Giữa lúc kinh doanh ảm đạm, công ty của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang nhận được 130 triệu USD

Số tiền 130 triệu USD doanh nghiệp của ông Nguyễn Đăng Quang nhận được là do thắng kiện.

Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - công ty con do Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources) sở hữu 100% vốn điều lệ, vừa cho biết đã dàn xếp xong vụ kiện tại trọng tài quốc tế với Jacobs E&C Australia Pty Ltd - công ty con tại Australia của Tập đoàn Jacobs.

2808_mrmasan14316831298661447864975138

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích trên 720 ha. (Ảnh: MSG).

Vụ kiện liên quan kí kết và thực hiện hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 cho mục đích thiết kế, cung cấp thiết bị và quản lí thi công xây dựng dây chuyền chế biến khoáng sản của Dự án Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Dây chuyền chế biến này hoàn thành trong năm 2015 và 2016.

Do có tranh chấp, phía Núi Pháo đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore cuối tháng 9/2015.

Ngày 28/3, Hội đồng Trọng tài tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore ra phán quyết chấp thuận khoản bồi thường cho Núi Pháo phát sinh từ hành vi của Jacobs. Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét các yêu cầu về tiền lãi phát sinh và chi phí tố tụng trọng tài. Theo đó, Jacobs đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD cho Núi Pháo.

Masan Resources là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Masan, do tỉ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT. Hiện Masan đang nắm 95% vốn điều lệ tại công ty chuyên khai thác khoáng sản này.

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo nằm trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 1 tỉ USD.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-11 lúc 16

Masan Resource đang kinh doanh ảm đảm nửa đầu năm nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng, Núi Pháo đang là dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam, đồng thời giữ vị trí số 1 thế giới ngoài Trung Quốc, khi nắm giữ 36% thị phần vonfram, và mục tiêu của công ty là 50% vào năm 2020.

Năm 2018, công ty mua lại toàn bộ quyền sở hữu đối với nhà máy Chế biến hóa chất Vonfram (Nhà máy APT) của Công ty TNHH Vonfram Núi Pháo - H.C.Strarck, đổi tên thành Công ty TNHH Vonfram Masan, củng cố vị thế là nhà sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp hóa chất Vonfram.

Nửa đầu năm nay, Masan Resources ghi nhận doanh thu 2.690 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kì. Lãi sau thuế chỉ đạt 1,6 tỉ đồng, giảm đến 423 tỉ, tương ứng 99% so với cùng kì năm ngoái.

Giải thích về kết quả kinh doanh này, lãnh đạo Masan Resources cho biết do ảnh hưởng bởi giá bán vonfram giảm và tăng lượng hàng tồn kho đồng, vì công ty đang tìm giải pháp chế biến nội địa và nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến, tinh luyện đồng/vàng riêng.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.