Nhà dân nằm ven sông Nậm Nơn đang có nguy cơ rơi xuống sông. |
Nằm trong túi bom nước
Thủy điện Nậm Nơn có công suất máy 20 MW, nằm phía hạ du sông Nậm Nơn, cách thủy điện Bản Vẽ chỉ chừng 10 km. Do nằm lọt giữa 2 thủy điện, nên các hộ dân sinh sống bên bờ sông này được ví như nằm trong túi bom nước khổng lồ. Theo người dân, năm 2014, thủy điện Nậm Nơn tích nước, đi vào hoạt động. Cũng từ đó, hàng chục nhà dân ven bờ sông sống trong lo sợ vì nguy cơ nhà sạt lở xuống sông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Anh Lô Văn Dương (ngụ bản Lạ, xã Lượng Minh) cho biết, nhà anh làm từ năm 2000, khi thủy điện Nậm Nơn chưa tích nước, nước sông còn ở cách xa nhà vài chục mét. Sau khi thủy điện này hoạt động, nước sông vào gần sát, chỉ cách chân móng nhà vài mét.
“Tui sợ quá đã lấp lại và bây giờ, cứ mỗi khi có mưa lớn hoặc thủy điện Bản Vẽ phía trên xả nước, nước sông dâng cao, ở trong nhà cứ thấy nhà rùng rình như muốn trôi đi”, anh Dương nói. Sợ nhà có thể trôi xuống sông bất cứ lúc nào, mỗi khi có mưa, gia đình anh Dương phải sơ tán đến ở nhờ nhà người thân, hết mưa mới dám quay về. Gần đó, nhà anh Lô Văn Mao cũng khóa cửa im lìm.
Anh Dương cho biết, mấy hôm nay trời mưa, nên cả gia đình anh Mao không dám ở nữa mà đã chuyển đến ở nhờ nhà bố mẹ ở phía bên kia sông. “Ở đây, cứ mưa lớn, nhất là ban đêm, nhiều nhà phải chạy đi ở nhờ vì sợ nhà trôi xuống sông”, anh Dương nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, hiện tượng nhà dân “trôi” về phía mé sông biểu hiện qua các vết nứt ở nền nhà, chạy dọc song song với bờ sông. Người dân cho biết, các vết nứt này xuất hiện sau khi Thủy điện Nậm Nơn tích nước và ngày càng có xu hướng rộng hơn. Căn nhà xây kiên cố của anh Lô Văn Hùng nằm cách nhà anh Dương vài nhà cũng đang có nguy cơ bị rơi xuống sông khi nền nhà xuất hiện các vết nứt chạy dọc bờ sông.
Anh Hùng cho biết, vết nứt này xuất hiện từ năm 2016 và ngày một to dần. Cách đó chừng vài trăm mét, căn nhà của vợ chồng chị Lô Thị Hồng cũng xuất hiện một vết nứt lớn ở nền nhà. “Vết nứt này ngày càng rộng ra. Khi có mưa lớn, nhà cứ như muốn trôi tuột xuống sông”, chị Hồng nói.
Khi nào sạt lở sẽ tính?
Trao đổi về thực trạng trên, ông Lô Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết có 17 hộ ở bản Lạ và 3 hộ ở bản Minh Phương (xã Lượng Minh) sống bên bờ sông Nậm Nơn đang nằm trong diện nguy hiểm vì nguy cơ sạt lở. Ông Hùng cũng xác nhận, hiện tượng nhà dân ở đây bị sạt lở xảy ra sau khi Thủy điện Nậm Nơn tích nước.
“Nguyên nhân là nền đất ở đây yếu, khi thủy điện tích nước, nước sông dâng cao làm nhão nền đất. Khi có mưa lớn, nước từ trên núi chảy xuống, cộng với nước sông lên nên nguy cơ sạt lở rất dễ xảy ra”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, trước tình hình trên, UBND xã Lượng Minh đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện Tương Dương và chủ đầu tư Thủy điện Nậm Nơn để kiểm tra, cho di dời các hộ này, nhưng chủ đầu tư thủy điện cho rằng các hộ dân này không nằm trong vùng bị ngập nước, nên chưa xem xét để bồi thường, di dời.
“Một số hộ nằm dưới mực nước thủy điện họ đã bồi thường, di dời. Số hộ còn lại, họ nói khi nào sạt lở thì họ sẽ tính, chứ hiện nay chưa ảnh hưởng nên chưa bồi thường”, ông Hùng nói.
Bốn cáo buộc gây tranh cãi tại đại án OceanBank Trong hơn 20 ngày xét hỏi, tranh luận nảy lửa, nhiều cáo buộc trong đại án OceanBank vẫn chưa khiến các bị cáo "tâm phục ... |
Đại án OceanBank: Những câu hỏi chưa có lời giải! Trong phần đối đáp sáng 24/09 về các quan điểm của VKS, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ mong muốn HĐXX áp dụng thẩm ... |
Vụ án Hà Văn Thắm: Nước mắt và những lời cuối cùng Như vậy sau 20 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm, mức án đề nghị đã được Viện Kiểm sát công ... |