Người dân trồng lúa thường có thói quen sau khi thu hoạch, rơm rạ sẽ được gom thành từng đống lớn để đốt lấy tro, tạo dinh dưỡng trồng hoa màu. |
Tại các huyện vùng ven đô như Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai... những cánh đồng lớn đang vào vụ thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong, để rơm khô là người dân tiến hành đốt. Việc làm này tạo ra những cột khói lớn bủa vây của ngõ phía Tây của Thủ đô. |
Trong khói đốt rơm rạ sẽ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... làm chảy nước mắt, gây kích ứng đường hô hấp. Người hít phải dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở… |
Những đống rơm rạ nghi ngút khói xuất hiện ở khắp mọi nơi. |
Người dân thậm trí còn đốt rơm rạ ngày cạnh đại lộ Thăng Long, nơi có rất nhiều phương tiện di chuyển ra vào khu vực nội thành Hà Nội. |
Những cột khói đã lan tỏa vào bầu không khí, tạo nên lớp sương mù gây cản trở tầm nhìn của các phương tiện di chuyển trên tuyến đại lộ Thăng Long. |
Cầu Nhật Tân cửa ngõ huyết mạch nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm thành phố Hà Nội, trong sáng nay (11/10) cũng mù mịt bởi khói bụi. |
Làn khói dày đặc theo gió bao trùm toàn bộ thành phố Hà Nội, bầu không khí vốn đã bị ô nhiễm bởi khí thải từ lượng lớn các phương tiện trong nội thành, nay lại càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi khói bụi từ việc đốt rơm rạ. |
Trao đổi với phóng viên Việt Nam Mới, ông Hoàng Minh Khoa - Bác sĩ khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: "Trong khói rơm rạ có nhiều khí rất độc như khí CO, CO2, SO2, NO2... , khi con người tiếp xúc trực tiếp với khói rơm rạ sẽ gây ảnh hưởng đến đường hô hấp, trong trường hợp nặng sẽ gây ngộ độc khí. Nếu hít phải những khí này thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp, có thể mắc những bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi...". |