Nhà phát triển game di động Jiang Wenqiang đã bị mắc kẹt ở Vũ Hán trong hơn một tháng.
Đây là nơi ghi nhận dịch corona đầu tiên trên thế giới. Để có chi phí thêm cho chi tiêu bản thân, anh làm việc 12 giờ mỗi ngày với công việc thu gom rác và chà sàn tại một bệnh viện địa phương.
Đó không phải là kế hoạch của anh ấy. Theo dự kiến, Jiang sẽ đi tàu từ Thượng Hải đến thành phố phía nam Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, để kí hợp đồng với một đối tác kinh doanh vào đầu tháng Hai. Khi đang ở trên tàu, anh rời khỏi khoang của mình để mua bữa trưa.
Ngay sau đó, tàu dừng ở Vũ Hán. Mọi người ngồi gần anh lập tức đứng dậy xuống xe. Khi hành khách xung quanh rời khỏi, người điều khiển tàu kêu gọi Jiang xuống tàu. Anh cố gắng giải thích mình đang trên đường đến một thành phố khác, nhưng không thành công.
"Các nhân viên nhìn tôi như thể tôi mang virus. Họ giữ khoảng cách với tôi và lùi lại khi tôi đi về phía họ", anh nói.
Những con đường vắng ở Vũ Hán, được chụp bởi Kang Wei, 30 tuổi.
Cuối cùng anh xuống tàu. Xung quanh không một bóng người, tất cả các lối vào đã bị đóng và không có ai ở quầy bán vé. Anh không thể mua vé đến các thành phố khác, trở thành một trong hàng ngàn người từ bên ngoài bị mắc kẹt ở Vũ Hán vì virus corona.
Kể từ ngày 23/1, tất cả các phương tiện giao thông trong và ngoài Vũ Hán đều bị dừng hoạt động. Tuy nhiên, một số người dân địa phương bị mắc kẹt bên ngoài Hồ Bắc đã bắt các chuyến tàu đi qua thành phố. Jiang đã ở trên một trong những chuyến tàu đó.
Vũ Hán đang "thấy ánh sáng ở cuối đường hầm" sau khi bị phong tỏa trong hai tháng qua. Kể từ thứ tư (17/3), ở đây không ghi nhận có ca nhiễm mới nào. Bây giờ, những người như Jiang đang bị mắc kẹt trong thành phố muốn về nhà.
Nhiều người đã mất việc, phải vật lộn với bệnh tật và phải chịu một khoản chi phí lớn. Họ liên tục liên lạc với các quan chức, nhưng không nhận được một câu trả lời chắc chắn khi nào thời gian lệnh phong tỏa kết thúc.
Một khách sạn ở Vũ Hán đang được khử trùng (Ảnh: SCMP).
Hôm thứ năm, lần đầu tiên, Trung Quốc ghi nhận không có trường hợp mắc mới nào trên toàn quốc ngoài tỉnh Hồ Bắc. Chính quyền địa phương ở đây bắt đầu các hoạt động dần nối lại cuộc sống hàng ngày.
Các công viên ở Thượng Hải đã mở cửa trở lại. Các quan chức ở Nam Kinh làm gương bằng cách đi ăn tại một nhà hàng địa phương. Hồ Bắc dần nới lỏng các hạn chế về giao thông, cho phép người dân ở các khu vực rủi ro thấp đi lại trong tỉnh. Tuy nhiên, Vũ Hán vẫn trong tình trạng báo động cao.
Sau cơn sốc ban đầu, Jiang - từ thành phố Đại Liên phía đông bắc của Trung Quốc - lang thang khắp nơi. Không có xe hơi trên đường, không có người trên đường phố. Anh cảm thấy mình như một kẻ lang thang. Anh tìm kiếm khách sạn nhưng không có nơi nào mở.
Anh gọi điện cho cảnh sát địa phương và dịch vụ xe cứu thương. Các bên đều nói mặc dù muốn giúp đỡ nhưng không thể dành xe để đón Jiang. Jiang bắt đầu hoang mang. "Khi cảnh nói họ không thể giúp bạn, ai sẽ không hoảng sợ?", anh nói.
Sau đó, anh nhận ra Vũ Hán phải rất cần tình nguyện viên. Anh bắt đầu tìm kiếm việc làm trực tuyến và gọi cho bệnh viện.
Jiang được mời làm việc tại Bệnh viện Vũ Hán số 1. Công việc của anh là dọn dẹp với giá 500 nhân dân tệ (70 USD) mỗi ngày. Nhiều người giúp việc thường xuyên bị cách li trong thành phố hoặc quá ngại ngần để vào bệnh viện làm việc. Bệnh viện đã bố trí một khu kí túc xá cho anh ở lại và cung cấp ba bữa ăn mỗi ngày.
