Như tin đã đưa, GS. NGND Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từ trần hồi 13h10 phút ngày 23/6 tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi.
Là một giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Th.sĩ Trần Trung Hiếu vẫn không thể quên được những kỷ niệm với người thầy đáng kính của mình - GS Phan Huy Lê.
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố GS Phan Huy Lê - hai vị Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã về với thế giới người hiền. Ảnh tư liệu: Trần Trung Hiếu. |
Ông Hiếu chia sẻ, dù chỉ là một giáo viên phổ thông, nhưng ông thấy mình có may mắn hơn nhiều các đồng nghiệp phổ thông khác là được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với Thầy (GS Phan Huy Lê) trong rất nhiều sự kiện lớn của giới Sử học trong hàng chục năm qua. Lần nào ra Hà Nội công tác, ông đều tranh thủ sắp xếp thời gian bắt xe ôm đến thăm Thầy và gia đình tại nhà riêng ở số 7- ngõ Vọng Đức quen thuộc.
"Tôi cũng đã đưa con gái tôi đến thăm và trò chuyện với thầy. Tôi không thể nhớ đến thời điểm trước khi thầy mất, tôi đã gặp Thầy biết bao nhiêu lần. Nhưng lần cuối cùng chính là cùng với thầy vào TP Hồ Chí Minh tham dự Hội thảo khoa học quốc gia về 40 năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đầu năm 2018. Tôi cùng ngồi với Thầy trên 1 chiếc ô tô, sau đó là trên 1 chiếc cano đi thăm quan rừng Sác - Cần Giờ.
Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi may mắn được cùng với thầy tham dự cuộc Hội thảo khoa học cuối cùng... Giai đoạn cuối trong cuộc đời của thầy, dù căn bệnh cao huyết áp và tim mạch thường xuyên đe dọa sức khỏe, nhưng thầy đã gắng làm việc với số lượng công việc khổng lồ cùng với tập thể các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam để hoàn thành cho bộ Quốc sử 25 tập do thầy làm Tổng Chủ biên.
Nếu như được nói về thầy, tôi chỉ có thể dãi bày ngắn gọn: Thầy là một trí tuệ lớn, nhân cách lớn, một nhà khoa học lớn và một nhà sư phạm mẫu mực. Là Giáo sư của nhiều Giáo sư, là người thầy của nhiều người thầy. Cùng với GS Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn làm nên 'Tứ trụ' của Sử học Việt Nam hiện đại", Th.sĩ Trần Trung Hiếu chia sẻ.
Cũng theo cảm nhận của Th.sĩ Hiếu, trong công việc khoa học, viết lách và các Hội thảo khoa học GS Phan Huy Lê luôn tạo nên sự hấp dẫn đến lạ kỳ về phong thái lịch thiệp, cẩn trọng, chỉn chu, rõ ràng, nhẹ nhàng, sâu sắc.
Ngoài đời, là một người có lối sống rất bình dị, mộc mạc. khiêm nhường và luôn tôn trọng quan điểm, ý kiến góp ý, phản biện khi trò chuyện với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò và phóng viên báo chí.
Một may mắn lớn, hạnh phúc lớn và rất bình dị khi Th.sĩ Hiếu có sự tương tác thường xuyên đón nhận sự quan tâm, sẻ chia từ GS Phan Huy Lê trong công việc và cuộc sống đời thường. Mỗi khi có những cuốn sách mới và hay, những bộ tài liệu, kỷ yếu các hội thảo khoa học mà GS Lê viết bài, tham dự và chủ trì, chủ biên đều gọi cho Th.sĩ Hiếu và cất giành. Thậm chí, có lúc GS Lê còn gửi qua đường bưu điện.
GS Phan Huy Lê (thứ 4 từ phải sang) trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh tháng 4/2018. Ảnh: Trần Trung Hiếu. |
Ông Trần Trung Hiếu nhớ lại: "Cá nhân tôi với thầy có nhiều kỷ niệm trong nhiều sự kiện liên quan đến môn Lịch sử, nhưng có lẽ kỷ niệm mà tôi và nhiều chuyên gia Sử học, nhiều đồng nghiệp môn Sử nhớ về thầy lâu hơn, sâu sắc hơn là năm 2015.
