Luỹ kế hết 8 tháng đầu năm 2016, Hà Nội chi 15,6 tỷ USD nhập khẩu, trong khi chỉ xuất khẩu 7 tỷ USD, mức thâm hụt thương mại trong 8 tháng vừa qua đạt 8,6 tỷ USD, trung bình mỗi tháng Hà Nội nhập siêu 1,075 tỷ USD/tháng.
Với việc nhập siêu lớn của Hà Nội cho thấy địa phương này chưa điều chỉnh được cơ cấu kinh tế, vẫn phụ thuộc lớn vào lượng hàng hoá nhập khẩu và nền kinh tế tiêu thụ.
Các mặt hàng Hà Nội nhập siêu lớn là: rau quả, nông lâm hải sản, thiết bị điện thoại và linh kiện, ô tô và máy móc thiết bị. Trong đó xuất khẩu chủ yếu là may mặc, hàng tiêu dùng và đồ mỹ nghệ...
Mặc dù số thâm hụt thương mại, nhập siêu của Hà Nội giảm so với cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2015 (là 10 tỷ USD) tuy nhiên số thâm hụt nhập siêu 8 tháng qua vẫn cao, dẫn đến giảm tỷ lệ xuất siêu của cả nước trong cùng thời kỳ.
So sánh cán cân thương mại giữa Hà Nội với các địa phương và trung tâm kinh tế khác thì Hà Nội là tỉnh có mức thâm hụt cao nhất. Trong khi đó Tp HCM chỉ nhập siêu 3 tỷ USD, Hải Phòng xuất siêu 300 triệu USD, Cần Thơ xuất siêu hơn gần 500 triệu USD và Đà Nẵng xuất siêu hơn 200 triệu USD.
Về cán cân thương mại cả nước, 8 tháng qua Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD (trung bình mỗi tháng xuất siêu khoảng 337 triệu USD, trong đó riêng tháng 8/2016 Việt Nam xuất siêu 600 triệu USD, tỷ lệ xuất siêu cao nhất trong các tháng qua. Đây là tín hiệu tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các tháng cuối năm.
Cũng trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 8 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm máy vi tính và linh kiện điện thoại hơn 17 tỷ USD, sắt thép hơn 5 tỷ USD, thức ăn gia súc 2,2 tỷ USD, ô tô nguyên chiếc 1,6 tỷ USD và nguyên liệu vải các loại hơn 6 tỷ USD.