Tháng 11/2014, nhiều người dân Sài Gòn và đặc biệt là những người trong nghành Công an, những người từng biết đến cái tên “Hai Thành” đã vô cùng đau buồn khi mà vị đội trưởng đầu tiên của đội SBC Sài Gòn qua đời. Với người dân Sài Gòn, Đại uý Hai Thành đã để lại một di sản vô cùng lớn lao với những trận đánh, những cuộc đối đầu với tội phạm vô cùng gay go và nguy hiểm.
Tuổi trẻ anh hùng
Đội trưởng Hai Thành tên đầy đủ là Võ Tấn Thành, là vị đội trưởng đầu tiên đội SBC Sài Gòn. Cơ duyên để vị Đại uý nổi tiếng này gắn kết rồi trở thành tượng đài của Đội SBC như là một định mệnh đã được sắp đặt từ trước.
Khi mà Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp cùng lãnh đạo Công an TPHCM thực hiện ý tưởng về việc thành lập đội SBC thì cái tên Hai Thành đã được điền vào đầu tiên trong danh sách thành viên của một đơn vị Anh hùng và quả cảm.
Đại uý Hai Thành thời còn trẻ (Ảnh gia đình cung cấp) |
Sinh năm 1936 ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, năm 11 tuổi Võ Tấn Thành đã quả cảm cầm lựu đạn ném vào tàu Pháp. Đến năm 14 tuổi, ông đứng trong hang ngũ của du kích. Dòng máu anh hùng của mảnh đất đồng khởi đã nhào nặn lên bản lĩnh ngay từ khi còn nhỏ cho Võ Tấn Thành.
Đến tuổi trưởng thành, Võ Tấn Thành gia nhập quân Đội công tác ở Tiểu đoàn 307 rồi sau đó được tập kết ra Bắc theo diện đào tạo đặc biệt. Ông là một người ít nói mà tất cả bằng hành động, khi ra chiến trận thì chẳng bao giờ có khái niệm về sự sợ hãi hay né tránh.
Năm 1960, ông được chuyển vào học tại trường C500 nay là Học viện An ninh Nhân dân. Cũng bắt đầu từ đây, con đường mà Võ Tấn Thành đi đã theo một hướng khác… Ông trở thành người chiến sĩ Công an với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân vào giai đoạn khói lửa.
Ngày 2/5/1975, chỉ 2 ngày sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, lúc này, Đại uý Võ Tấn Thành nhận phân công làm Đội trưởng Đội chấp pháp, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM.
Với những người dân đã từng sống ở Sài Gòn vào giai đoạn này thì họ sẽ hiểu được sự rối ren về tình hình an ninh trật tự như thế nào.Trong xã hội tồn tại một nhóm người nhiễu nhương là những tên tội phạm của chế độ cũ sau khi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật sau ngày thống nhất thì quay ra tổ chức băng nhóm để mà cướp bóc, giết người, bắt cóc… Đấu tranh với loại tội phạm này, Đội chấp pháp do Đại uý Hai Thành làm đội trưởng đóng vai trò nòng cốt nhất.
Những chuyên án, những cuộc truy bắt diễn ra liên tục, đồng đội nhìn thấy cái cách mà Đại uý Hai Thành hạ gục tội phạm, ai nấy đều cảm thấy khâm phục. Còn với những tên tội phạm nguy hiểm, dù là manh động đến đâu cứ nghe thấy hình bóng của Hai Thành là y như rằng hoặc là phải tìm cách lẩn trốn thật kỹ hoặc là chấp nhận mà cho tay vào còng.
Đội trưởng SBC đầu tiên
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thiệp, với cương vị là Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, cha đẻ của đội SBC đã từng vài lần nói với Đại uý Hai Thành rằng, có lẽ cần phải sinh ra Đội bắt cướp để đấu tranh với nhóm tội phạm đang khiến cho cuộc sống của xã hội trở nên căng thẳng hơn.
Trong một lần ngồi trò chuyện với Thiếu tướng Thiệp khi được hỏi về việc sinh ra một đội mới hay là tang cường nhân sự cho lực lượng hiện tại, Đại uý Hai Thành đã nói rằng nếu có một lực lượng chuyên biết thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Đại uý Hai Thành (ngồi giữa) chụp ảnh cùng Bộ trưởng Mai Chí Thọ (Ảnh tư liệu của Công an Thành phố Hồ Chí Minh) |
Khi ý tưởng thành lập đội SBC được lãnh đạo Bộ Nội vụ rồi Ban giám đốc Công an TPHCM thong qua, Đại uý Hai Thành là những người đầu tiên cùng với Thiếu tướng Thiệp tham gia vào tất cả những công việc tuyển chọn, đào tạo.
Đại úy Hai Thành có nói, đã là lính SBC thì phải mạnh, phải nhanh, phải dữ dội. Có lẽ chính những sự từng trải của vị Đại uý này đã giúp ông đúc rút được những kinh nghiệm về bản lĩnh của một trinh sát SBC cần gì.
Trong buổi tuyển chọn, để làm mẫu cho những trinh sát trẻ, Đại uý Hai Thành đã một tay lái xe, một tay cầm súng và di chuyển với một tốc độ chóng mặt khiến cho tất cả mọi người đều thật cảm thấy… choáng váng.
Cũng giống như quan điểm của Thiếu tướng Thiệp, Đại uý Hai Thành luôn giữ vững quan điểm, muốn tiêu diệt, ngăn chặn được tội phạm thì buộc mình phải nhanh hơn chúng và phải chính xác trong từng hành động.
Ngày Đội SBC ra mắt, với cương vị là Đội trưởng, trước mặt tất cả mọi người Đại uý Hai Thành đã nói rằng, sẽ làm hết sức mình, dù là phải hy sinh tất cả để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Sau buổi ra mắt ngắn ngủi, Đại uý Hai Thành nói với những trinh sát trong Đội SBC rằng, mình cần phải là đi tìm tội phạm, bắt giữ chúng chứ không thể đến khi xảy ra sự vụ rồi thì mới nhập cuộc thì khi đó đã quá muộn. Và những công việc sau này mà Đại uý Hai Thành cùng đồng đội thực hiện đã chứng minh cho quan điểm này.
Những chuyên án lần lượt được Đại uý Hai Thành cùng đồng đội khám phá. Vị Đại uý này là một trong những người tham gia trực tiếp vào tất cả các chuyên án lớn mà Đội SBC thực hiện.
Và cũng có một điều rất đặc biệt của vị Đại uý này, thực ra phía sau sự dũng mãnh, quyết liệt lại là một con người có lòng bao dung và độ lượng rất lớn. Ông không để cho tội phạm có cơ hội trốn thoát nhưng sẽ sẵn sang tha thứ, tạo cơ hội làm lại cuộc đời cho những người biết hối cải, biết thay đổi…
Còn tiếp