Go-Viet chính thức áp dụng tính cước phí tăng cao vào giờ cao điểm tương tự Grab

Sau gần một năm có mặt tại Việt Nam, Go-Viet đã chính thức áp dụng cách tính cước tăng vào giờ cao điểm khi nhu cầu của khách hàng tăng cao. Hình thức này tương tự cách Grab đang triển khai.

Cùng lúc áp dụng chính sách thưởng mới khiến hàng trăm tài xế "đình công" phản đối, ứng dụng gọi xe Go-Viet cũng chính thức bắt đầu thu thêm cước vào giờ cao điểm, tương tự Grab.

Go-Viet tăng giá vào giờ cao điểm như cách của Grab

Theo thông báo của Go-Viet, từ ngày 18/7, hãng chính thức triển khai tính năng nhân giá tự động theo nhu cầu của khách hàng. Chính sách nhân giá này được áp dụng cho cả hai khu vực Hà Nội và TP HCM.

Thông tin cụ thể về chính sách, gồm thời điểm quy định nhân giá, mức giá được nâng cũng không được Go-Viet thông báo chi tiết.

IMG_6734

Go-Viet chính thức áp dụng chính sách tăng giá vào giờ cao điểm, tương tự Grab, bắt đầu từ ngày 18/7. (Ảnh: Phúc Minh).

Hãng chỉ cho biết giá trị đơn hàng sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, hệ số nhân giá sẽ được hiển thị tại màn hình ứng dụng.

Trong cuộc gặp gỡ các tài xế vào hôm qua, 18/7, đại diện ứng dụng gọi xe Go-Viet cũng cho biết chính sách nâng giá vào giờ cao điểm đã được khảo sát qua nhiều tài xế, và nhận được sự ủng hộ tích cực trước khi triển khai. 

"Theo chương trình mới, thu nhập thuần của đối tác tài xế sẽ tăng nhờ tính năng nhân giá theo nhu cầu. Cách tính mới này được thực hiện dựa trên thuật toán, giúp hỗ trợ thu nhập ổn định cho tài xế", đại diện bộ phận phát triển đối tác của Go-Viet cho biết.

Như vậy, với chính sách nâng giá vào giờ cao điểm và theo nhu cầu tăng cao, Go-Viet đang đi tương tự như cách của Grab, dù thời điểm ra mắt, ứng dụng này cam kết không tăng giá giờ cao điểm. 

Cụ thể, ngoài các thời điểm tăng giá cố định đầu ngày hoặc tan tầm mỗi ngày, giá cước mỗi chuyến đi sẽ được nâng lên do nhu cầu đặt xe nhiều, kẹt đường, thì những tình huống khách hàng phải trả thêm phí cao hơn là vừa lúc xuống tàu xe, sân bay, ra khỏi một trung tâm tổ chức sự kiện… Nguyên nhân là cùng một thời điểm, có nhiều khách cùng sử dụng ứng dụng để gọi xe.

"Tôi chọn Go-Viet vì hãng này vốn có mức giá rẻ, ngay từ khi ra mắt vào năm ngoái. Đặc biệt là không tăng giá giờ cao điểm. Nhưng giờ hãng lại đi theo hướng tăng giá thì có thể tôi sẽ chọn ứng dụng khác", chị Minh Như (nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM), cho biết.

Còn nhớ, ở thời điểm ra mắt vào tháng 8 năm ngoái tại TP HCM, Go-Viet rầm rộ thu hút một lượng lớn khách hàng với mức giá thấp hơn nhiều so với Grab và khuyến mãi chuyến đi đồng giá 5.000 đồng. 

67264377_123217362268578_4511467084038799360_n

Tài xế Go-Viet đồng loạt phản đối chính sách thưởng của hãng. (Ảnh: A.Khoa).

Khuyến mãi kết thúc, hãng cũng có dấu hiệu "hụt hơi" khi bắt đầu tăng cước dịch vụ Go-Bike, và chính thức thu thêm cước vào giờ cao điểm, nhu cầu đông từ ngày 18/7.

Tài xế phản đối vì chính sách thưởng ngày càng eo hẹp, quá giới hạn chịu đựng

Không riêng khách hàng sẽ "chịu thiệt" vì chính sách tính cước mới của Go-Viet, đối tác tài xế cũng đã lên tiếng phản đối trước quy định mới về chính sách thưởng. Sau gần một năm "yên ấm", ngày 18/7, hàng trăm tài xế đã quyết định tắt ứng dụng, tập trung trước trụ sở hãng, diễu hành trên nhiều tuyến đường để phản đối chính sách thưởng được cho là rất khó thực hiện.

Cụ thể, theo quy định mới áp dụng từ ngày 18/7, với các mốc điểm 40-64-80, tài xế sẽ nhận được tiền thưởng tương ứng 40.000-120.000-240.000 đồng. Trong khi đó, chính sách thưởng cũ quy định hồi tháng 3/2019, tương ứng các mốc điểm 10-18-28, tài xế sẽ nhận được tiền thưởng: 30.000-90.000-180.000 đồng.

Theo đó, tức cùng một cuốc chạy thì số điểm thưởng ở cách tính mới được tăng gấp 2, tùy vào thời điểm hoàn thành đơn hàng. 

Tuy nhiên, theo các tài xế, việc điều chỉnh tăng mốc thưởng này là rất "sốc" so với các hãng còn lại đang có trên thị trường, để đạt được điểm thưởng còn… khó hơn lên trời.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-18 lúc 23

Chính sách thưởng mới của Go-Viet với các mốc điểm tăng gấp đôi khiến tài xế bức xúc. (Ảnh: TechBike).

"Khách hàng book Go -Viet ngày càng ít đi so với trước đây, nhưng hãng lại thay đổi chính sách thưởng, buộc tài xế phải chạy nhiều hơn, thậm chí chạy cả ngày cũng không thể đạt được mốc thưởng tối đa, tức 240.000 đồng. Trong khi đó, thực tế, số tiền thưởng lại không quá chênh lệch so chính sách cũ", tài xế Duy Đạt bức xúc.

Theo các tài xế, việc họ tắt ứng dụng, "xuống đường" đình công vào ngày 18/7 là hành động "không thể chịu đựng được nữa", trước những liên tiếp thay đổi khiến tài xế bức xúc.

Cụ thể, Go -Viet áp dụng mức thưởng rất  tốt ở thời điểm ra mắt để thu hút tài xế. Tuy nhiên, sau đó hãng cắt dần số tiền thưởng. Tháng 3/2019, hãng chính thức thu chiết khấu sau nửa năm miễn phí cho tài xế, và mới nhất là thay đổi chính sách thưởng mà tài xế khẳng định là không thể nào thực hiện được.

"Thật ra, chúng tôi cũng biết được Go-Viet sẽ không thể giữ mãi mức ưu đãi hấp dẫn như ban đầu. Tuy nhiên, việc hãng thay đổi nhanh chóng như vậy khiến chúng tôi rất sốc", anh Hồng Phong - một đối tác của hãng bức xúc.

Với những thay đổi gần đây về cách tính cước, cắt thưởng, tăng giá vào giờ cao điểm và nâng gấp đôi các mốc điểm thưởng, nhiều ý kiến cho rằng Go-Viet đang "hụt hơi" trong cuộc chiến xe công nghệ.