Jiang đang làm việc tại bệnh viện Vũ Hán số 1 (Ảnh: SCMP).
"Thật đáng sợ khi làm việc ở một nơi đầy bệnh nhân nguy kịch", Jiang nói. Bệnh viện đã hướng dẫn anh cách mặc đồ bảo hộ và hoàn thành nhiệm vụ.
"Tôi đã rất sợ chết. Khi các bệnh nhân nói chuyện với tôi, tôi rất lo lắng. Khi họ ho, tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực", anh kể.
Vài lần một ngày, Jiang đi kiểm tra khu vực mình được phân công để thu gom rác, giao thức ăn và khử trùng sàn nhà. Có lần, một bệnh nhân cao tuổi cố gắng ngăn chảy máu mũi. Ông dùng khăn giấy lau máu và vo thành viên tròn ném vào thùng rác gần đó.
Nhưng cuộn giấy lại lăn vào chân Jiang, để lại vệt máu. Jiang ngay lập tức bỏ ra ngoài. Một y tá giúp anh dọn dẹp và bảo anh nghỉ ngơi nếu cảm thấy không khỏe.
"Tôi không muốn kiếm tiền", anh nói. "Chỉ cần để tôi cách li tại một khách sạn và cho tôi một ít thức ăn".
Jiang đổ rác tại bệnh viện (Ảnh: SCMP).
Đối với những người khác, có được một công việc là không thể và họ đã buộc phải ở nhà, không có thu nhập, phải đối mặt với giá hàng hóa tăng vọt.
"Tôi đã ăn mì hơn một tháng nay. Lần sau tôi sẽ không ăn nữa", Kang Wei, một công nhân nhập cư 30 tuổi nói. Nhưng anh không có sự lựa chọn. Giá thực phẩm ở Vũ Hán đã tăng gấp đôi, và thậm chí nhiều khi còn cao nữa. Với 100 nhân dân tệ (14 USD), anh chỉ có thể mua một túi rau và một con gà đông lạnh với 300 tệ.
Kang đến Vũ Hán tìm việc vào tháng Bảy. Vào tháng 1, anh ấy thậm chí còn làm việc tại
chợ buôn bán hải sản Vũ Hán, nơi virus corona được ghi nhận lần đầu tiên.
"Tôi không muốn gây ra bất kì rắc rối hoặc trở thành gánh nặng cho chính phủ. Tôi quyết định ở lại. Tôi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua khỏi"
Yang Hui, một bà mẹ ở tỉnh Tứ Xuyên bị mắc kẹt ở Vũ Hán
Tại đó cần một nhân viên bảo vệ. Các nhân viên cộng đồng yêu cầu Kang bảo vệ lối vào, khi nhân viên niêm phong và khử trùng các quầy hàng.
Không ai đeo khẩu trang, vì vào thời điểm đó, họ nói rằng căn bệnh không thể lây nhiễm giữa mọi người.
Kể từ khi Vũ Hán áp dụng lệnh phong tỏa, rất nhiều người khó giữ được việc làm. Các khu dân cư bị đóng cửa. Một số lối vào thậm chí bị bịt kín. Bảo vệ đi tuần tra khu tập thể của Kang và nói với anh rằng: "Nếu anh rời đi, anh sẽ không bao giờ có thể quay lại".
Kang đã trốn thoát qua hàng rào bảo vệ một lần để nhận việc tại khách sạn cho vị trí nhân viên chốt kiểm dịch. Nhưng anh chỉ làm việc ở đó trong một ngày vì nhận thấy nhân viên không được cung cấp đồ bảo hộ đầy đủ.
Sau đó, Kang bắt đầu những giờ dài bên trong căn hộ của mình. Anh xem phim để vượt qua thời gian, nhưng lo lắng về tương lai của mình.
Hàng trăm người tuyệt vọng, bị mắc kẹt khác đã thành lập các nhóm trên ứng dụng nhắn tin WeChat để chia sẻ sự đau khổ của họ và thảo luận về các biện pháp thực hiện.
Họ đã đăng một video lên nền tảng Weibo của Trung Quốc quay lại hình ảnh toàn bộ các gia đình bị mắc kẹt, đeo khẩu trang. Video kể về những ngày họ bị mắc kẹt ở Vũ Hán và mô tả sự khốn khổ của họ.
"Cháu muốn về nhà, cháu muốn gặp bạn bè và đến trường", những đứa trẻ nói trong video.
Một người phụ nữ cho biết, cô đã hết sữa bột. Tất cả các cửa hàng trong khu vực của cô đã bán hết. Cô biết có một cửa hàng gần nơi cô ở có thể có. Cô đã xin cảnh sát nhiều lần để được ra ngoài nhưng không được.
