Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để tôn vinh những nhà báo đã vất vả cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp vì nghề báo - một nghề có thể gặp nguy hiểm và thậm chí có thể đối diện với những tình huống đe dọa đến tính mạng.
Dưới đây là những mẫu bài phát biểu nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 hay và ý nghĩa nhất mà bạn có thể tham khảo:
Thưa các đồng chí Ban Bí thư,
Thưa các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ,
Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên.
Hôm nay, tôi rất vui mừng dự buổi gặp mặt các nhà báo nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời cảm ơn chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các đồng chí đang có mặt tại đây và tất cả các nhà báo lão thành, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, người lao động đang làm việc trong các cơ quan báo chí của Việt Nam ở trong nước và ngoài nước.
Kính thưa các đồng chí!
Lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bác Hồ, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, là cầu nối thể hiện ý Đảng, lòng dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là công cụ “phò chính trừ tà”. Đối với người làm báo cách mạng, Bác cũng khẳng định, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, do đó “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Chính vì vậy, sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả.
Lịch sử các cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc đã ghi dấu chân hàng nghìn nhà báo vào chiến trường với hành trang của lòng yêu nước, của tinh thần cách mạng, của sự mưu trí, dũng cảm của người lính trên mặt trận báo chí để thông tin kịp thời, chính xác về cuộc chiến, về niềm tin, niềm tự hào dân tộc, niềm hy vọng chiến thắng, thống nhất đất nước đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Và hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường và nhiều người vẫn đang nằm lại trên khắp mọi miền của Tổ quốc chúng ta. Lịch sử sẽ mãi mãi không bao giờ quên công lao to lớn và sự hy sinh cả cuộc đời của các anh, các chị. Nhân dịp này, chúng ta thành kính tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân, biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đến các liệt sĩ, nhà báo đã hy sinh và đến các thế hệ nhà báo đã cống hiến hết mình vì đất nước, vì sự nghiệp của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thời kỳ nào cũng vậy, các nhà báo luôn là những chiến sĩ dũng cảm trên tất cả các mặt trận. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh các nhà báo tác nghiệp quên mình trong phòng, chống tội phạm, thiên tai, bão lũ, những điểm nóng ở mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt trong thời gian vừa qua là những chiến sĩ báo chí giữa tâm dịch COVID-19 để thông tin kịp thời, chính xác tình hình đến công chúng. Chúng ta tự hào và khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Kính thưa các đồng chí,
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu hết mình vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối truyền tải, thông tin giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tôi ví dụ mang tính hình tượng, tại đầu cầu phía Chính phủ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh”; với tinh thần phát triển nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là quyết định, dựa trên 3 trụ cột chính là phát huy giá trị con người Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời lấy ngoại lực là quan trọng đột phá. Đầu cầu phía nhân dân muốn Chính phủ liêm chính, hành động, hiệu quả, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Các cơ quan báo chí sẽ là cầu nối truyền cảm hứng, tạo niềm tin để nhân dân hiểu về tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, hành động của Chính phủ để nhân dân cổ vũ, động viên, hưởng ứng những việc Chính phủ đang làm tốt, chia sẻ với khó khăn của Chính phủ và góp ý, phản biện những khó khăn, tồn tại, vướng mắc để Chính phủ phân tích, lắng nghe và tiếp thu trong việc ban hành, thực thi và giám sát chính sách trong cuộc sống.
Ở chiều ngược lại, báo chí sẽ phản ánh nguyện vọng, mong muốn, những việc hài lòng, không hài lòng của nhân dân với Chính phủ để Chính phủ có những phản ứng, điều chỉnh chính sách kịp thời, hiệu quả, khả thi và sát tình hình thực tế. Báo chí phản ánh chân thực cuộc sống để chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn và hiệu quả thực tế làm thước đo.
