Gojek thâu tóm WePay giúp thêm sức mạnh giành thị phần với Grab

Việc thâu tóm WePay sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Gojek trong chặng đua giành thị phần với Grab, đồng thời xóa tan tin đồn về khả năng sáp nhập giữa hai "kì lân" gọi xe.

Âm thầm thâu tóm ví điện tử WePay

Hồi tháng 7/2020, Gojek chính thức tuyên bố hợp nhất thương hiệu hoạt động tại Đông Nam Á, đồng thời xóa những cái tên GoViet (Việt Nam) và GET (Thái Lan). Chưa đầy một tháng sau đó, việc hợp nhất tại Việt Nam cơ bản đã hoàn tất.

Trong buổi lễ ra mắt ứng dụng mới tại thị trường Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức, tân CEO của Gojek Việt Nam thông báo ứng dụng gọi xe công nghệ sẽ sớm phát triển thanh toán trực tuyến. Trước hợp nhất, gần như GoViet là ứng dụng gọi xe lớn duy nhất vẫn chỉ hỗ trợ thanh toán tiền mặt.

Việc nhận đầu tư hàng tỉ USD từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Tencent hay Paypal đã tiếp một nguồn vốn lớn cho "kì lân" Indonesia. Vì thế, sau khi hợp nhất thương hiệu, Gojek Việt Nam gần như ngay lập tức thâu tóm ví điện tử WePay của VCCorp, qua đó mở đường để hỗ trợ khách hàng thanh toán phi tiền mặt.

Cách đây hơn 1 tháng, Ngân hàng đầu tư China Renaissance đã công bố báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ, nhấn mạnh rằng ví điện tử có thể giúp Grab và Gojek có lãi. 

Thâu tóm WePay như một lời phủ nhận sáp nhập với Grab của Gojek - Ảnh 1.

Gojek hiện đã nắm phần lớn cổ phần tại WePay. (Ảnh: WePay).

Vào năm 2019, Gojek đã đặt mục tiêu có lãi ở hai mảng giao đồ ăn và ví điện tử, theo KrAsia. Mảng kinh doanh cốt lõi là gọi xe cũng chỉ chiếm 25% (GMV) tổng giá trị giao dịch của công ty và được kì vọng hòa vốn.

Vì thế, có thể việc mua một ví điện tử đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam nằm trong kế hoạch dài hạn của Gojek, chứ không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng thanh toán phi tiền mặt.

Theo Cổng thông tin đăng kí doanh nghiệp quốc gia, đại diện pháp luật của WePay đã chuyển từ ông Nguyễn Thế Tân (CEO VCCorp - công ty mẹ của WePay trước đây) sang ông Phùng Tuấn Đức (CEO Gojek Việt Nam) và ông Pablo Malay  từ ngày 19/8.

Tại sao là WePay?

Ngân hàng Nhà nước thông báo WePay là một trong những tổ chức phi ngân hàng đầu tiên có giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán vào năm 2016. Sau 4 năm hoạt động, công ty tuyên bố hỗ trợ 4 tổ chức thẻ quốc tế, 24 ngân hàng nội địa và hơn 1.000 nhà cung cấp.

Đây không phải là một con số ấn tượng, khi so sánh nó với dữ liệu của các đối thủ trong ngành. Mới đây một ví điện tử "sinh sau đẻ muộn" như SmartPay cũng tuyên bố họ đã đạt mốc 100.000 điểm chấp nhận thanh toán (cung cấp) sau 1 năm thành lập. Và trên các báo cáo ngành, SmartPay cũng không phải là ví điện tử dẫn đầu thị trường Việt về các chỉ số thị phần.

Trên kho ứng dụng CH Play của Google, WePay cũng mới có hơn 100.000 lượt tải. Đây là một trong những con số khiêm tốn khi so với những ví điện tử như Momo hay ZaloPay. 

Ví dụ về những ví điện tử đang thành công là WeChat Pay và AliPay, khi cả hai đã tận dụng rất tốt hệ sinh thái của WeChat và Alibaba. Ở thị trường trong nước, ZaloPay có sự hậu thuẫn từ hệ sinh thái của VNG, trong khi Moca nhanh chóng bắt tay với Grab để mở rộng. Ngược lại, dù từng có sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của VCCorp, nhưng WePay lại chưa thể bật lên.

