Hai tỉ phú Việt hợp tác thế nào trước khi sáp nhập Vinmart vào Masan?

Tập đoàn Masan là cổ đông lớn nhất sở hữu 15% vốn Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang là Phó chủ tịch ngân hàng, trong khi Vingroup là khách hàng lớn nhất tại ngân hàng này.

Cùng là hai tỉ phú xuất phát kinh doanh mì gói tại Đông Âu, khi đầu tư về Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và ông Nguyễn Đăng Quang đã chọn những lĩnh vực khác nhau nên cả hai có rất ít thương vụ đầu tư trực tiếp (góp vốn, mua cổ phần…). Tuy nhiên, giữa hai vị doanh nhân này lại có rất nhiều quan hệ hợp tác trong kinh doanh.

Mối liên hệ giữa hai tỉ phú Việt

Trong mối quan hệ hợp tác kinh doanh của hai vị tỉ phú Việt, ngân hàng Techcombank đóng vai trò trung tâm trong các giao dịch.

Cụ thể, Tập đoàn Masan của tỉ phú hàng tiêu dùng Nguyễn Đăng Quang đang là cổ đông lớn nhất tại Techcombank, sở hữu 15% vốn. Theo báo cáo công ty mẹ - Masan, khoản đầu tư này có giá gốc 4.379 tỉ đồng, và giá trị hợp lí đến cuối tháng 9 năm nay vào khoảng 12.243 tỉ đồng, gấp gần 3 lần.

Cùng với đó, ông Quang đang là Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng, và là thành viên đại diện của Masan sở hữu cổ phần tại Techcombank.

Hai tỉ phú Việt hợp tác thế nào trước khi sáp nhập Vinmart vào Masan? - Ảnh 1.

Techcombank đóng vai trò trung tâm trong mối liên hệ giữa hai vị tỉ phú Việt. (Đồ họa: Nhân Lê).

Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup không có hợp tác đầu tư, góp vốn tại ngân hàng nhưng là khách hàng lớn nhất tại đây. Techcombank đóng vai trò là nhà cấp vốn vay lớn nhất cho các công ty con, thành viên của Vingroup.

Số liệu từ báo cáo tài chính của tập đoàn này cho biết, Techcombank hiện là ngân hàng cấp tín dụng nhiều nhất cho tập đoàn mẹ, với 1.371 tỉ đồng vay dài hạn, chiếm 47% tổng vay ngân hàng dài hạn hiện nay.

Đến cuối tháng 9, Techcombank cũng đang cho VinHomes (công ty con của Vingroup) vay hơn 5.000 tỉ đồng.

Ngân hàng cũng đã phát hành gần 2.600 tỉ đồng trái phiếu cho vay với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng.

Đặc biệt, Techcombank hiện là đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất cho Vingroup và các công ty thành viên thông qua công ty con - Techcombank Securities, giá trị gần 38.385 tỉ đồng đến cuối quý III/2019.

Số này chiếm tới 88% tổng giá trị trái phiếu mà tập đoàn của tỉ phú Vượng đã phát hành. Riêng trái phiếu trong nước mà Techcombank Securities tư vấn cho tập đoàn mẹ - Vingroup cũng là 9.046 tỉ đồng.

Khách hàng lớn nhất tại Techcombank

Lãnh đạo Techcombank cho biết riêng nguồn thu từ Vingroup đang đóng góp khoảng 9-10% doanh thu của ngân hàng, bao gồm cả các khoản lãi từ hoạt động cho vay.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng giám đốc, cho biết 9 tháng đầu năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 14.400 tỉ đồng, trong đó nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn mang về 3.779 tỉ đồng, chiếm 26%. Nguồn thu từ Vingroup góp khoảng 300-400 tỉ đồng số này.

Ngoài nguồn thu trực tiếp, Vingroup còn mang về nguồn thu gián tiếp rất lớn cho ngân hàng này thông qua các khách hàng mua nhà.

Theo số liệu của ngân hàng, tổng số dư nợ bán lẻ hiện tại vào khoảng 99.000 tỉ đồn, cho vay mua nhà chiếm 82%, tương đương 81.000 tỉ đồng. Trong đó, một số khu đô thị lớn taị Gia Lâm, Đại Mỗ của Vingroup đều do nhà băng này cho vay mua nhà.

Techcombank cũng là ngân hàng có số giải ngân nhiều nhất trong các dự án mà Vingroup triển khai.

Hai tỉ phú Việt hợp tác thế nào trước khi sáp nhập Vinmart vào Masan? - Ảnh 2.

Vingroup và Masan còn có mối quan hệ hợp tác gián tiếp thông qua hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+.

Hầu hết hàng tiêu dùng do Masan sản xuất đều đang được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ của Vingroup. Trong đó, Masan MEATLife (công ty con của Masan trong lĩnh vực sản xuất thịt heo) mới niêm yết cũng đang được phân phối tại tất cả siêu thị Vinmart.

Đến cuối tháng 11/2019, công ty này sở hữu 28 cửa hàng trực tiếp, bán hàng tại 77 siêu thị (hầu hết là Vinmart) và 311 điểm bán (Vinmart+).

Ngoài ra, 2 tập đoàn này còn có chung một cổ đông lớn là SK Group, tập đoàn gia đình lớn thứ ba Hàn Quốc, sau Samsung và Hyundai. Thông qua quỹ đầu tư SK Investment Vina I Pte.Ltd, SK Group sở hữu 9,4% vốn tại Masan và 6,11% vốn tại Vingroup.

Không lâu sau khoản đầu tư từ SK Group, hai tập đoàn của Việt Nam đã công bố thương vụ sáp nhập giữa VinCommerce, VinEco và Hàng tiêu dùng Masan.

Tại thỏa thuận này, hai tập đoàn đã thống nhất việc hoán đổi cổ phần sở hữu tại các công ty để sáp nhập thành một tập đoàn mới. Trong đó, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động tại công ty mới, còn Vingroup đóng vai trò là cổ đông. Tỉ lệ sở hữu và giá trị thương hiệu đều chưa được hai bên tiết lộ. Khoảng 25.000 nhân sự của Vingroup cũng sẽ được chuyển giao về Masan.

Sau thương vụ, Masan sẽ tập trung làm bán lẻ, và Vingroup tập trung làm ôtô - điện thoại…

chọn
[Photostory] Ngắm đại lộ đắt nhất Nghệ An
Đại lộ Vinh - Cửa Lò được UBND tỉnh Nghệ An được khởi công năm 2011 với tổng mức đầu tư 4.157 tỷ đồng (lớn nhất Nghệ An). Giai đoạn 1 dự án đã thông tuyến vào năm 2021. Từ tháng 7/2022 đến nay, giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai và dự kiến hoàn thành trong 36 tháng.