháp chung mang tính vĩ mô, rất cần những giải pháp cụ thể từ phía địa phương, doanh nghiệp để giúp ngày có them nhiều công nhân lao động an cư để lạc nghiệp. Đó là những giải pháp quyết liệt hơn về đầu tư quĩ đất, vốn hỗ trợ triển khai dự án, các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện hiện tại…
Còn theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu thuê, mua. Vì vậy vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu trở nên bức thiết.
Còn ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho hay: "Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế và chương trình hỗ trợ việc mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động nói riêng.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chính sách chưa được áp dụng triệt để, phần nhiều các chương trình khi áp dụng không mang lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt chúng ta cần xem xét lại các điều kiện và thủ tục mua nhà ở xã hội.
Trong đó những thủ tục chứng minh thu nhập cho người mua nhà còn khá nhiêu khê và tốn thời gian đang rất cần được sửa đổi.
Cũng theo ông Hoàng, lí do của việc siết chặt luật định là do vẫn còn tồn tại những cá nhân lợi dụng qui định về nhà ở xã hội để mua đi bán lại nhằm trục lợi.
Ông Nguyễn Hoàng cho rằng việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng công tác quản lí thị trường bất động sản.
Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả hang loạt dự án nhà ở cho công nhân lao động tại vùng kinh tế trong điểm phía Nam.
Trước hết, cần xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động hỗ trợ tạo lập nhà ở, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường.