Hà Nội dự kiến rung chuông ở chùa, nhà thờ thay vì bắn pháo hoa dịp năm mới. Ảnh: Đoàn Lê |
Chiều 3/1, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội - đã thông tin về các hoạt động chào đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo đó, ông Động cũng cho biết, để thay thế cho việc không bắn pháo hoa, thành phố sẽ tăng cường, bổ sung các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Sở Văn hóa Thể thao cũng dự kiến đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa sẽ rung chuông cùng lúc vào thời khắc giao thừa để báo hiệu năm mới đến.
Rung chuông đón năm mới là câu chuyện rất mới mẻ ở Việt Nam và nhằm làm rõ hơn về dự kiến này, PV đã có trao đổi với một số nhà văn hóa, nhà xã hội học và người dân để góp ý với Hà Nội.
GS Trần Lâm Biền: "Rung chuông là điều tốt đẹp"
Trao đổi với PV sáng 4/1, GS Trần Lâm Biền cho biết việc rung chuông là một điều tốt đẹp bởi vì tiếng chuông giao thừa là tiếng gọi xuân khai, gọi mở đất trời để thông linh. "Tiếng chuông đã có từ ngàn đời và một thời bị quên lãng. Tiếng chuông có ý nghĩa giúp xua tan những điều không tốt đẹp của năm cũ, GS Biền nói.
Cũng theo GS Biền, tiếng chuông mang ý nghĩa tâm linh hết sức cao cả và khi được đánh vào đúng lúc giao thừa không chỉ đem hạnh phúc cho người ở trần gian mà còn cho người ở thế giới bên kia. "Tiếng chuông an lành thời khắc giao thừa cái đáp ứng yêu cầu tâm linh của quần chúng mà từ lâu chúng ta bị lãng quên", GS Trần Lâm Biền chia sẻ.
Về việc dự kiến rung chuông cả ở nhà thờ và chùa, đền, GS Trần Lâm Biền cho rằng về cơ bản mỗi người Việt Nam đều không có phân định. Theo GS Biền thì bản thân ông người theo tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng cũng hết sức quan tâm đến triết học Phật giáo và khi đi qua nhà thờ ông vẫn kính cẩn. "Việc sự rung chuông ở nhà thờ hay bất kể đâu cũng có cái chung vì con người để cầu cho một năm mới tốt lành vậy thì không rung chuông được hay sao? GS Biền đặt câu hỏi.
GS Trần Lâm Biền cho biết việc rung chuông là một điều tốt đẹp bởi vì tiếng chuông giao thừa là tiếng gọi xuân khai, gọi mở đất trời để thông linh. Ảnh ITN |
TS Trịnh Hòa Bình: "Tích cực nhưng... không hay lắm"
Khi được hỏi về dự kiến trên, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đã hoan nghênh cố gắng nỗ lực của các nhà quản lý văn hóa ở Hà Nội khi họ nỗ lực trăn trở tìm cách động viên đời sống tinh thần nhân dân Thủ đô dịp tết đến xuân về.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết chúng ta có nhiều mỹ tục, tập quán chào mừng năm mới như dựng cây nêu, đốt pháo, gói bánh chưng... nhưng không phải cái gì cũng được phục dựng hay duy trì như việc đốt pháo nổ.
Vị này nhận định, việc rung chuông ở nhà thờ, chùa chiền còn liên quan đến tôn giáo và không phải bất kỳ ai cũng đón nhận. "Việc dừng bắn pháo hoa và thay bằng rung chuông rất tích cực vì lý do tiết kiệm nhưng... không hay lắm. Và liệu tiếng chuông nhà thờ và chuông chùa có ăn khớp nhau hay không?" ông Bình chia sẻ.
TS Bình cho biết, ở Nhật hay châu Âu, việc rung chuông đón năm mới đã thành tập quán. Còn tại Việt Nam, việc người dân có đón nhận hay không lại là một câu chuyện khác.
Người trẻ thích pháo hoa hơn... rung chuông
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Hải Yến (27 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho biết bắn pháo hoa là một hoạt động giải trí văn hóa không thể thiếu mỗi dịp năm mới, không những vậy đây còn là hoạt động mang tính cộng đồng mà các nước trên thế giới đều thực hiện.
"Bản thân tôi là một người trẻ thích sự sôi động và tụ tập bạn bè vào dịp giao thừa nên vẫn muốn giữ truyền thống bắn pháo như mọi năm, đồng thời để tiết kiệm thì chúng ta có thể chỉ bắn pháo hoa ở các thành phố lớn, các điểm bắn ít hơn và thời gian ngắn hơn", chị Yến chia sẻ.
Giới trẻ thường sẽ thích pháo hoa hơn vì mang đến cảm giác vui tươi, giải trí. (Ảnh Chí Duy) |
Theo chị Yến, việc rung chuông ở chùa hay nhà thờ thì âm thanh có thể len lỏi tới nhiều nơi, nhưng không có cảm giác tụ tập được đông người. Người ta tụ tập xem bắn pháo hóa chứ đâu tụ tập để nghe tiếng chuông được ạ. "Việc rung chuông có lẽ phù hợp với người già thay vì giới trẻ như mình, và nó mang màu sắc tôn giáo nhiều hơn là để giải trí”, chị Yến nói.
Bà Nguyễn Thị Hiểu (Hoàng Mai, Hà Nội) thì lại cho rằng đây là một ý tưởng rất hay bởi thực tế pháo hoa chỉ phục vụ một số lượng người nhất định nhưng với số tiền đó sẽ giúp đồng bào đồng bào miền Trung có được cái tết đầy đủ hơn và ấm áp tình người.
"Rung chuông còn thể hiện sự linh thiêng giao thoa giữa trời và đất còn mang nhiều ý nghĩa hơn bắn pháo hoa. Đêm giao thừa đối với cô chỉ cần gia đình, bạn bè vui vẻ quây quần bên mâm cơm cùng xem Táo quân đã cảm thấy trọn vẹn rồi", bà Hiểu chia sẻ.