Hoặc báo chí cũng phản ánh quan điểm, hành động của Chính phủ trong điều hành và xây dựng nền hành pháp trên nguyên tắc Chính phủ không làm thay, tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương, Chính phủ không làm thay những việc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, xác định rõ, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực… để nhân dân yên tâm và từ đó tăng cường nhận thức, định hình hành vi ứng xử, duy trì trật tự trong xã hội đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Điều đó góp phần tránh được phiền hà, nhũng nhiễu, tránh khiếu kiện vượt cấp vượt quyền, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của cán bộ với nhân dân, lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân là trung tâm cải cách, thực thi và vận hành nền hành pháp, tạo sự đồng thuận, củng cố và tăng cường niềm tin nhân dân với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ.
Như vậy, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng, kết nối giữa Chính phủ và nhân dân, lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
Các nhà báo là chiến sĩ với ngòi bút, trí tuệ sắc bén đã truyền tải chủ trương định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tới công chúng một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang làm rất tốt vai trò đó. Tôi thật sự cảm phục về trí tuệ, tinh thần làm việc của các nhà báo, của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong mỗi tác phẩm đều thể hiện niềm tin với Đảng, với nhà nước và sự say mê nghề nghiệp, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước, phụng sự nhân dân.
Kính thưa các đồng chí,
Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhiều mặt, trong đó có thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước đang quyết tâm để ngăn chặn đại dịch, trong đó chú trọng chiến lược vắc xin để tiêm miễn phí đến toàn dân hằng năm, tạo miễn dịch cộng đồng để sớm phục hồi kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ sẽ thường xuyên đánh giá, dự báo tình hình trong nước và quốc tế để xây dựng, triển khai kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả. Nhân dịp này, tôi cũng mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ và hành động của các cơ quan báo chí trên cơ sở phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân để thực hiện được mục tiêu chung.
Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức, đánh giá cao và sẽ nghiên cứu có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phạm vi, quyền hạn của Chính phủ. Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà báo để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hiểu dân và gần dân, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân. Các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí là chính đáng, xuất phát từ thực tiễn; Chính phủ ghi nhận và sẽ nghiên cứu xem xét nghiêm túc để đưa ra các quyết định cụ thể, phù hợp.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, một lần nữa, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và may mắn nhất đến toàn thể các đồng chí và gia đình. Qua các đồng chí có mặt ngày hôm nay, tôi trân trọng gửi đến toàn thể đội ngũ những người làm báo lời tri ân sâu sắc và những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí thành công trong cuộc sống cũng như trong công tác.
Xin trân trọng cảm ơn.
Kính thưa các nhà báo lão thành,
Các đồng chí đại biểu, các nhà báo đang công tác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh!
Hôm nay, chúng ta vui mừng dự Lễ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu, các nhà báo lão thành và đội ngũ những người làm báo Thành phố Hồ Chí Minh sự trân trọng, tình cảm thân thiết và lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Thưa các các đồng chí và các nhà báo,
Buổi lễ năm nay được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa sâu sắc: chúng đã tổ chức kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023), 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2023).
Là những người con của thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tròn 48 năm giải phóng, trong buổi lễ này, mỗi người làm báo chúng ta lại càng nhớ Bác, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Ðảng, dân tộc ta, một nhà báo cách mạng vĩ đại và cũng là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp cách mạng của Bác cũng khởi đầu bằng những tác phẩm báo chí. Năm 1917, tức 6 năm sau ngày rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu học viết báo, làm báo tại Pháp. Năm 1921, Bác lúc này lấy tên là Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà yêu nước thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa để rồi sau đó một năm, năm 1922 lập ra tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội. Số báo đầu tiên của Le Paria ra ngày 1 tháng 4 năm 1922 và Nguyễn Ái Quốc trở thành nhân vật nòng cốt của tờ báo này: vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên kiêm tổ chức, quản lý, phát hành với 38 bài viết của Người cho báo này. Có lúc Bác phải lấy tiền túi của mình để in và phát hành báo, gửi về trong nước tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Đúng ngày này 98 năm trước, ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, kiêm viết báo và phát hành ra số đầu tiên. Dưới sự dìu dắt, lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, báo Thanh Niên và lớp lớp thế hệ các nhà báo vô sản đầu tiên đã dũng cảm, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tạo bước khởi đầu rất quan trọng về mặt tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, góp phần tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân để nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lực lượng nòng cốt là Việt Minh đã nổi dậy, làm nên cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại giành và giữ độc lập dân tộc, nhiều thế hệ nhà báo không ngại gian khổ, hy sinh, trực tiếp có mặt ở tuyến đầu khói lửa, nếm mật nằm gai ở chiến khu bưng biền, phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu, cổ vũ quân và dân ta đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, những tờ báo bí mật của cách mạng len lỏi giữa Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã góp sức làm nên Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, báo chí cả nước tiếp tục thực hiện xuất sắc vai trò, đưa đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới đến với các tầng lớp nhân dân đến ở mọi miền đất nước; phản ánh thực tiễn phong phú, sáng tạo của từng địa phương, từng ngành, chỉ ra các khó khăn, bất hợp lý trong đời sống kinh tế - xã hội cần phải được nghe, quan tâm thực sự, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc về kinh tế - xã hội, tháo gỡ điểm nghẽn, cổ vũ, động viên những điển hình sáng tạo dám nghĩ, dám làm, hiệu quả cao.
