Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%: Nên hay không khi ngân hàng đang 'ế' vốn?

Từ quý IV/2023, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm từ 34% xuống 30% nhằm đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên, HoREA đề nghị nên lùi thời gian áp dụng thêm 12 tháng và trên thực tế, các chuyên gia cũng cho rằng hiện giờ ngân hàng đang “ế” vốn nhưng lại không thể cho vay.

Ngân hàng chỉ dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn 

‏Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1/10, các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%. ‏

‏Trước đó, tỷ lệ này đã được điều chỉnh giảm dần từ 60% kể từ ngày 1/2/2015 về 45% từ ngày 1/1/2018; về 40% từ ngày 1/1/2020; về 37% từ ngày 1/10/2020 và về 34% từ ngày 1/10/2021. ‏

‏Tại các ngân hàng thương mại, hầu hết các khoản gửi tiết kiệm của người dân đều có kỳ hạn ngắn. Vì vậy, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn. ‏

‏Trong khi đó, phần lớn dư nợ bất động sản có thời gian từ 10 - 25 năm. Do đó, để đảm bảo an toàn hệ thống cũng như hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, NHNN đã đề ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. ‏

‏Việc giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 30% áp dụng từ 1/10/2023 là giai đoạn cuối hoàn tất lộ trình này.‏

Đề xuất lùi thời điểm áp dụng quy định thêm 1 năm‏

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề nghị NHNN ‏‏xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 12 tháng đối với thời điểm áp dụng quy định "các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn". ‏

‏Nói cách khác, HoREA đề nghị nên áp dụng quy định trên kể từ ngày 1/10/2024 thay vì ngày 1/10/2023.

 ‏N‏‏hiều doanh nghiệp địa ốc có nhu cầu vay vốn nhưng lại khó tiếp cận tín dụng. (Ảnh: Di Anh).‏ 

‏“Bối cảnh nền kinh tế tại thời điểm NHNN nước ban hành Thông tư 08 là lúc dịch Covid-19 bắt đầu phát tán ra một số quốc gia và về cơ bản thì nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh trong giai đoạn đầu này. ‏

‏Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2020 trở đi, đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tiếp đó lại xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine từ khoảng cuối quý I/2022 dẫn đến tình trạng suy thoái, lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.‏

‏Hiện nay, nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn. N‏‏hiều doanh nghiệp địa ốc có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng pháp lý. ‏

‏Mặc dù các chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đã tạo lập được quỹ đất dự án phù hợp với quy hoạch; nhưng lại chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, nên chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng. ‏

‏Trong khi đó, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải có chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, phải có giấy phép xây dựng, dự án phải có tính khả thi thì mới được vay tín dụng”, HoREA cho hay.‏

‏Trước đó, hồi tháng 7, đơn vị này cũng từng lên tiếng về vấn đề này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng cho nền kinh tế trong 5 tháng cuối năm 2023, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi từ NHNN. ‏

‏Ngân hàng đang “ngủ yên” chứ chưa “ăn no” ‏

‏Theo HoREA, chỉ cần các ngân hàng thương mại xem xét “nới tay” một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng để bù đắp tài chính, có dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi, có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của các thửa đất đã nhận chuyển nhượng trong dự án,... thì sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm 2023.‏

‏Tính đến ngày 15/09/2023, NHNN cho biết kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022 và vẫn còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế.‏

‏Tại một hội thảo diễn ra cách đây ít ngày, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đã chia sẻ: “Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng vui, đó là các ngân hàng có quá nhiều vốn và thanh khoản không phải là vấn đề của họ nữa.‏

‏Tuy nhiên, hình như các ngân hàng chỉ đang “ngủ yên” thôi chứ còn “ăn no” thì không. Lý do là bởi tăng trưởng tín dụng toàn ngành này đang rất thấp khi chỉ đạt 5,3% trong 8 tháng đầu năm, trong khi mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 là 14%. Từ nay đến cuối năm, có lẽ chúng ta phải chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu. ‏

‏Ngân hàng “ế” vốn nhưng khi các doanh nghiệp bất động sản cần vốn tìm đến thì lại lắc đầu từ chối. Về lý thuyết, ngân hàng là đơn vị kinh doanh về vốn, và thực tế họ cũng đang có nhiều vốn. Theo nguyên tắc, các nhà băng phải đẩy vốn ra để khiến dòng tiền sinh lời, song họ lại không thể đẩy vốn ra được. ‏

‏Dưới góc nhìn của tôi, một trong các lý do xuất phát từ việc rủi ro của nền kinh tế cũng như rủi ro từ các khách hàng của nhà băng cũng đang tăng lên”. ‏

 NHNN cho biết vẫn còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế. (Ảnh: Di Anh).‏ 

‏Trong báo cáo nghiên cứu thị trường do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố mới đây, PGS.TS Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết mặc dù từ đầu năm đến nay, NHNN đã giảm 4 lần lãi suất với mức 0,5 - 2%/năm, thậm chí các ngân hàng thương mại đang dư tiền nhưng không thể cho vay. ‏

‏Trên cơ sở đó, chuyên gia này kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Một trong số đó là giải pháp khơi thông luồng vốn vận hành vào thị trường địa ốc.‏

‏Cụ thể, cần mở ra hệ thống tái thế chấp; mở ra cơ chế quỹ tiết kiệm tương hỗ; triển khai mạnh trên thực tiễn quỹ đầu tư tín thác bất động sản; lành mạnh hóa thị trường trái phiếu địa ốc; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; vận động kiều hối vận hành về Việt Nam; thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển;...‏

‏“Đặc biệt, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho thị trường bất động sản; thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp; khơi dậy thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng”, ông Chung nhấn mạnh. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.