Cô Mai Khuyên được đào tạo theo chương trình dạy bơi của Úc và đã có 4 năm dạy bơi cho trẻ em và người lớn, trong đó có rất nhiều em bé từ 6 tháng tuổi. Bản thân cô cũng dạy bơi cho chính con gái khi con gái mới 10 tháng tuổi.
Cô Mai Khuyên dạy bơi cho con gái là bé Ong lúc bé 10 tháng. (Ảnh: NVCC) |
Giúp con làm quen với môi trường nước với tốc độ riêng của mình
Đa phần các bé đều yêu thích môi trường nước một cách bản năng. Tuy nhiên các bé có thể sợ đi bơi bởi các lý do như không gian bể bơi quá rộng, quá nhiều người lạ, cảm giác bồng bềnh trong nước, nước bắn vào mặt, nước ngập vào tai,… Bố mẹ cần hiểu tâm lý của con và giúp con làm quen với tốc độ riêng của mình, tự tin và thoải mái trong môi trường nước.
Với các bé dưới 3 tuổi, bố mẹ luôn giữ cho miệng con ở trên mặt nước, tránh bị sặc nước. Việc luyện tập kĩ năng ngụp lặn cần có sự hướng dẫn của giáo viên và quan sát phản ứng của con. Không nên ép trẻ ngụp lặn khi trẻ chưa sẵn sàng, khóc, la hét và từ chối mỗi lần luyện tập.
Với các bé 3-6 tuổi, bố mẹ cần giúp con làm quen với việc di chuyển ở khu vực nước nông. Bố mẹ không nên để bé chạy nhảy hoặc đùa nghịch quá mức vì có thể bé sẽ bị trượt ngã, sặc nước do chưa quen với việc kiểm soát trọng lượng của cơ thể trong môi trường nước. Bố mẹ cũng tránh đưa bé ra khu vực nước sâu và cho bé ngụp lặn khi bé chưa sẵn sàng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng sợ nước của trẻ ở độ tuổi này.
Thiết lập cho bé các kĩ năng an toàn khi đi bơi
Khi đi bơi, hầu hết các bé thường chạy nhảy xung quanh bể hoặc nhảy ùm xuống nước. Đây là điều nguy hiểm bởi sàn bể bơi thường trơn trượt khiến bé bị té ngã hoặc khi con nhảy xuống bể mà không quan sát kĩ sẽ dễ gây ra thương thích cho bản thân và người bơi xung quanh.
Để đảm bảo an toàn, bố mẹ cần lưu ý nhắc nhở con:
- Không chạy nhảy xung quanh bể bơi
- Không nhảy xuống nước nếu không được sự cho phép của giáo viên
- Không ấn đầu các bạn khác xuống nước
Khi đi biển, bố mẹ có thể tận dụng cơ hội để dạy con nhận biết các khu vực nguy hiểm như: khu vực nước sâu, nước lũ, nước xoáy, dòng chảy xa bờ ở biển (rip current)… để biết cách phòng tránh.
Dạy con kiểm soát hơi thở để không bị sặc nước
Rất nhiều em bé bị sặc nước khi đi bơi khiến bé sợ nước, gặp khó khăn để làm quen với nước trở lại. Để không bị sặc, bố mẹ có thể dạy con kỹ năng kiểm soát hơi thở trong môi trường nước qua một số trò chơi để trẻ phân biệt “hít vào thở ra” như tập thổi bóng, thổi chong chóng, thổi vào cốc nước… Sau khi đã nhận biết hơi thở ra, trẻ có thể tập ngụp xuống trong nước, thổi bong bóng ra.
Bé Ong đang được mẹ hướng dẫn trò chơi thổi bong bóng trong nước để học cách kiểm soát hơi thở. |
Nhiều bố mẹ khi tắm thường bế bé nằm ngửa gội đầu, không để nước rơi vào mặt. Khi đi bơi, các em bé như vậy sẽ khóc và sợ hãi khi nước ngập tai, đầu, mất nhiều thời gian để làm quen. Khi tắm cho con, bố mẹ nên giúp bé dạn dĩ hơn với nước, bằng cách tập với vòi hoa sen (mức độ nước bé), dùng khăn xô nhỏ nước lên mặt bé có thông báo trước, chẳng hạn: mẹ sẽ cho nước rơi xuống nhẹ nhàng như một cơn mưa rào nhé. Tuyệt đối không dội nước mạnh xuống đầu trẻ mà không thông báo trước sẽ khiến bé sợ nước.
