Asian Nikkei Review đưa tin Ngân hàng MUFG của Nhật Bản sẽ đầu tư tới 80 tỉ yên (727 triệu USD) vào startup kì lân có trụ sở tại Singapore, Grab. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được các bên liên quan xác nhận.
Hai công ty sẽ hợp tác nhằm tăng trưởng mạnh hơn nữa ở Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ mới như cho vay và bảo hiểm, thông qua siêu ứng dụng của Grab trên điện thoại thông minh.
MUFG và Grab sẽ chính thức công bố thỏa thuận trong thời gian sớm. Nguồn tin của Asian Nikkei Review khẳng định, MUFG sẽ hoàn thành khoản đầu tư của mình vào giữa năm nay, và nắm giữ "vài phần trăm" cổ phần.
Trước đó, dù SoftBank Group là một cổ đông lớn trong Grab, nhưng giờ đây MUFG sẽ sở hữu miếng bánh lớn nhất trong số các tổ chức tài chính đầu tư vào nền tảng đa dịch vụ này.
Đổi lại khoản đầu tư của mình, MUFG, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản, sẽ nhận được sự giúp đỡ trong việc phát triển một "siêu ứng dụng" mà thông qua đó, họ sẽ có thể cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ hàng ngày. MUFG sẽ giám sát các khoản vay cá nhân và dịch vụ bảo hiểm của ứng dụng, trong khi Grab sẽ sử dụng dữ liệu của mình theo sở thích của khách hàng.
Các đối tác sẽ sử dụng dữ liệu để đề xuất các khoản vay phù hợp với từng khách hàng cụ thể.
Sau thương vụ, với trị giá ước tính 14 tỉ USD, Grab là một trong những kì lân lớn nhất Đông Nam Á, và góp mặt trong danh sách các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá hơn 1 tỉ USD. Nền tảng này hiện đang hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á với hơn 170 triệu người dùng.
Grab đã cung cấp dịch vụ thanh toán từ rất lâu, nhưng để xử lí các dịch vụ tài chính như cho vay, công ty cần có khả năng sàng lọc uy tín tín dụng của người vay và thu nợ. MUFG sẽ cho mượn các kĩ năng của mình trong các lĩnh vực này, và giúp đàm phán với các cơ quan tài chính ở nhiều nước châu Á.
MUFG coi Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Ngân hàng Nhật Bản năm 2013 đã mua Ngân hàng Ayudhya Public Co. của Thái Lan, được biết đến với tên Krungsri, vào năm 2013. "Ông lớn" trong ngành tài chính đất nước mặt trời mọc còn đầu tư vào các ngân hàng địa phương tại Việt Nam, Philippines và các nơi khác.
Năm ngoái, công ty này đã mua lại Ngân hàng Danamon của Indonesia, biến nền tảng cho vay trung gian này thành một công ty con độc lập.
Đổi trục sang Đông Nam Á đang là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Riêng lĩnh vực tài chính, nền tảng cho chiến lược này đến từ thực trạng vẫn còn nhiều người Đông Nam Á vẫn không được tiếp cận dịch vụ một cách bình đẳng. Chỉ có 50% người Indonesia có tài khoản ngân hàng, trong khi ở các nước như Việt Nam và Philippines, tỉ lệ này là gần 30%.
Còn ở quê nhà Nhật Bản, gần như 100% người dân đều có tài khoản ngân hàng khiến thị trường tài chính cá nhân dường như bão hoà.
Bloomberg dẫn tin đầu tháng này, MUFG đã công bố khoản lỗ hàng quý đầu tiên trong suốt 10 năm qua và cắt giảm dự báo lợi nhuận hàng năm sau khi đặt một khoản phí khổng lồ cho thương vụ mua lại Ngân hàng Danamon. Lợi nhuận cho vay đang chịu áp lực khi Nhật Bản bước vào năm thứ 5 liên tiếp có lãi suất âm. Mặc dù vậy, các đối thủ của MUFG là Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và Mizuho Financial Group Inc. đã kiếm được lợi nhuận cao hơn trong quý trước, sau khi ghi nhận được lợi nhuận từ thu nhập cho vay.
Bằng cách hợp tác với Grab, MUFG có kế hoạch mở rộng kiến thức về các dịch vụ kĩ thuật số mà họ dự định sẽ sử dụng để thu hút khách hàng mới ở khu vực có tầng lớp trung lưu. Nhà băng này cũng quan tâm đến các hệ thống trí tuệ nhân tạo và kĩ năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ của Grab, các thuộc tính này sẽ có lợi khi MUFG cạnh tranh nhiều hơn với các ngân hàng trực tuyến và các công ty khởi nghiệp công nghệ thông tin tại thị trường quê nhà.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Grab và Công ty viễn thông Singapore Telecommunications Ltd (Singtel) đã nộp đơn xin giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số ở Singapore. Hai "ông lớn" sẽ thành lập một liên đoàn, nhằm mục đích giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của những người tiêu dùng kĩ thuật số đầu tiên và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)..
Giám đốc cao cấp Reuben Lai của Grab Financial Group, cho hay bước đi thích hợp kế tiếp là xây dựng một ngân hàng kĩ thuật số "coi khách hàng làm trung tâm" sẽ cung cấp một loạt dịch vụ ngân hàng và tài chính dễ tiếp cận, minh bạch và chi phí hợp lí.
Theo các nhà phân tích của Reuters, nếu liên đoàn này được chấp thuận sẽ là "một sự tự do hóa lớn nhất của lĩnh vực ngân hàng Singapore trong hai thập niên qua".
Việc thành lập được ngân hàng kĩ thuật số sẽ giúp đơn vị vận hành với chi phí thấp hơn và cung cấp nhiều dịch vụ khác so với những ngân hàng truyền thống như DBS Group Holdings Ltd và Oversea-Chinese Banking Corp Ltd.