Theo đó, đối với kịch bản tốt, đại dịch Covid-19 bị ngăn chặn, thế giới phát minh ra vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu bình thường trở lại. Tuy nhiên, VINACAS cho rằng khả năng này rất khó có thể xảy ra.
Nhu cầu thị trường Trung Quốc và Ấn Độ bình thường trở lại. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc thực vật tiếp tục gia tăng trong và sau mùa dịch tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Nhu cầu thị trường châu Âu dự báo tăng mạnh, đặc biệt sau khi Việt Nam - EU chính thức thông qua 2 hiệp định EVFTA và EVIPA.
3 mùa vụ lớn trên thế giới đã kết thúc, lượng hàng dự trữ được điều tiết và bán ra thị trường ở mức ổn định và giá cả hợp lí, giao dịch ổn định, mặt bằng giá nguyên liệu mới được thiết lập.
Mặc dù là tin xấu nhưng việc nhiều cơ sở chế biến điều quy mô nhỏ và vừa ở cả Việt Nam và Ấn Độ giảm công suất, ngưng hoạt động lại làm cho lượng hàng cung ứng ra thị trường giảm, về lí thuyết, giá có thể sớm tăng trở lại theo quy luật cung - cầu trên thị trường.
Một số doanh nghiệp lớn đầu cơ và hỗ trợ thị trường nguyên liệu, điều tiết giá trên thị trường giai đoạn cao điểm cuối năm, tương tự như thương vụ TL-176 cùng kỳ năm ngoái,...
Ở chiều ngược lại, đối với kịch bản xấu, Làn sóng Covid-19 lần thứ hai có thể xảy ra và những tác động tiêu cực và “bất khả kháng” không thể lường trước được của nó. Chuỗi cung ứng điều toàn cầu tiếp tục bị “phân mảnh”.
Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa Ấn Độ tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra những lễ hội quan trọng, mùa cưới, mùa Đông,...
Tình trạng nguyên liệu cập cảng xếp đầy trong các kho ngoại quan tại Việt Nam và Ấn Độ có thể xảy ra do thanh khoản thấp, không người mua nào có khả năng mua đầu cơ trong dài hạn,...
Chính phủ Bờ Biển Ngà thay đổi chính sách và cho phép “xả hàng” ở giai đoạn nhạy cảm, có thể làm giá điều giảm sâu và nhiều doanh nghiệp có thể thua lỗ.
Công suất chế biến tiếp tục tăng trong khi thanh khoản trên thị trường điều nhân thấp cũng là sức ép để giảm giá, điều này sẽ không có lợi cho toàn ngành.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt điều tháng 7 đạt 40 nghìn tấn, trị giá 232 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 10% về trị giá so với tháng 6, so với tháng 7/2019 giảm 9,9% về lượng và giảm 23,3% về trị giá.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt điều đạt 265 nghìn tấn, trị giá 1,72 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 7 ước đạt mức 5.800 USD/tấn, giảm 6% so với tháng 6 và giảm 14,9% so với tháng 7/2019.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 6.491 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.