Vào 1 ngày đầu tháng 8/2015, sau khi nhận thông tin chính xác về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT không có tên môn Lịch sử, tôi đã gọi cho thầy - lúc đó là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Đó là điều mở đầu cho cuộc "đấu tranh" của giới Sử học và dư luận xã hội phản bác lại quyết định thiếu hợp lý này của Bộ GD&ĐT.
Sau đó, một cuộc họp của giới Sử học trên toàn quốc tổ chức ngày 15/11/2015 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Thầy cùng với các chuyên gia đầu nghành của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, các khoa Lịch sử của nhiều trường đại học cùng nhiều giáo viên Sử phổ thông đã lên tiếng với các cơ quan chức năng.
Kết quả là trong là trong phiên họp cuối cùng của mình, Quốc hội đã ra quyết định phủ quyết chủ trương đó của Bộ GD&ĐT và Quốc hội đã quyết định giữ tên môn Lịch sử trong Chương trình phổ thông".
Hầu như bất cứ ai khi có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện hay tranh luận với Thầy, đều có chung 1 cảm giác vô cùng bình dị, gần gũi và kính trọng. Trong giao thiệp, Thầy không bao giờ có sự phân biệt tuổi tác, địa vị, là giáo viên hay sinh viên, là học trò cũ hay không phải là học trò cũ, là 'sư phạm' hay 'tổng hợp' (cách nói ngắn gọn của Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH KHXH&NV), Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh...
Thầy giáo Trần Trung Hiếu trong một lần tới thăm nhà của GS Phan Huy Lê tại Hà Nội năm 2018. Ảnh: NVCC. |
"Trò chuyện và lắng nghe nhiều sự chia sẻ từ thầy, tôi đã thấy mình đã trưởng thành hơn về nhận thức lịch sử, về khả năng tư duy, xâu chuỗi kiến thức lịch sử. Nói về kiến thức lịch sử của thầy, giới Sử học đều thán phục sự uyên bác.
Trong nhiều cuộc hội thảo chuyên gia, hội thảo quốc gia, quốc tế mà tôi có may mắn tham gia cùng với thầy. Thêm một điều mà tôi thật sự ấn tượng về thầy là khả năng đặt vấn đề và tổng hợp kiến thức, tổng kết hội thảo.Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc.
Trên trang mạng xã hội của nhiều GS, TS, chuyên gia hàng đầu, nhiều giáo viên Sử cả trong và ngoài nước, nhiều trí thức chân chính, nhiều cựu chiến binh sẽ giành nhiều tình cảm và bày tỏ nỗi đau, sự thương tiếc khi đón nhận hung tin này. Và cũng một điều chắc chắn, trong tang lễ của thầy sẽ có rất nhiều người đến viếng và chia buồn cùng gia quyến, tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng...
Thầy xứng đáng là một tấm gương cho nhiều người thầy, dù ngoài 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài hăng say lao động đến những ngày tháng cuối đời để hoàn thiện bộ Quốc sử Việt Nam và để lại cho đời nhiều công trình khoa học có giá trị. Xin bày tỏ tất cả lòng thành kính và sự tiếc thương tới thầy, tiễn biệt một người thầy vô cùng kính trọng, yêu thương!", Th.sĩ Trung Hiếu bày tỏ.
Vĩnh biệt Giáo sư Phan Huy Lê- cây đại thụ của sử học Việt Nam
GS Phan Huy Lê - 1 trong 4 cây đại thụ của nền sử học Việt Nam đương đại, vừa qua đời trưa ngày 23/6, ... |
GS Lê Văn Lan: 'Thân hình nhỏ nhắn nhưng GS Phan Huy Lê để lại một sự nghiệp vĩ đại'
Giáo sư (GS) Sử học Lê Văn Lan vừa có một số chia sẻ về GS Phan Huy Lê - một trong những 'cây đại ... |