NHNN khẳng định không thiếu room tín dụng, doanh nghiệp địa ốc vẫn kêu khó tiếp cận

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, không có câu chuyện thiếu room tín dụng, các ngân hàng thương mại đang rất thoải mái nguồn lực cho vay. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp địa ốc cho biết việc tiếp cận tín dụng thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tín dụng tăng nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30/9, liên quan đến vấn đề lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết mức độ tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm có tăng, nhưng so với năm ngoái thì mức tăng vẫn còn thấp.

Tính đến ngày 30/9, lãi suất huy động là khoảng 5,9%, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12,9 triệu tỷ đồng. Vào thời điểm năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%. Lãi suất cho vay dự đoán là khoảng 6,1 - 6,2%. Tổng dư nợ của nền kinh tế là 12,63 triệu tỷ đồng.

“Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng có tăng nhưng chậm hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do nhiều lý do khách quan, trong đó có khó khăn đến từ nền kinh tế, tác động của nước ngoài và khó khăn của doanh nghiệp trong nước”, ông Đào Minh Tú lý giải.

 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP). 

Về lãi suất, theo số liệu mới nhất thì mức giảm trung bình cho vay, nhất là khoản vay mới, là 1 - 1,3%. Lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5 - 5,7%, vay trung dài hạn là 5,8 - 10%.

Tuy nhiên, ông Tú cho biết lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ. Lý do là bởi huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10-12%, nên độ trễ hiện nay theo sự tính toán của NHNN xác định thì khoảng từ 9-12%.

Ngoài ra, cơ quan này thông tin tín dụng chính sách cho người nghèo, hộ thu nhập thấp cũng tăng rất cao là 8,19%; tổng dư nợ là 316.000 tỷ đồng với 16,7 triệu khách hàng.

Doanh nghiệp cần “khôn ngoan” khi tìm đến ngân hàng

Từ đầu năm đến nay, bên cạnh lãi suất thì khả năng tiếp cận tín dụng chính là một trong những vấn đề khó khăn nổi cộm của không ít doanh nghiệp.

Tại một hội thảo do CafeLand tổ chức vừa qua, ông Vũ Ngọc Tuân, nguyên Tổng Giám đốc CTCP Rich Real Holdings (tỉnh Bình Dương) đã nêu lên khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.

“Trong và sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đều rất khó khăn. Doanh nghiệp chúng tôi phải vay ngân hàng để đầu tư, tuy nhiên không thể thanh toán nợ gốc, lãi hàng tháng cho ngân hàng.

Trong khi đó, ngân hàng không có chính sách nào cho vấn đề này và cuối cùng cả doanh nghiệp lẫn cá nhân đều bị rơi vào nợ xấu. Đây là thực trạng gây nhức nhối cho không ít doanh nghiệp và doanh nhân”, ông Tuân nói.

Trước câu chuyện của doanh nghiệp trên, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra lời khuyên: “Các chủ doanh nghiệp bất động sản khi có nhu cầu vay vốn thì nên tìm đến những ngân hàng đưa ra được giải pháp giúp mình tránh được các khó khăn về tài chính, và thực tế có rất nhiều cách để làm được điều đó. Hãy làm việc với những ngân hàng chân chính, minh bạch và tận tâm với chính doanh nghiệp.

Đừng tìm đến những nơi mà nhân viên tín dụng ở đó nói rằng họ có thể đẩy giá thế chấp bất động sản lên và có thể cho vay số tiền cao hơn cả nhu cầu ban đầu của doanh nghiệp. Đừng làm việc với những ngân hàng đó”.

(Ảnh minh hoạ: Di Anh). 

Nhìn nhận vấn đề ở phạm vi rộng hơn, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, ở Mỹ, các công ty bất động sản được xếp vào ngành đầu tư tài chính, thay vì thuộc ngành xây dựng như ở Việt Nam.

“Vì vậy, khi lập nên công ty địa ốc, các chủ doanh nghiệp phải hiểu là mình đã gia nhập vào ngành đầu tư tài chính. Do đó, càng phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh tế vĩ mô cũng như chuyên môn về quản lý vốn rủi ro.

Đừng để trong cơn tăng trưởng, cứ nghĩ mình có sứ mệnh mở mang thị trường, cứ đi vay vốn phát triển dự án cho đến khi bị tắc nghẽn; mà quên mất rằng bản chất doanh nghiệp mình chính là công ty đầu tư tài chính”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

"Không có câu chuyện thiếu room tín dụng"

Khi bàn về giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định: “Không có câu chuyện thiếu room tín dụng. Các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp”.

Theo đó, NHNN cho biết các đối tượng được cơ quan này xác định tăng cường hỗ trợ chính là những doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa và doanh nghiệp giải thể.

Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã mở rộng tín dụng thông qua 11 giải pháp trọng tâm. Đơn cử như việc cơ quan này đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp.

Tiếp đến là việc NHNN hạ lãi suất điều hành 2% cho 4 lần từ đầu năm nay. Các tổ chức tín dụng theo đó cũng phải hạ lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, điển hình như việc ngưng hiệu lực một số nội dung Thông tư 06 vừa qua. Điều này đã tạo thêm điều kiện buộc các ngân hàng thương mại phải tìm cách giữ khách hàng và hạ lãi suất.

Chưa kể với Thông tư 42, đến nay NHNN đã thực hiện tái cơ cấu khoản nợ, khoản lãi đến hạn được hơn 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các gói tín dụng như gói 40.000 tỷ đồng của ngân sách để hỗ trợ 2% lãi suất, gói 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản cũng như xuất khẩu gỗ.

Đầu năm đến nay, NHNN đã mở rộng tín dụng thông qua 11 giải pháp lớn. (Ảnh minh hoạ: Di Anh). 

Các giải pháp tiếp theo là truyền thông; phối hợp với chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp… để cùng chính quyền địa phương xác định tại địa phương mình có những cơ chế, chính sách gì còn vướng mắc và cùng tháo gỡ.

Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường tín dụng, tăng cường các chính sách xã hội và chính sách tiêu dùng. Đây là giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, từ đó sẽ gia tăng được tỷ lệ tín dụng.

Giải pháp cuối cùng là hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc để ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện, hoặc tham gia với tư cách nhà đầu tư. Ông Đào Minh Tú cho biết hiện nay NHNN đang duy trì 4 tổ chức tín dụng với trên 231.000 tỷ đồng trái phiếu.

“Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn”, Phó Thống đốc NHNN bổ sung.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.