Ngày 10.2, một nguồn tin từ TAND tỉnh Bắc Giang cho PV Báo Lao Động biết, cơ quan này vừa nhận được kháng cáo của hai ông Trần Nhật Luật (nguyên Phó Trưởng công an huyện Việt Yên) và Đặng Thế Vinh (nguyên Phó phòng 10 - VKSND tỉnh Bắc Giang). Trong đơn, vẫn với lập luận như đã trình bày trước đó tại phiên tòa xét xử mình, 2 ông Luật và Vinh đề nghị cơ quan chức năng xem xét giảm hình phạt, cho hưởng án treo.
Bị cáo Đặng Thế Vinh tại tòa. Ảnh: Nongnghiep |
Trước đó như tin đã đưa, được xác định là thủ phạm chính gây ra vụ oan sai chấn động dư luận khiến nạn nhân trực tiếp là ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở Việt Yên - Bắc Giang) phải chịu cảnh tù oan suốt 10 năm, sáng 23.1, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên án 2 nguyên cán bộ thuộc biên chế ngành Công an và Kiểm sát lần lượt 12 và 8 tháng tù.
Bản án xác định, chịu trách nhiệm chính việc điều tra vụ án giết người xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, ông Luật không làm hết nhiệm vụ được giao. Ông Vinh cố ý không đưa vào hồ sơ hai biên bản hỏi cung về việc ông Chấn kêu oan.
Tòa cho rằng do các bị cáo không có tư thù, không hưởng lợi nên không có cơ sở quy kết tội Cố ý làm sai lệch hồ sơ. Dù vậy, hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến hồ sơ vụ án, dẫn đến việc ông Chấn bị oan. Toà thấy có cơ sở xác định các bị cáo đã phạm vào tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Luật đã phủ nhận cáo buộc của cơ quan công tố và cho rằng đã "căn cứ vào hàng loạt các chứng cứ khác để buộc tội ông Chấn và đã làm hết trách nhiệm được giao". “Đến giờ tôi cũng chưa biết ông Chấn oan như thế nào. Các chứng cứ đều rất chuẩn từ giờ giấc, nhân chứng…”, ông Luật nói.
Ông Vinh cũng phủ nhận cáo buộc, cho rằng không có hằn thù với ông Chấn hay tư lợi, tiêu cực gì trong vụ án này. Ông cho rằng: "Có niềm tin ông Chấn phạm tội. Việc đưa hay không đưa hai biên bản hỏi cung không có ý nghĩa để chứng minh có phạm tội hay không. Việc này cũng không ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ án vì tại các phiên tòa ở hai cấp đều tranh luận công khai, quyền kết tội thuộc về tòa án. Nếu cấp phúc thẩm huỷ hồ sơ, trả điều tra lại thì chúng tôi mới sai”.