“Giáo dục hiện tại đang trở thành vấn đề nhức nhối”
Phát biểu trong buổi gala, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa, người mới về nước sau 21 năm làm việc ở nước ngoài khẳng định “giáo dục hiện tại đang trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới”
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cũng cho rằng: “Các nền giáo dục trên thế giới, kể cả nền giáo dục Việt Nam đều có vấn đề”.
Cụ thể theo ông Bảo, ở thời điểm hiện tại, vấn đề mà hầu hết các trường gặp phải chính là vấn đề về mặt tư duy giáo dục. Bởi, nếu muốn có được tư duy tốt thì phải học, phải học một cách hệ thống. Nếu như chúng ta cứ đào tạo, cứ học những học không có hệ thống thì đó là điều vô cùng nguy hiểm nhưng học mà không có tư duy thì vô cùng uổng phí. Hoặc nếu cứ tư duy mà không học thì lại vô cùng bất ổn. “Đó sẽ là một bi kịch”, ông Bảo nhấn mạnh thêm.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo. (Ảnh hoikhuyenhoc.vn) |
“Các nền giáo dục trên thế giới hiện nay đều có vấn đề. Bởi lẽ, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, trước những thông tin tiến bộ như vũ bão, nó tạo ra sự thông minh về trí tuệ và tư duy, những vô hình chung nó lại tạo ra sự khủng khoảng về chỉ số thông minh của trái tim. Đó sẽ là ảnh hưởng không tốt.”, ông Bảo thẳng thắn nêu quan điểm.
Ông Lê Thế Dũng, Chủ tịch Mạng lưới Hợp tác vì Phát triển Quốc tế (NICD) cũng cho rằng, hiện tại, giáo dục chưa dạy được con trẻ cách hướng đến những giá cách hướng đến những giá trị thực tế, những giá trị thiết thực trong cuộc sống. Ví dụ cụ thể, ông Dũng nói: “ chúng ta đang dạy con cái, trên cây đa có chị Hằng, chú Cuội…Nhưng những thứ đó lại phi thực tế.”
Một hiện trạng khác của nền giáo dục cũng được ông Dũng thẳng thắn nêu ra: “Chúng ta vẫn đang thừa thầy, thiếu thợ”.
Lí giải cho hiện trang thừa thầy thiếu thợ của nền giáo dục, ông Dũng cho rằng, lỗi không phải là ở các em mà ở xã hội, trong đó có cả bố mẹ các em,nền giáo dục hiện tại đã dạy cho các em các tư tưởng như “sỹ - công - nông - thương”, mà tư tưởng ấy có nghĩa là, ta là trí thức, ta chỉ phán, chỉ phê bình, còn làm thì kệ người khác.
Ví dụ thêm cho tư tưởng “sỹ - công - nông - thương’’, ông Dũng kể, trước đây, trong thời gian công tác ở Nhật, ông có chứng kiến một đoàn sinh viên Việt Nam của một trường nông nghiệp sang Nhật giao lưu. Trong quá trình giao lưu, các sinh viên Nhật xuống ruộng học cách trồng cấy, còn các em sinh viên Việt lại đứng trên bờ vì cho rằng, mình học để sau này làm kĩ sư, chứ không phải học để làm nông dân.
“Vấn đề này ở đâu ra? Tư duy này nằm ở đâu? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này?”, ông Dũng thắc mắc.
Từ những bất cập của nền giáo dục, ông Bảo đề xuất một cải cách tư duy giáo dục mang tính chất toàn diện.
Không thể đổ lỗi cho điều kiện khó khăn
Lí giải cho hiện tượng trên, ông Bảo cho rằng, con người có 3 năng lực, năng lực đầu tiên là năng lực tư duy, năng lực thứ hai là năng lực công việc, năng lực thứ 3 là năng lực quan hệ với con người. Mối quan hệ giữa ba năng lực này như một chiếc kiềng 3 chân. Và nếu như muốn tiền hành đổi mới trong giáo dục thì phải hình thành được đủ 3 năng lực này.
Trên thực tế, để hình thành được cả 3 năng lực này, ở thời điểm hiện tại, theo ông Bảo là rất khó.
“Đối với các tỉnh miền núi, nói đến giáo dục là người ta nghĩ ngay đến những điều kiện khó khăn. Thế nhưng, không thể cứ thấy điều kiện khó khăn là chúng ta lại ngay lập tức đổ lỗi cho điều kiện khó khăn. Phải biết biến khó khăn thành thuận lợi, thành điều kiện để phát triển giáo dục.” Ông Nguyễn An Ninh, Giám đốc sở giáo dục Lào Cai, thẳng thắn phát biểu trong gala.
Trong quá trình phát biểu, ông Ninh nhắc đến rất nhiều khó khăn trong giáo dục của Lào Cai. Thế nhưng, ông vẫn tin tưởng rằng, chỉ cần có quyết tâm mạnh mẽ, có động lực rõ ràng thì tương lai của nghành giáo dục chắc chắn sẽ có được sự thay đổi tích cực.
Từ đó, ông Ninh mong muốn có một cuộc cải cách giáo dục mang tính chất toàn diện.
Phải đổi mới tư duy giáo dục
“Theo quan điểm của tôi, công cuộc đổi mới giáo dục trước hết phải là đổi mới tư duy. Chỉ có trên cơ sở đổi mới tư duy thì mới có thể đổi mới được đến các công tác khác trong nghành giáo dục như công tác quản lý…”, ông Ninh thẳng thắn phát biểu quan điểm tại gala.
Cũng theo ông Ninh, cải cách giáo dục phải là sự kết hợp giáo dục kết hợp nhà trường, giáo dục gắn với thực tiễn, môi trường đa văn hóa, mô hình giáo dục gần gũi với thiên nhiên.
Cùng quan điểm với ông Ninh, diễn giả Phạm Thị Kim Hoa cho rằng, giáo dục là sản phẩm của một quốc gia. Nếu chúng ta muốn đổi mới căn bản và toàn diện về nền giáo dục thì nhà trường, gia đình và xã hội phải kết hợp chặt với nhau. Nếu như chúng ta coi đổi mới là giáo dục là việc của xã hội thì khi đó trách nhiệm xã hội quá lớn. Và việc đổi mới giáo dục sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề.
Cũng theo bà Hoa, kinh nghiệm từ quốc gia khởi nghiệp Israel cho thấy, muốn đổi mới tư duy giáo dục thành công thì đó phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Rất nhiều diễn giả, khách mời đều có chung quan điểm rằng, trọng tâm của đổi mới tư duy giáo dục chính là dạy cho thế hệ trẻ các biết sống yêu thương, biết tự chủ, tự lập… thậm chí phải dạy cho con trẻ cách biết xấu hổ, biết khó nhọc, biết sợ hãi thì đó mới là điều tốt.