Hà Nội họp chốt phương án đầu tư 3 cây cầu gần 2 tỷ USD vào đầu tuần tới

Đầu tuần tới, HĐND TP Hà Nội sẽ họp để xem xét duyệt đầu tư 3 cây cầu tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD trên địa bàn.

Theo lịch dự kiến, ngày 25/2 sắp tới, HĐND TP Hà Nội sẽ họp phiên chuyên đề (kỳ họp thứ 21).

Một trong những nội dung của cuộc họp là HĐND TP sẽ xem xét nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, trong đó có cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi và cầu Trần Hưng Đạo.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo vào năm 2027, cầu Ngọc Hồi vào năm 2030.

Đối với cầu Trần Hưng Đạo, dự án có tổng mức đầu tư 16.000 tỷ đồng và sử dụng ngân sách thành phố. Cầu này chia thành 4 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án giải phóng mặt bằng tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên.

 Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo. (Nguồn: Viện Kiến trúc Quốc gia).

Về quy mô, cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 5,6 km. Điểm đầu cầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông quận Hoàn Kiếm, điểm cuối Kết nối với phố Vũ Đức Thận, quận Long Biên.

Đường dẫn hai đầu cầu có quy mô mặt cắt ngang 30m với tổng chiều dài khoảng 2,25km (phía trung tâm thành phố khoảng 0,25km, Long Biên khoảng 2,0km).

Cầu chính vượt sông Hồng có kết cấu cầu vòm bao gồm 06 nhịp với quy mô mặt cắt ngang khoảng 43 m.

Ở đầu cầu bên phía quận Long Biên, một hầm chui trực thông sẽ được xây dựng tại vị trí giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có quy mô 4 làn xe bề rộng khoảng 19,5m, tổng chiều dài khoảng 650m với chiều dài hầm kín khoảng 150 m.

Về các nút giao, trên hệ thống đường dẫn và cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tại 4 nút giao:Nút giao khác mức với với đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái; Nút giao với đường đê Tả Hồng (đường Long Biên - Xuân Quan) và đường Cổ Linh; Nút giao bằng với đường Nguyễn Sơn; Nút giao khác mức với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.

Với cầu Tứ Liên, dự án cũng được chi làm 4 dự án thành phần (dự án xây dựng và 3 dự án giải phóng mặt bằng tương ướng với 3 quận cây cầu chạy qua), tổng mức đầu tư dự kiến là 20.171 tỷ đồng, trong đó 4.332 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, 15.839 cho phần xây dựng. Cầu Tứ Liên sử dụng vốn ngân sách Hà Nội.

Về quy mô, dự kiến, cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa với tổng chiều dài khoảng 5,15 km. 

 Đường dẫn đầu cầu phía Tây Hồ (cầu cạn và đường song hành) quy mô theo quy hoạch là 48m; Đường dẫn phía Đông Anh quy mô 60 m (không bao gồm phần đã được đầu tư xây dựng trong Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm huyện Đông Anh). 

Các nút giao trên tuyến: Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tại các nút giao với đường Nghi Tàm, nút giao với đường Trường Sa (QL5 kéo dài). Một số nút giao theo quy hoạch bao gồm: Nút giao với trục TC5, nút giao Bãi Giữa, nút giao với trục TC13, nút giao với đường LK52 (Vĩnh Ngọc - Xuân Canh - Đông Ngàn) được nghiên cứu đầu tư sau ở các dự án khác.

Công trình cầu trên tuyến: Cầu chính Tứ Liên vượt sông Hồng chiều dài 1,0 km, bề rộng 43m (bao gồm phần bố trí neo dây văng); Cầu vượt sông Đuống chiều dài khoảng 0,3 km, bề rộng 44 m; Cầu vượt đê tả Đuống hiện tại chiều dài khoảng 0,08 km, bề rộng 35 m; Cầu dẫn phía Tây Hồ, Long Biên dài khoảng 1,4 km có bề rộng thay đổi từ 27,5 m - 44 m; Cầu dẫn phía Đông Anh (vượt trục TC13 quy hoạch) dài khoảng 0,4 km có bề rộng 35 m.

Về các công trình hầm trên tuyến, đáng chú ý có hạng mục xây dựng hầm chui quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với bề rộng xe chạy 24,5 m trên trục đường Tứ Liên. Tổng chiều dài phần hầm khoảng 1,265 km trong đó: Hầm kín tại vị trí trước cửa Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia dài khoảng 0,16 km. Hầm kín tại nút giao đường Trường Sa dài khoảng 0,1 km. Hầm hở (ở hai đầu hầm kín và nối giữa hai hầm kín) dài khoảng 1,05 km.

Đối với cầu Ngọc Hồi, UBND TP trình HĐND thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện.

Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư dự kiến là 11.844 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Hà Nội và ngân sách trung ương.

Về quy mô, dự án dự kiến được đầu tư với tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 7,5 km. Trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn là 7,2 km, rộng 33 m. Đường đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300 m, rộng 60 m.

chọn
Hà Nội họp chốt phương án đầu tư 3 cây cầu gần 2 tỷ USD vào đầu tuần tới
Đầu tuần tới, HĐND TP Hà Nội sẽ họp để xem xét duyệt đầu tư 3 cây cầu tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD trên địa bàn.