Thưa các đồng chí và các nhà báo,
Sinh thời, suốt 52 năm (1917-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo. Người đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại được ký bằng 174 tên gọi, bút danh, bí danh, là Người đồng sáng lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) tại Pháp vào năm 1921, là chủ bút đầu tiên báo Thanh niên ra số đầu tiên 21/6/1925.
Bác Hồ luôn dành sự quan tâm, bồi dưỡng các thế hệ phóng viên, nhà báo cách mạng Việt Nam. Nói về mục tiêu của báo chí cách mạng, Bác đã phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II tháng 4/1959: “Về nội dung viết, các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài, đó là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó”.
Bác cũng dạy chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề mọi người bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã thống nhất ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do dân chủ hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc của Nhân dân tức là không phải chân lý.
Bác cũng dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Với các cơ quan báo chí Bác cũng dạy phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng những việc khác mới đúng được. Cho nên, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng.
Năm 1965, trong bức điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Với các nhà báo trong nước, Bác nhắc nhở: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén. Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp trong phò chính, trừ tà”.
52 năm cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thưa các đồng chí và các nhà báo,
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm báo của Người, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo thành phố hôm nay, đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi "đầu sóng", "ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; hăng hái thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội; bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các tiêu cực phức tạp, các vụ án tham nhũng. Đã có nhiều bài viết của báo chí thành phố mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực, đã đạt giải cao trong các Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, về thông tin đối ngoại… Giải báo chí Thành phố Hồ Chí Minh qua 38 lần tổ chức cũng đã góp phần ghi nhận, tôn vinh nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, phản ánh hơi thở xã hội, những trăn trở và hiến kế của Nhân dân trước những vấn đề thời sự của thành phố và cả nước.
Những năm qua, Đảng bộ và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo nhiều điều kiện, cơ chế để báo chí thành phố phát triển, thực hiện hai chức năng là cơ quan ngôn luận của các cơ quan thành phố và là diễn đàn của Nhân dân thành phố. Năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1 tháng 12 năm 2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ 4 nguồn thông tin, trong đó thông tin từ báo chí là 01 nguồn quan trọng. Năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy có Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 07 tháng 5 năm 2019 về tăng cường công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Kế hoạch số 305-KH/TU ngày 29 tháng 8 năm 2019 về khảo sát, tiếp nhận ý kiến của Nhân dân góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước. Ngày 5/5/2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Báo chí đầu tiên của cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ thành phố, sự ủng hộ đón nhận của Nhân dân thành phố, báo chí cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định bản sắc báo chí Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là giàu tính chiến đấu, tính phản biện, đồng thời rất nhân văn, sáng tạo, nỗ lực vượt khó để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng. Chính những bản sắc đó, nhiều tờ báo của thành phố đã giữ vị thế hàng đầu cả nước về chất lượng tin bài và số lượng độc giả. Chất lượng đội ngũ người làm báo cách mạng của thành phố tiếp tục được khẳng định, không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Ðảng ta. Chúng ta vui mừng trước sự trưởng thành và vững vàng của đội ngũ báo chí cách mạng thành phố mang tên Bác hôm nay.
