Hai bộ tranh cãi về công tác dự báo bão Damrey

Bộ Giao thông cho rằng dự báo chưa chính xác dẫn tới nhiều tàu hàng chìm ở Quy Nhơn, Bộ Tài nguyên phủ nhận quan điểm này.

Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão Damrey sáng 9/11, công tác dự báo, ứng phó bão đã được một số đại biểu bàn luận.

hai bo tranh cai ve cong tac du bao bao damrey
Một tàu hàng bị mắc cạn tại khu vực biển Quy Nhơn do bão Damrey. Ảnh: Chu Ngọc.

Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần (Bộ Công an) cho rằng, cả hệ thống chính trị tham gia ứng phó bão nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Tới hôm nay thống kê có 91 người chết, 23 người mất tích, 1.500 nhà sập, gần 120.000 nhà khác hư hỏng.

Theo tướng Cử, nguyên nhân thiệt hại lớn là chính quyền cơ sở và người dân chưa quyết liệt, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan hoặc không hình dung được bão sẽ diễn ra như thế nào. “Nếu bão Damrey vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi tin thiệt hại không đến mức này. Nhưng bão lại vào khu vực ít có bão nên người dân không có kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó”, ông Cử nói.

Dẫn thiệt hại do sự cố chìm tàu hàng ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) khi bão đổ bộ, tướng Cử cho rằng "rất đau lòng". Nếu trong khu vực cảng không còn chỗ trú bão, có thể cảnh báo tàu thuyền di chuyển tới địa bàn khác, nếu neo đậu ở phao số 0, khi bão vào mọi tàu thuyền đều có nguy cơ bị đánh chìm.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho hay, trong các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão Damrey có Bình Định. Việc 8 tàu hàng chìm và 2 tàu mắc cạn ở khu vực cảng Quy Nhơn có nguyên nhân dự báo bão chưa chính xác. "Tôi được biết ban đầu các tàu nhận thông tin dự báo ảnh hưởng bão từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận", Thứ trưởng Công nói.

Theo ông Công, trước khi bão vào, Bộ đã cử các đoàn công tác về địa phương phối hợp ứng phó. Căn cứ vào dự báo, các đoàn không vào Bình Định mà chỉ tới TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang. "Đây không phải lỗi Bộ Tài nguyên Môi trường hay ai cả, mà rõ ràng máy móc thiết bị của chúng ta chưa đáp ứng được nên dự báo chưa chính xác", ông Công nêu.

hai bo tranh cai ve cong tac du bao bao damrey
Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc tại phiên họp khắc phục bão lũ sáng 9/11. Ảnh: Võ Hải.

Không đồng tình, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc khẳng định "công tác dự báo bão Damrey và lũ sau bão là chính xác". Ông Ngọc đặt vấn đề vì sao tất cả tàu cá vào bờ an toàn mà tàu hàng lại bị thiệt hại lớn? Trong các bản tin dự báo, đều có hình vẽ cảnh báo khu vực tâm bão và vùng ảnh hưởng có bán kính 100-200 km.

"Đề nghị khi xem bản tin cần xem cả hình", Thứ trưởng Tài nguyên khuyến cáo.

Lý giải nguyên nhân thiệt hại nặng do bão, ông Ngọc nêu quan điểm do người dân chưa hiểu biết nhiều về bão, thiếu kỹ năng phòng chống. "Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, kỹ năng phòng tránh bão có vấn đề. Chúng ta phải nhìn thẳng", ông Ngọc nói.

Là người trực tiếp tham gia ứng phó bão Damrey, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết còn ý kiến khác nhau về công tác dự báo. "Có thể cách chuyển tải thông tin dự báo đến các bên còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng tôi cho là dự báo vừa qua rất nỗ lực", ông Thắng nói.

Trước đó ngày 6/11, tại buổi họp trực tuyến khắc phục hậu quả bão Damrey, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, việc chìm 8 tàu tại cảng Quy Nhơn "là sự cố không ai lường trước được". Các thuyền viên tàu hàng cho biết, nghe thông báo bão vào Nam Phú Yên và Khánh Hòa nên nghĩ tránh trú ở cảng Quy Nhơn sẽ an toàn, không ngờ bão mạnh vào thẳng đây gây thiệt hại nặng.

Ngày 4/11, bão Damrey đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa.

6h ngày 4/11, bão Damrey đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thống kê sơ bộ đến sáng 9/11, bão lũ đã làm 91 người chết, 23 người mất tích, trên 1.400 nhà sập, gần 120.000 nhà tốc mái, gần 1.300 tàu thuyền chìm, hư hỏng...

Bão làm 10 tàu hàng gặp sự cố tại khu vực cảng Quy Nhơn, Bình Định (trong đó 8 tàu chìm, 2 tàu mắc cạn), nhiều thuyền viên chết và mất tích. Các cơ quan chức năng đã bàn giải pháp khắc phục, ngăn nguy cơ tràn dầu từ các tàu chìm. Dự kiến ngày 10/11, việc trục vớt tàu chìm sẽ được tiến hành.

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.