Nổi ngửa và bơi ngửa đều là các kĩ năng sinh tồn quan trọng
Ở Việt Nam thường phổ biến dạy kiểu bơi ếch cho các con, cao hơn đó là bơi sải, bơi bướm. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng trẻ biết một kiểu bơi là đã an toàn trong môi trường nước. Tuy nhiên trong các trường hợp rủi ro, việc có thể nổi ngửa, cân bằng nhịp thở và gọi/chờ người tới cứu lại vô cùng hiệu quả. Đặc biệt khi vị trí rủi ro cách xa bờ, nếu chỉ biết một trong các kiểu bơi sấp thì thông thường người bị nạn chỉ bơi được một vài km và đuối sức rất nhanh, trong khi nổi ngửa sẽ giúp ta giữ sức chờ người tới ứng cứu.
Song song với các kĩ thuật bơi sấp, bố mẹ nên chú ý các kỹ năng nổi ngửa, bơi ngửa, kỹ năng bám vào thành bể để di chuyển hoặc bám vào các vật nổi trong nước… để trang bị cho con kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Kinh nghiệm chọn lớp học bơi cho con
Với độ tuổi mầm non, mục tiêu của lớp học bơi là tạo ra môi trường vui vẻ, an toàn, tự tin trong nước, phát triển các kĩ thuật nền tảng cho các kiểu bơi; duy trì đều đặn để có thể chất khỏe mạnh. Ở độ tuổi này, các kĩ năng mà bé đạt được thường là phản xạ có điều kiện. Nếu bố mẹ tăng cường các buổi tập để mau chóng đạt được một số kĩ năng nhưng không duy trì luyện tập thì các kĩ năng này sẽ mau chóng mất đi. Thay vào đó, bố mẹ nên chọn lớp học mà con yêu thích, được khích lệ, khám phá khả năng mới của bản thân trong môi trường nước và được học theo tốc độ riêng của mình.
Trước khi đưa con đi học bơi, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con trước, đến tham quan bể bơi, nói chuyện với con, cho con xem hình ảnh và clip về lớp học…. Việc thúc ép trẻ học ở độ tuổi mầm non thường không hiệu quả mà còn khiến trẻ sợ hãi.
Đối với các bé dưới 3 tuổi sẽ học bơi cùng bố mẹ, tỉ lệ giáo viên/ học sinh phù hợp là 1/8; với các bé 3-6 tuổi, tỉ lệ là 1 giáo viên/4-5 học sinh.
Một lưu ý quan trọng là cho dù các bé trên 3 tuổi có giáo viên hướng dẫn, bố mẹ vẫn không nên rời mắt khỏi con khi con đang ở dưới bể bơi. Cho dù bé đã thành thạo một hay nhiều kiểu bơi vẫn cần được phụ huynh giám sát tuyệt đối trong suốt thời gian bơi.
XEM THÊM
Cha mẹ cần làm gì để không còn lo con bị đuối nước?
Cha mẹ phải biết chú ý quan sát con lúc chơi đùa, đồng thời phải biết sơ cứu cơ bản để cứu con nếu vô ... |
Báo động tình trạng trẻ em chết đuối tăng cao dịp nghỉ hè
Trung bình mỗi ngày có 30 trẻ em chết do tai nạn thương tích, trong đó có hơn 10 trẻ em chết đuối. Vào hè, ... |
Ông bố xây bể bơi mini cho con gái tốn một triệu đồng
Anh Vũ (Phú Yên) tự thiết kế và xây bể bơi nhỏ, trang trí đẹp ở sau vườn dành tặng con mới 4 tháng. |
Top các bể bơi sạch, chất lượng đảm bảo bố mẹ có thể tham khảo cho con học bơi, chơi hè ở Hà Nội
Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người nghĩ ngay tới bể bơi để “hạ nhiệt” và giải tỏa mọi bí bách. Nếu đang cần tìm ... |