Từ năm tài chính trọn vẹn đầu tiên (2017) tới nay, lợi nhuận gộp của WePay đều ở mức âm. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp không phải là chỉ số tốt để đánh giá tình hình kinh doanh của một ví điện tử, bởi thời gian đầu hay thậm chí tới thời điểm hiện tại, hầu hết ví điện tử đều chưa thể báo lãi.

Về doanh thu thuần, dẫu tốc độ tăng trưởng của WePay đạt 403% (năm 2018) và 83% (năm 2019) nhưng với qui mô thấp, công ty chỉ thu về vài tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm 2019. Vì thế, nhiều khả năng Gojek đã thỏa thuận một mức giá tốt với người bán, thay vì lựa chọn một ví điện tử đang kinh doanh tốt hơn.

Ngoài ra, việc Gojek mua lại WePay có thể là động thái "hồi sinh" một trong những ví điện tử đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Gia nhập hệ sinh thái của Gojek, WePay có cơ sở để tin vào cơ hội tiếp tục tăng trưởng nóng trong thời gian kế tiếp.

Một trong những ví dụ để so sánh là ví điện tử Moca. Sau khi bắt tay với Grab vào năm 2018, doanh thu thuần của Moca đã bất ngờ tăng gấp hàng chục lần trong năm tài chính kế tiếp. Sau đó Moca cũng liên tục lọt nhóm các ví điện tử có thị phần lớn tại Việt Nam.

Tham vọng của Gojek

Thời gian qua, nhiều tin đồn cho thấy Grab và Gojek đang có ý định sáp nhập, hoặc ít nhất là các nhà đầu tư của hai "kì lân" muốn một kế hoạch sáp nhập trong bối cảnh cả hai đang vẫn chưa báo lãi sau khi tiêu tốn hàng tỉ USD vốn từ các cổ đông.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc beGroup, sáp nhập là viễn cảnh hoàn toàn khả thi nếu như hai bên tận dụng tốt lợi thế của nhau. Tuy nhiên, có lẽ thâu tóm WePay là hành động phủ nhận những tin đồn sáp nhập giữa Grab và Gojek trong thời gian qua khi mô hình và dịch vụ Gojek và Grab đang không khác nhau nhiều.

Thâu tóm WePay như một lời phủ nhận sáp nhập với Grab của Gojek - Ảnh 2.

Việc tích hợp với Moca của Grab có thể là một ví dụ tiêu biểu để Gojek có thể tham khảo sau khi thâu tóm WePay. (Ảnh: Nikkei)

Ở Philippines, Gojek cũng mua lại ví điện tử Coin.ph, động thái thể hiện tham vọng nâng cao số thị trường hoạt động lên con số 5, bên cạnh Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Do đó việc sáp nhập trong tương lai gần là viễn cảnh tương đối khó xảy ra, khi một rào cản nữa xuất hiện: Phân công điều hành theo từng mảng hậu sáp nhập.

Trong trường hợp ngược lại, nếu Gojek và Grab vẫn tiếp tục ở hai đầu chiến tuyến thay vì về chung một nhà, thị trường gọi xe Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động mạnh cả hai đều là những doanh nghiệp đầu ngành.

"Cạnh tranh là động lực để các công ty cung cấp dịch vụ ngày càng hoàn thiện bản thân và mang lại nhiều giá trị cho khách hàng hơn. Nếu cạnh tranh biến mất, giá trị dịch vụ cũng sẽ không còn và cuối cùng, tài xế và khách hàng lại là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, một khi sự độc quyền lên ngôi và quyết định tất cả", bà Hoàng Phương chia sẻ trong một thông cáo báo chí gần đây.

Đối với riêng Gojek, hãng gọi xe gốc Indonesia cần tăng cường tính cạnh tranh hơn nữa tại các thị trường nước ngoài. Ngoài đối thủ chính Grab, Gojek còn vấp phải những đối thủ bản địa hoặc "kì lân" đáng gờm khác ở thị trường Việt Nam là là be, FastGo (gọi xe); Now, Baemin, Loship (giao đồ ăn); Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, Viettel Post (giao hàng).

chọn
Cận cảnh lô đất vàng quy hoạch cho Vietcombank ở khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngân hàng Vietcombank sở hữu mảnh đất khoảng 5.054 m2 để xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc ở khu đô thị mới Cầu Giấy.