Một người khác cho biết mình vừa mở một nhà máy ở quê nhà, và tất cả 70 nhân viên của anh đều yêu cầu được thanh toán lương. Anh không thể nhận được đơn đặt hàng và không thể trả lại các khoản vay ngân hàng. "Mười lăm năm làm việc chăm chỉ có thể bị vứt xuống sông xuống biển", anh viết.
Con đường vắng lặng vào ban đêm ở Vũ Hán (Ảnh: SCMP).
Nhiều người không nghĩ là lệnh phong tỏa kéo dài quá lâu như vậy. Yang Hui, một phụ nữ từ tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, cho biết, cô tự trách bản thân mình vì cả gia đình đang bị mắc kẹt ở Vũ Hán.
Cô đến Vũ Hán vào tháng Một cùng với đứa con trai ba tuổi để thăm chồng. Chồng của cô là một công nhân xây dựng đường hầm. Trước khi thành phố bị phong tỏa, họ đã đọc được các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội rò rỉ thông tin về điều này.
Anh trai cô ở Tứ Xuyên này lập tức yêu cầu cô về nhà, nhưng cô chọn ở lại, để ngăn chặn sự lây lan của virus.
"Tôi không muốn gây ra bất kì rắc rối nào hoặc trở thành gánh nặng cho chính phủ. Tôi quyết định ở lại. Tôi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ qua nhanh", cô nói.
Chồng cô đã không có bất kì thu nhập nào trong hai tháng kể từ khi công việc xây dựng trong thành phố tạm dừng. Toàn bộ gia đình bây giờ phụ thuộc vào việc kinh doanh đồ ăn trực tuyến của Yang. Nhưng không thể đủ, và họ thường chỉ ăn một đĩa rau mỗi ngày.
Chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Khi Vũ Hán ấm hơn, Yang cố gắng mua quần áo mùa hè, nhưng được cho biết hàng cũng không thể giao được. "Chúng tôi vẫn đi giày và mặc quần áo rét", cô nói.
Kể cả khi lệnh phong tỏa đã được nới lỏng, mọi việc vẫn sẽ vô cùng khó khăn. Tin mới nhất mà Yang nghe được từ nhân viên hỗ trợ cộng đồng là họ có thể được phép rời khỏi Vũ Hán vào đầu tháng 4. Cô vẫn hoài nghi.
Có những người cũng đang cố gắng trở về Vũ Hán. Một người đàn ông tên Jason cho biết anh bị mắc kẹt ở thành phố phía nam Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, trong hai tháng, lo ngại về việc trở về quê nhà Vũ Hán: "Tôi không muốn chết, anh nói. Tôi vẫn có những mục tiêu chưa hoàn thành".
Người dân Vũ Hán thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống lại virus (Ảnh: SCMP).
Để giảm bớt căng thẳng, vào tháng Hai, chính quyền tỉnh Hồ Bắc cho biết, những người mắc kẹt trong đợt bùng phát dịch có thể xin viện trợ tài chính của chính phủ, trợ giúp y tế và nhà ở. Nhưng điều đó có vẻ khó khăn để thực hiện.
Một người đàn ông bị mắc kẹt ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, cho biết đứa con trai sáu tuổi của mình bị phát ban da.
Anh liên lạc với nhân viên cộng đồng, xin phép đưa con trai đến bệnh viện trở ở quê nhà, nhưng được cho biết họ chỉ có thể đến bệnh viện địa phương. Anh sợ bị lây virus và quyết định chờ đợi: "Tôi cảm thấy căng thẳng khi ở đây. Nhiều đêm tôi bị mất ngủ."
Kang không thể tìm được việc làm và đã xin hỗ trợ tài chính, nhưng được thông báo mình không đủ điều kiện. May mắn cho Kang khi một hàng xóm nơi anh ở nhận ra tình hình khó khăn của anh và tặng anh một vài túi rau miễn phí.
Khi số ca mắc mới giảm xuống, nhiều người ở Trung Quốc đã sẵn sàng để ăn mừng. Nhưng đó là một chiến thắng có cái giá rất cao.
Yang nhấn mạnh nhiều lần rằng gia đình cô khỏe mạnh và trả lời lời kêu gọi của chính phủ về việc cùng chống dịch. Đổi lại, cô mong muốn chính phủ có thể đánh giá cao sự hy sinh và giúp đỡ giải quyết các vấn đề của họ.
Sự yêu mến mà cô đã dành cho Vũ Hán – nơi trở thành thành phố "giam cầm" cô, giờ đây đã tan biến. "Tôi không bao giờ quay trở lại Vũ Hán nữa", cô nói.
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020