Giao thông Hà Nội hỗn loạn những ngày giáp Tết

Những cơn mưa tầm tã kèm theo gió lạnh suốt mấy ngày vừa qua làm cho giao thông Hà Nội vô cùng căng thẳng, ùn tắc xảy ra ở hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn. Nhiều người muộn giờ học, giờ làm vì bị chôn chân hàng giờ ngoài đường. Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đã đến Tết, làm thế nào để bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân là câu hỏi gay gắt đặt ra với các cơ quan chức năng của Hà Nội.

Giao thông hỗn loạn

Cơn mưa rả rích gần như 24/24 giờ suốt các ngày 10, 11 và 12/1 đã làm cho giao thông Hà Nội rơi vào tình trạng vô cùng hỗn loạn, ùn tắc trên diện rộng diễn ra từ sáng đến tối. Đó là hệ quả tất yếu vì hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố ngày thường vốn có mật độ phương tiện cao; các đường trục, đường vành đai luôn trong tình trạng quá tải, thường trực nguy cơ ùn tắc.

giao thong ha noi hon loan nhung ngay giap tet
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Cho nên chỉ một cơn mưa ngắn cũng đủ làm cho giao thông lộn xộn khi người điều khiển phương tiện bị hạn chế tầm nhìn, lại hối hả chen lấn nhau đi để tránh mưa, huống hồ là mưa suốt ba ngày kèm theo không khí lạnh buốt giá. Số lượng ô-tô con cá nhân tham gia giao thông tăng đột biến. Dịch vụ xe ta-xi hoạt động hết công suất. Người điều khiển xe máy mặc áo mưa, che chắn kín mít, nhiều người còn chở hàng cồng kềnh… Tất cả những phương tiện ấy chen lấn nhau trong mưa, chiếm hết mọi khoảng trống trên đường và cũng leo lên cả hè để đi.

Các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng, Láng, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Đê La Thành, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, vành đai 3 trên cao… thường xuyên trong tình trạng ùn ứ kéo dài. Giao thông tại các khu vực: Hai Bà Trưng - Lê Duẩn, Hàng Bông - Điện Biên Phủ, Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, hầm chui Trung Hòa và nhiều nút giao cắt khác nhiều lúc rối loạn do các phương tiện không tuân thủ đèn tín hiệu và chỉ dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông... Hình ảnh người cảnh sát giao thông bất lực nhìn dòng phương tiện bát nháo, mạnh ai người ấy đi thật sự là nỗi lo ngại lớn trong những ngày sắp tới.

Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 3 Phạm Anh Tuấn cho biết: Những ngày cuối năm, lượng phương tiện từ các tỉnh vào nội đô Hà Nội tăng đột biến đã tạo áp lực rất lớn đối với hạ tầng giao thông của thành phố. Bên cạnh đó, các phương tiện đi không đúng làn đường, ô-tô thì đi vào làn xe máy, xe máy lách vào phần đường của ô-tô và đi lấn sang phần đường ngược chiều. Nhiều người còn vượt đèn đỏ gây cản trở lớn tới dòng phương tiện đang lưu thông.

Đó là những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến mất trật tự và ùn tắc. Bác Nguyễn Văn Quyết, khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Đống Đa) than thở: “Thật là khổ sở. Có hôm tới 19 giờ hơn mà tôi vẫn còn bị “giam” giữa đống phương tiện ngoài đường. Với tình hình này, không biết những ngày sắp tới, chúng tôi có thể đi lại để sắm Tết, thăm hỏi họ hàng được không”.

