Mua nhà ba chung (chung số nhà, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng) qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro, không khác gì “cầm dao đằng lưỡi” nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp giao dịch vì ham giá rẻ.
Thời gian qua, tại các quận vùng ven TP HCM xuất hiện nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại. Việc này nhằm mua, bán những căn nhà "ba chung" (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà).
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, mới đây UBND Quận 12 đã ra thông báo kêu gọi người dân cảnh giác.
Theo đó, thông qua hình thức mua bán này, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua để thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi.
Với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay, các đối tượng này nhờ các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng để tăng sự tin tưởng.
Một dãy “nhà ba chung” đang được rao bán tại quận 12, TP HCM.
Thậm chí còn xảy ra trường hợp nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng.
Theo quận 12, nhiều nạn nhân dính vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn hơn nhiều.
Bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng, hoạt động mua bán nhà ở “ba chung” tại TP HCM vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Qua ghi nhận của PV, tình trạng mua bán nhà bằng giấy tay, lập vi bằng không chỉ diễn ra ở Quận 12, mà còn xảy ra ở huyện Củ Chi, Khu Vĩnh Lộc của huyện Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè…
Hầu hết những người mua nhà theo hình thức “ba chung” đều là các hộ dân lao động nghèo, nôn nóng có một "chốn an cư" nhưng lại eo hẹp tài chính nên nhắm mắt làm liều bất chấp những rủi ro.
Ưu điểm của nhà ba chung là giá rẻ (chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 những căn có sổ riêng) dù nằm ở vị trí khá thuận tiện di chuyển vào các khu vực trung tâm. Trong khi đó, để mua một căn nhà có sổ riêng ở vị trí tốt thì giá lại quá cao và liên tục tăng lên theo từng tháng.
Anh Trần Văn Hoàn, một hộ dân đã mua nhà “ba chung” tại quận 12, TP HCM cho biết: “Cảnh báo thì ngày nào chúng tôi cũng nghe. Vấn đề là nhu cầu nhà ở tăng cao, ai cũng muốn sở hữu một căn nhà ở thành phố để tiện mưu sinh nhưng họ không đủ tiền để mua nhà có giấy tờ đầy đủ nên đành “đánh cược”. Cho dù họ biết nếu thua là sẽ thua toàn bộ tài sản hiện có.”
Ưu điểm lớn nhất của “nhà ba chung” là giá rẻ.
Bên cạnh việc ham giá rẻ, những hộ dân chấp nhận mua nhà “ba chung” đều có hy vọng trong tương lai chính quyền sẽ thay đổi cơ chế pháp lý, hợp thức hóa nhà “ba chung” và cấp sổ đỏ cho họ.
“Giờ để mua nhà có giấy tờ đầy đủ và diện tích trên 50m2 thì phải cầm vài ba tỉ mới dám nghĩ đến, chứ dưới 1 tỉ là thua rồi. Chúng tôi mong thời gian tới chính quyền sẽ có cơ chế pháp lý cụ thể cho hình thức mua bán này, để người dân vẫn được sở hữu một căn nhà rẻ mà không phải lo lắng nữa”. Chị Nguyễn Thị Hương ngụ tại khu vực Nhà Bè, quận 7, TP HCM nêu nguyện vọng.
Bên cạnh những hộ dân hiểu rõ về tính rủi ro của việc mua nhà “ba chung” nhưng vẫn chấp nhận thì cũng không ít người mơ hồ về hình thức mua bán này. Thậm chí, dù đã nghe báo chí phản ánh nhiều lần họ vẫn bàng quan vì tin tưởng vào lời hứa hẹn của người chủ nhà đứng tên trên sổ đỏ.
Anh Trần Văn Hưng, một hộ dân sở hữu nhà “ba chung” ngụ tại quận 12 cho biết, trước đây căn nhà anh đang ở là ông chủ nhà cho thuê với giá 5 triệu/1 tháng, sau khi lấy vợ, anh mua lại với giá 1,2 tỉ qua hình thức viết giấy tay và lập vi bằng. Theo anh Hưng, chủ nhà hứa hẹn sẽ để vợ chồng anh sở hữu lâu dài và hỗ trợ tối đa về giấy tờ nếu muốn bán lại.
“Tôi đã mua 2 năm nay và mọi thứ vẫn bình thường chứ có thấy gì là lừa đảo đâu. Vẫn được phòng công chứng xác nhận, vẫn có giấy tờ đầy đủ mà, chỉ có điều đúng là có 3 chung”, anh Hưng cho hay.
Mặc dù biết rõ việc mua bán nhà đất qua hình thức lập vi bằng (nhà bà chung) mang nhiều hệ lụy nhưng nhiều chuyên gia nhận định hình thức này rất khó dẹp bỏ.
Một dãy “nhà ba chung” ở quận Bình Tân đã được bán hết cho người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của người dân.
Dù có cấm các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng cho các chủ nhà khi giao dịch mua bán nhà chung sổ thì người dân vẫn có nhiều cách lách luật.
Thậm chí, họ có thể không cần yêu cầu văn phòng Thừa phát lại ghi nhận việc mua bán nhà “ba chung” mà chỉ ghi nhận đã trao đổi số tiền như trên.
“Quan trọng là người dân biết rõ nhưng vẫn cố tình làm do ham giá rẻ, muốn có nhà ở sẵn hoặc không có thời gian đi tìm đất để xây. Do đó muốn dẹp bỏ thì cơ quan chức năng phải liên tục tuyên truyền, yêu cầu người dân dừng ngay hình thức mua bán này nếu không muốn ném tiền qua cửa sổ”, ông Đực nhận định.
Theo bà Phan Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, mới đây Sở Tư pháp cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các văn phòng Thừa phát lại thực hiện đúng quy định của pháp luật và các hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Các văn phòng thừa phát lại phải giải thích cụ thể chức năng của vi bằng cho người dân hiểu rõ. Trong trường hợp người dân không hiểu rõ thì không được phép thực hiện việc ghi nhận giao dịch mua bán.
“Nếu văn phòng thừa phát lại nào thực hiện không đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp sẽ bị thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định”, bà Thuận phân tích.