Thay mặt Đảng bộ và Chính quyền thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những đóng góp quan trọng của báo chí Thành phố Hồ Chí Minh; và qua các đồng chí, gửi lời cảm ơn chân thành, chúc mừng nồng nhiệt nhất tới đông đảo đội ngũ những người làm báo cách mạng thành phố nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Thưa các nhà báo và các đồng chí,
Tự hào với truyền thống và bản sắc của báo chí cách mạng thành phố, nhớ về những ngày gian khổ, tấm gương làm báo của Bác Hồ và những nhà báo cách mạng tiền bối, chúng ta càng nhận thức vai trò, trách nhiệm của báo chí thành phố với sự phát triển vững bền của thành phố cùng cả nước hôm nay và mai sau.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đang bước vào giai đoạn mới. Bên cạnh những sức mạnh của dân tộc và cơ hội quốc tế to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế giới và khu vực đang trải qua thời kỳ nhiều biến động mạnh, nhanh chóng, phức tạp khó lường về an ninh chính trị, về kinh tế, về xã hội; những tác động chưa từng có do đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, tác động mạnh mẽ đến đất nước ta và thành phố của chúng ta. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống.
So với 100 năm trước, quan hệ giữa báo chí và người dân đã thay đổi căn bản. Từ chỗ 90% người dân Việt Nam không biết chữ, báo phải mất tiền mua, số báo phát hành không quá hai bàn tay thì ngày nay, báo mạng có thể đến 95% người dân, không mất tiền, 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày trong 1 năm.
Bối cảnh trên đặt ra cho báo chí thành phố những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp với các cơ quan của Đảng, chính quyền, Hội Nhà báo TP, các cơ sở đào tạo tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo thành phố. Những người làm báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh và nhân bản của người làm báo.
Với lực lượng lớn mạnh, báo chí thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện, cổ vũ những gương điển hình tập thể, cá nhân người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố và vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, khí phách và niềm tin của người Việt Nam.
Thưa các đồng chí và các nhà báo,
Phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng, đội ngũ nhà báo thành phố hôm nay, bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là đầu tàu, vì cả nước, cùng cả nước.
Xin gửi đến các nhà báo lão thành mong muốn, các nhà báo lão thành tiếp tục cống hiến, trao truyền kinh nghiệm, nhiệt huyết nghề báo cho đội ngũ làm báo hôm nay.
Xin gửi tới các đồng chí đại biểu, các nhà báo lão thành và toàn thể người làm báo thành phố lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã 98 tuổi. Cách mạng là ở chỗ tiên phong, đi đầu. Báo chí đã luôn như vậy và sẽ phải càng như vậy khi đất nước đang muốn tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chỉ còn chưa tới 25 năm nữa để bứt phá vươn lên trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí truyền thông. Nói cho người dân biết, người dân hiểu, người dân tham gia và người dân làm. Đưa cuộc sống vào chính sách và đưa chính sách tới cuộc sống. Đó là những gì mà làng báo chúng ta phải luôn tâm niệm.
Trong thời gian chống dịch COVID-19, nguồn thu báo chí bị ảnh hưởng rất mạnh, nhưng anh em phóng viên vẫn luôn là người ở tuyến đầu. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ luôn là nguồn động viên vô giá đối với báo chí nước nhà để anh em lúc nào cũng sẵn sàng ở tuyến đầu.
Lực lượng báo chí là 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí. Đây là lực lượng hùng hậu của báo chí truyền thông nước nhà.
Báo chí đã thực hiện xong phần sắp xếp của Quy hoạch báo chí. Đó là và việc xây dựng các cơ quan Báo chí lớn mạnh, nhà nước phải tập trung nguồn lực vào đây, vì có lớn mạnh thì mới chuyên nghiệp, mới định hướng, dẫn dắt được dư luận. Và đặc biệt là chiến lược chuyển đổi số báo chí với định hướng là xây dựng các nền tảng số dùng chung cho báo chí, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng, sự chuyển đổi từ đưa tin ai, làm gì, ở đâu và khi nào thành phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn, góc nhìn toàn diện hơn, kể câu chuyện sinh động và thú vị hơn, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Và đây là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí.
Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp, nhất là năm 2018. Nhưng báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình. Vì chỉ có mình thì mới làm sạch được chính mình. Quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm các phóng viên vi phạm, đã đình bản cả tờ báo nếu vi phạm nghiêm trọng, đã thay đổi quy định để có thể đình bản đến 12 tháng. Đã có công cụ đo lường, giám sát hàng ngàn cơ quan Báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí. Niềm tin của xã hội vào báo chí đang ngày một tăng lên.
Sứ mệnh của báo chí là thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Là khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Là lan tỏa năng lượng tích cực. Lấy cái tốt dẹp cái xấu. Những năm gần đây, báo chí đã làm được nhiều hơn theo hướng này. Và sẽ làm nhiều hơn nữa để tạo thành sức mạnh tinh thần cho cả dân tộc bứt phá vươn lên.
Nhưng vẫn còn đó những tồn tại của báo chí, như cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý cơ quan Báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích, báo hoá tạp chí, cơ quan đại diện tràn lan tại các tỉnh và thiếu quản lý, liên kết có xu thế tư nhân hoá, sách nhiễu doanh nghiệp, v.v...
Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí, thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng, là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN). Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của NSNN. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương tăng thêm đặt hàng tin bài để chi thường xuyên cho báo chí chiếm khoảng 0,65% chi thường xuyên của ngân sách. Đặc biệt, một số cơ quan Báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Chính phủ đã ký chủ trương tăng đặt hàng báo chí cho giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ mức bổ sung cụ thể cho báo chí. Làm được việc này thì mới giữ được báo chí cách mạng phát triển đúng hướng, xứng tầm nhiệm vụ và không trở thành báo chí thị trường. Một số cơ quan báo chí lớn chưa có hoặc có rất ít đặt hàng từ ngân sách thì cũng chỉ mong muốn nhà nước đặt hàng được khoảng 10 - 30%, còn lại 70 - 90% thì anh em tự bươn trải trên thị trường.
Nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan Báo chí nước nhà cũng đã giảm đi gần 3 lần, chỉ còn lại khoảng 35% so với trước đây, phần còn lại là rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google. Các nền tảng này đang không đóng thuế, không tuân thủ luật pháp về nội dung, về quảng cáo, vi phạm bản quyền báo chí. Các nghị định đang sửa đổi sẽ đưa các nền tảng này vào hoạt động theo luật pháp, nhằm không bảo hộ ngược, để báo chí truyền thông trong nước và nước ngoài phải cùng một mặt bằng quản lý nhà nước.
Thí điểm mô hình tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện theo hướng trong một tổ hợp có nhiều tờ báo. Thí dụ TP HCM hiện đang có 5 tờ báo, 1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh thì sẽ nằm trong 1 tổ hợp, là một đơn vị sự nghiệp nhưng có nhiều báo đài. Đây cũng là hướng đi để hình thành các cơ quan báo chí chủ lực của nước nhà. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu và đề xuất trong năm nay.
Ngày báo chí cách mạng anh em làm báo luôn cảm nhận được tình cảm mà Đảng, Nhà nước và xã hội dành cho mình, nhưng cũng cảm nhận được trách nhiệm nặng nề và rất đặc biệt của mình. Mỗi năm lại là những thách thức mới, kiên định với sứ mệnh, mục tiêu và những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, nhưng báo chí phải thay đổi, nhất là sự di chuyển nhanh chóng lên môi trường mạng, lên không gian mạng. Trong thế giới thực thì báo chí là dòng chủ lưu, vậy trên không gian mạng báo chí cũng phải là dòng chủ lưu. Chúc chúng ta có nhận thức mới, cách tiếp cận mới và năng lượng mới để báo chí cách mạng thì phải thật cách mạng trên không gian mạng.