Chuyên gia pháp lý nhận định "ai khai sinh, khai tử và hệ quả như thế nào" là câu chuyện phải lường trước khi thu hồi xe "quá đát". Ảnh: Đoàn Lê |
Mới đây, tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, “qua thống kê, có tới 2,5/6 triệu xe máy quá đát trước năm 2000. Vấn đề này, TP cũng đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước mới chỉ có quy định niên hạn với xe tải (lưu hành không quá 25 năm) và xe chở khách (lưu hành không quá 20 năm). Trong khi đó, xe ô tô con và xe máy, hiện vẫn chưa có quy định về niên hạn.
Bên cạnh đó, có ý kiến nhận định xe máy hiện vẫn là “cần câu cơm” của đa số người dân Việt Nam; phương tiện đi ít mà tính niên hạn thì có được coi là "quá đát" không?; xe cũ nhưng đã được sang tên cho người khác, và khi đăng ký lại, thời gian lại khác, vậy các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?
Xe máy "quá đát" vẫn đang là "cần câu cơm" của nhiều người dân. Ảnh tư liệu: Đoàn Lê |
Trao đổi với PV, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhận định "không có luật thì không được thu hồi". "Đề xuất thu hồi xe máy quá niên nạn là đúng như trước mắt phải có luật. Ngoài ra, chúng ta phải triển khai từ thời điểm này. Ví dụ triển khai việc trên đăng ký phải ghi thời hạn xe", ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, vấn đề tiếp theo khi hủy xe thì sẽ phát sinh hàng loạt cái quy định pháp lý liên quan đến xác xe. "Ví dụ ở nước ngoài khi xe hết niên hạn thì chủ sở hữu phải tốn một khoản tiền để tiêu hủy chứ không thể đem ra bãi rác vứt.
"Việc thu hồi xe quá niên hạn cần một cơ chế đồng bộ. Nếu muốn thực hiện thì phải phải nghiên cứu các quy định pháp luật và hệ quả xã hội cũng như tham khảo các nước có quy định liên quan đên niên hạn xe máy.
Xe "quá đát" muốn thu hồi phải đồng bộ luật? Ảnh: Đoàn Lê |
Chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ từ khâu sinh ra đến khâu kiểm tra hoạt động, đến khi khai tử. Ngoài ra, khi quy định niên hạn thì xe máy như "một sinh mạng" và cơ quan nào khai sinh, khai tử. Khai sinh khai tử sẽ dẫn đến hệ quả như thế nào thì phải lường trước", ông Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành. Trong đó, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng giờ vẫn tham gia giao thông. Thậm chí nhiều các loại xe chỉ còn khung và máy; nhiều xe không đèn, không còi, không gương, được “gia cố” thêm giảm sóc...
Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bao gồm các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng. Nhà sản xuất khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ... Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân thu gom khi chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi có các quyền lợi như được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường... |