Huy động mọi lực lượng giải tỏa ùn tắc

Để bảo đảm giao thông trong dịp Tết Đinh Dậu, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 19-12-2016, trong đó nêu rõ mục tiêu không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là dịp trước Tết, đồng thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Các lực lượng chức năng được huy động tối đa quân số để chốt trực hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là tại những điểm giao cắt dòng phương tiện, các vị trí đang có công trình thi công.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công an thành phố ban hành Mệnh lệnh số 01, tăng cường thêm 200 cảnh sát cơ động tham gia phối hợp điều tiết giao thông trên các tuyến đường chính, từ ngày 6-1 đến 15-2-2017. Tại các tuyến phố, ngõ ra vào các khu dân cư có lực lượng công an phường và đội trật tự địa phương hỗ trợ hướng dẫn phương tiện, hạn chế xung đột dẫn đến mất trật tự giao thông. Trong những ngày qua, các lực lượng nói trên đã dầm mình trong mưa lạnh giá, nỗ lực hết sức để duy trì sự lưu thông cho các tuyến đường.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Sở đã phối hợp Công an thành phố và các quận, huyện rà soát những điểm có nguy cơ ùn tắc để có giải pháp phân luồng phù hợp với thực tế và lưu lượng phương tiện tại từng thời điểm; đồng thời tiếp tục kiểm tra, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông và tổ chức các tuyến buýt kết nối để nâng hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT. Tăng cường lực lượng chốt trực trong khung giờ cao điểm.

Sở tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý xe khách liên tỉnh, trong đó có việc sắp xếp, điều chuyển hơn 21 nghìn lượt xe khách tại các bến xe, kiên quyết không để tình trạng xe khách hoạt động xuyên tâm. Cùng với đó, công trình cầu vượt nút giao Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái vừa được đưa vào sử dụng đã góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực phía đông nam thành phố. Hiện nay, Cầu 361 qua sông Tô Lịch (trên đường Láng) cũng đang khẩn trương hoàn thiện để đưa vào phục vụ nhân dân trước Tết.

Mặc dù nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện, nhưng tình hình giao thông vẫn tiếp tục phải được kiểm soát chặt chẽ hơn với những biện pháp linh hoạt. Tại một số nút giao thông, mặc dù đèn tín hiệu vẫn xanh, nhưng đoạn đường phía trước đã ùn thì phải dừng phương tiện phía bên kia ngã tư, đồng thời điều tiết dòng phương tiện khác chạy dựa trên điều kiện thực tiễn lúc ấy.

Việc yêu cầu phương tiện dừng khi đèn xanh vẫn còn vài giây cũng hạn chế được các phương tiện chen lấn, cố tình vượt đèn đỏ. Hay trong những ngõ nhỏ, nhân viên đội trật tự đứng làm ranh giới giữa hai dòng phương tiện ngược chiều để ngăn không cho xe đi lấn làn… Nhờ xử lý linh hoạt như vậy cho nên tại nhiều nơi, trật tự giao thông được duy trì. Như vậy, có thể thấy ngay trước mắt, giải pháp quan trọng là sự điều hành của các lực lượng chức năng. Mặt khác, những người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Lỡ một nhịp đèn đỏ, một người chỉ chậm một phút đến một phút rưỡi, trong khi nếu cố tình vượt qua sẽ làm hàng nghìn phương tiện chậm nhiều giờ.

Về lâu dài, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công trình hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất dành cho giao thông nhằm bảo đảm sự cân đối giữa hạ tầng và nhu cầu đi lại. Trước hết, cần có sự chỉ đạo quyết liệt đối với những công trình giao thông thi công kéo dài gây bức xúc về giao thông như mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Tôn Thất Tùng tới Ngã Tư Sở), đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, những dự án chậm được triển khai như mở rộng đường Tam Trinh, đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Voi Phục)… Đối với những dự án mới đi vào khai thác, cần có rà soát giao thông ở khu vực để tổ chức giao thông hợp lý hoặc tiếp tục đầu tư hạ tầng tạo sự đồng bộ, phát huy cao nhất hiệu quả công trình.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hy vọng rằng, giao thông Hà Nội sớm có lối thoát, nhất là những dịp cao điểm giáp Tết.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.