Gò Công vừa lên thành phố của Tiền Giang được quy hoạch ra sao?

Thị xã Gò Công chính thức lên thành phố vào ngày 19/3 vừa qua. Cùng tìm hiểu những quy hoạch nổi bật ở thành phố thứ hai của Tiền Giang.

 Một góc TP Gò Công hiện nay. (Ảnh: Báo Ấp Bắc).

Được lên thành phố, là đô thị cửa ngõ kết nối vùng TP HCM

TP Gò Công nằm ở phía đông tỉnh Tiền Giang, cách TP HCM 60 km về phía nam, cách TP Mỹ Tho 35 km về phía đông. Thành phố có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 phường 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung, với diện tích gần 102 km2.

Ngày 19/3 vừa qua, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, Nghị quyết thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa.

Cùng với đó, sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Gò Công có tính chất là trung tâm kinh tế, hành chính văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục đào tạo của tỉnh Tiền Giang.

Đây cũng là đầu mối giao thông thủy - bộ quan trọng ở phía Đông Bắc của tỉnh, là đô thị cửa ngõ kết nối các tỉnh ĐBSCL với vùng TP HCM.

Định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng khu vực nội thị về phía các phường Long Hưng, Long Thuận, Long Chánh và Long Hòa. Phát triển bộ mặt đô thị mới hiện đại, mật độ cao tại khu vực đô thị tập trung.

Mở tuyết mặt nước mới từ sông Vàm Cỏ tới sông Tiền để phát triển du lịch, bất động sản 

 (Ảnh: Báo Ấp Bắc).

Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nằm trong hai trên tổng số 9 vùng công năng của tỉnh này, bao gồm vùng TP Gò Công và vùng kinh tế biển.

Theo đó, vùng TP Gò Công có quy mô khoảng 17.500 ha, phía bắc giáp sông Vàm Cỏ, phía nam giáp đường ven sông, phía tây giáp huyện Gò Công Tây, phía đông giáp đường ven biển.

Vùng có thể mở rộng, kết nối không gian mặt nước từ sông Vàm Cỏ tới sông Tiền tạo ra một tuyến mặt nước mới, phát triển du lịch, bất động sản, thương mại dịch vụ ven tuyến nước này. Khu vực hai bên mặt nước mới bố trí các không gian công cộng, phát triển xây dựng đô thị tập trung.

Vùng kinh tế biển là khu vực tiềm năng phát triển kinh tế biển gồm du lịch với lợi thế về địa kinh tế, du lịch, biển- thủy sản, cảnh quan đặc sắc phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, đô thị du lịch sinh thái cao cấp.

Vị trí địa kinh tế nằm cách TP HCM khoảng 50 km, Vũng Tàu 40 km, gần đường hàng hải quốc tế. Có Gò Công là hạt nhân trung tâm kinh tế, văn hóa - khoa học kỹ thuật vùng phía Đông của tỉnh Tiền Giang; có đường biển với cảng biển Vàm Láng, cảng Soài Rạp; sông Vàm Cỏ, sông Tiền ra biển ở cửa Đại, cửa Tiểu, cửa sông Soài Rạp là đường thủy ra biển Đông giao lưu quốc tế.

Quốc lộ 50 nối vùng với TP HCM và tỉnh Long An; trong tương lai có trục đường ven biển Tiền Giang nằm trong hệ thống đường ven biển Việt Nam. Vùng có quy mô khoảng 24.500 ha.

Về định hướng phát triển, việc nâng cấp QL 50, và tuyến đường ven biển mới sẽ được triển khai, kết nối từ TP HCM qua Long An - Tiền Giang - Bến Tre sẽ thay đổi hoàn toàn vai trò của khu vực Gò Công, nhất là Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông.

Định hướng đến năm 2030 phát triển khu vực này một vùng đô thị lớn ven biển, quy mô lớn khoảng 2.000 ha, đô thị nghỉ dưỡng, thông minh, đa chức năng nhằm đáp ứng cho việc phát triển du lịch biển.

Ngoài ra, phát triển công nghiệp, cảng, trung tâm logistic ở khu vực dọc sông Soài Rạp, kết hợp với định hướng xây dựng đô thị Vàm Láng thành đô thị công nghiệp, cảng, tạo ra một vị thế mới cho phát triển không gian kinh tế ven biển của tỉnh.

Nghiên cứu để khôi phục lại diện tích đất do biển xâm lấn khoảng 10.500 ha để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với sinh thái rừng ngập mặn ven biển nhằm nâng tầm du lịch của Tiền Giang đến sau năm 2030 và bảo vệ môi trường sinh thái.

Sẽ có tuyến vành đai ngoài rộng hơn 40 m

 Quốc lộ 50 là trục chính phát triển của TP Gò Công. (Ảnh tư liệu minh họa: Hải Quân).

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông TP Gò Công, Tiền Giang sẽ hát huy vai trò là tuyến giao thông đối ngoại và trục chính phát triển đô thị của tuyến QL 50. Cùng với đó, nghiên cứu hệ thống đường liên khu vực, đường vành đai nhằm định hướng phát triển mở rộng không gian đô thị.

Về giao thông đối ngoại, mạng lưới đường quy hoạch có dạng vành đai hướng tâm, hệ thống đường đối ngoại TP Gò Công bao gồm QL 50, ĐT 871, ĐT 871B, ĐT 871C, ĐT 873, ĐT 873B, ĐT 862, ĐT 877.

Về giao thông đô thị, quy hoạch hình thành mạng lưới giao thông liên kết các khu chức năng đô thị, kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại. Quy hoạch mới các tuyến đường khu vực, liên khu vực, trục chính theo hướng vành đai và xuyên tâm.

Riêng tuyến ĐH 97 được định hướng quy hoạch thành tuyến vành đai ngoài, định hướng nâng cấp lộ giới quy hoạch từ 16,5 m lên 43 m.

Thành phố cũng sẽ nâng cấp, cải tạo hai bến xe hiện tại là bến xe phường 4 và bến xe Long Hưng để đáp ứng nhu cầu của thị xã, bố trí quỹ đất dành cho bãi đỗ xe, đặc biệt tại các khu vực trung tâm và các khu vực công cộng có nhu cầu đỗ xe cục bộ lớn.

Về giao thông đường thủy, sông Vàm Cỏ đạt cấp đường thủy đặc biệt phục vụ giao thông đường thủy từ các tỉnh phía Nam ra TP HCM. Đoạn qua khu vực thành phố có chiều dài 18 km, chiều rộng 800 m, độ sâu bình quân 15 m.

Sông Gò Công đạt cấp đường thủy cấp IV. Tổng chiều dài 12 km, rộng 150 m phục vụ cung cấp nước tưới tiêu và giao thông thủy trong thị xã.

Cuối cùng, quy hoạch cảng trên sông Vàm Cỏ phục vụ phát triển khu công nghiệp Bình Đông và Cụm công nghiệp Mỹ Lợi.

Nói thêm về khu công nghiệp, trên địa bàn thành phố có duy nhất một khu công nghiệp là KCN Bình Đông, với diện tích dự kiến 212 ha.